Giáo dục, văn hoá xã hội, y tế

Một phần của tài liệu Hậu phương bắc Cạn trong kháng chiến chống thực dân pháp (1945-1954) (Trang 41 - 44)

6. Bố cục của luận văn

2.1.3. Giáo dục, văn hoá xã hội, y tế

Để phát huy quyền làm chủ, nâng cao nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân đối với công cuộc kháng chiến, kiến quốc, đồng thời nhằm nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc, làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, xây dựng nền văn hoá, giáo dục mới là nội dung quan trọng của công tác xây dựng hậu phương kháng chiến.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, ngày 3 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ và nêu ra các biện pháp cấp bách cần làm ngay, trong đó có biện pháp là phải mở ra một phong trào giáo dục, cần, kiệm, liêm, chính để bài trừ những thói hư tật xấu của chế độ cũ để lại.

Thực hiện biện pháp đó, sau khi Chính phủ thành lập Nha Bình dân học vụ, cuối tháng 9 năm 1945 Bắc Kạn đã thành lập Ty Bình dân học vụ và Ty Tiểu học vụ. Sau đó các huyện cũng thành lập tổ chức bình dân học vụ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Những người biết chữ

dạy cho những người chưa biết chữ...Những người chưa biết chữ hãy cố gắng mà học cho biết. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ chưa biết thì con bảo", "Đi học là yêu nước", khắp các thôn xóm, bản làng

phong trào học tập văn hoá được dấy lên sôi nổi. Đêm đêm đồng bào thắp đuốc rủ nhau vượt suối đến lớp học. Nhân dân Bắc Kạn đã có sáng kiến viết chữ lên tấm bảng treo trước cổng chợ để mọi người đi chợ tự giác đọc những hàng chữ trên tấm bảng rồi mới vào chợ tham gia mua, bán. Hình thức này

tuy đơn giản nhưng đem lại hiệu quả rất tốt, bởi nó kích thích lòng tự trọng mỗi người, buộc mỗi người phải tự cố gắng phấn đấu học tập để không thua kém những người xung quanh. Thâm nhuần lời dạy của Bác "Phụ nữ lại càng

cần phải học! Đã lâu chị em bị kìm hãm, đây là lúc chị em phải cố gắng để kịp nam giới, để xứng đáng với mình là phần tử trong nước, có quyền bầu cử và ứng cử", phong trào bình dân học vụ được chị em phụ nữ tỉnh Bắc Kạn hưởng ứng nhiệt tình. Nhiều cán bộ có năng lực được tỉnh cử xuống các làng bản xa xôi vận động nhân dân tham gia phong trào xoá nạn mù chữ, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chính sách mới ở nông thôn, bồi dưỡng cán bộ nòng cốt cho các dân tộc ít người. Chỉ trong một thời gian ngắn, các lớp bình dân học vụ được tổ chức khắp nơi, thu hút hàng nghìn người đến học. Qua hơn một năm từ 9/1945 đến cuối năm 1946, tỉnh Bắc Kạn đã có hơn 6.000 thoát nạn mù chữ. Cùng với cuộc vận động thanh toán mù chữ, Đảng bộ và chính quyền tỉnh đã chú ý xây dựng và phát triển giáo dục phổ thông. Trong điều kiện hết sức khó khăn ở địa phương sau khi giành được chính quyền nhưng được sự ủng hộ của nhân dân, toàn tỉnh đã xây dựng được nhiều trường lớp cho con em các dân tộc đến học, trong đó điển hình là huyện Chợ Đồn. Các bản người Dao hẻo lánh như Cốc Phường, Nà Pa (Quảng Bạch), Kéo Nàng (Bản Thi), Nà Danh (Nghĩa Tá), Bản Ca (Bình Trung)... đều có lớp học thu hút trẻ em đến học tập. Chợ Đồn đã mở lớp đào tạo giáo viên cho hơn 40 người tại Bản Điểng (Tân Lập) . Ngay trong năm học đầu tiên (1946 – 1947), cả tỉnh đã có 76 trường và lớp học, 93 giáo viên và 2.268 học sinh. Nhiều vùng nông thôn trước đây bản làng hoang vắng xác xơ, nay sớm chiều vang tiếng trẻ học chữ, học các bài hát ca ngợi cuộc sống [43;tr73].

Sau 3 năm thành lập, đầu năm 1948 Ty Tiểu học vụ có 93 nhân viên, 69 trường tiểu học và hương học, với 3.092 học sinh. Đến cuối năm 1948 có

111 nhân viên với 93 trường học và 3633 học sinh. Trường học nào cũng chật ních trẻ em và làng nào cũng xin mở trường. Ty Bình dân học vụ năm 1948 mở được 12 lớp huấn luyện giáo viên, có 634 người theo học, thuộc đủ các dân tộc, trong đó có 632 giáo viên, 522 lớp học với 8.803 học viên, thanh toán được 5.870 người thoát nạn mù chữ [79;tr.8].

Sang năm 1949, vấn đề học trở thành phong trào sôi nổi vì lúc này Bắc Kạn được cử thêm nhiều giáo viên cơ bản lên, các xã lại được tu bổ lại trường. Lưu học xá được đặt ở huyện Chợ Rã và huyện Na Rì, gần trường cơ bản, mỗi lưu học xá có thể trợ cấp cho 30 học viên (mỗi học viên 180 đồng một tháng) chú trọng nhất đến các con em các binh sĩ và đồng bào Mán [80;tr.9].

Như vậy, sau 4 năm xây dựng nền giáo dục mới Đảng bộ và nhân dân Bắc Kạn tuy gặp một số khó khăn nhưng đã đạt được thành tích là đặt cơ sở cho nền giáo dục dân chủ nhân dân, tạo điều kiện cho sự phát triển về sau.

Trong nhiệm vụ xây dựng nền văn hoá mới, song song với giáo dục, công tác văn hoá, văn nghệ, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện 'Đời sống mới", xoá bỏ các tập tục lạc hậu, khắc phục các tệ nạn xã hội cũ như cờ bạc, thuốc phiện, mê tín dị đoan... được Đảng bộ và các cấp chính quyền Bắc Kạn quan tâm chỉ đạo, Ty Thông tin lúc đầu mới chỉ có 12 nhân viên, mỗi phòng có 5 nhân viên, đến năm 1948 đã có 19 người. Ngoài ra Ty còn tổ chức đủ các ban Văn thư, Kiêm huấn, Biên tập, Tin tức, Hội hoạ, Ca kịch, Ấn loát. Đoàn Ca kịch lưu động đã đi hầu hết các xã ở vùng tự do để biểu diễn và tuyên truyền cho nhân dân xây dựng đời sống mới. Ở một số địa phương, các đội văn nghệ của huyện đã ra đời và được trang bị các nhạc cụ dân tộc, như chiêng, trống, đàn tính...tổ chức các đêm liên hoan văn nghệ ở các xã, dạy các bài hát cách mạng cho thanh niên....Ban Ấn loát đã xuất bản được 1 tờ báo Tin tức với 16.900 tờ, in truyền đơn, thông cáo và khẩu hiệu...Các phòng ở

các huyện đã có từ 8 đến 10 nhân viên. Các xã đã có Ban Thông tin xã từ 3 đến 6 người, các báo tin tức đã phổ biến tới các thôn, các xã. Từ ngày phát động phong trào thi đua ái quốc, ngành Thông tin Bắc Kạn đã có bước phát triển đáng kể. Ty Thông tin còn kết hợp với Ty Hoa kiều tuyên truyền củng cố tinh thần Hoa kiều bằng cách giải thích tinh thần Trung Hoa và Việt Nam, vạch mặt bọn phản động Tưởng và Mỹ, nêu những thắng lợi của dân chủ thế giới để cho Hoa kiều hiểu rõ tình hình và đặt niềm tin vào sự thắng lợi của Trung Hoa và Việt Nam, tăng cường đoàn kết các dân tộc với nhau cũng như dân tộc Việt Nam với dân tộc Trung Hoa. Việc vận động những người bị nghiện hút cai nghiện cũng được chú ý. Đến năm 1948 đã có 70% người thoát khỏi nghiện [79;tr.19].

Ty Y tế đầu năm 1948 sau khi gặp khó khăn do Pháp nhảy dù đã mở lại phòng phát thuốc ở các huyện. Đầu tháng 10 năm 1948, Dân y xã đã mở cửa đón các bệnh nhân. Các phòng phát thuốc ở các huyện đã đủ để phát thuốc cho nhân dân. Lúc này mỗi huyện ở Bắc Kạn có 8 y tá, 1 nữ hộ sinh thôn quê, 1 cứu thương, 1 tá dịch. Trong tỉnh có 1 y tá trưởng được cấp trên cử về làm Trưởng ban y tế. Sang năm 1949, Sở y tế Liên khu I đã quan tâm cử 6 nhân viên về tỉnh phát thuốc cho nhân dân [78;tr.6].

Công tác vệ sinh phòng bệnh được tăng cường, các đội tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh được thành lập và đi xuống cơ sở, vận động hướng dẫn đồng bào dân tộc thực hiện ăn, ở, vệ sinh, phòng ngừa bệnh tật. Nhờ đó mà các dịch bệnh đã được hạn chế, sức khoẻ của đồng bào đã được đảm bảo hơn. Công tác y tế đã góp phần đáng kể vào việc đẩy lùi tệ nạn mê tín dị đoan, đồng thời xác lập nền văn hoá cách mạng.

Một phần của tài liệu Hậu phương bắc Cạn trong kháng chiến chống thực dân pháp (1945-1954) (Trang 41 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)