Sau khi tuyển dụng thì chính sách đào tạo cũng là việc không thể thiếu. Sinh viên mới ra trường, trẻ, năng động, nhiệt huyết được trang bị đầy đủ về kiến thức tài chính ngân hàng, đáp ứng được khả năng công tác trong môi trường hoạt động của Ngân hàng hiện đại. Tuy nhiên do đa phần là nhân viên trẻ nên kinh nghiệm công tác còn hạn chế, cách nhìn nhận đánh giá vấn đề; nhất là các vấn đề về quản trị rủi ro, còn thiếu chiều sâu. Cách thức tiếp nhận, xử lý công việc phần nhiều vẫn còn thụ động, phụ thuộc nhiều vào cách làm việc, ý kiến chỉ đạo từ trên xuống; chưa hình thành được cách phân tích, đánh
giá riêng , chưa thể hiện được sự sáng tạo khi xử lý công việc. Trên bình diện tổng quát thì mặt bằng chung về kinh nghiệm và kiến thức (nhất là khiến thức về việc nhận xét, đánh giá khách hàng) của đội ngũ nhân viên làm công tác tín dụng chưa thật đồng đều. Thực trạng đội ngũ nhân viên thừa tính năng động, giàu kiến thức chuyên môn… nhưng thiếu kinh nghiệm nhận thức, phân tích, đánh giá đã phần nào ảnh hưởng đến năng lực thẩm định, quản lý, phục vụ khách hàng; nhất là những khách hàng có các chỉ tiêu phi tài chính đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm và chiều sâu phân tích.
Do đó Vietcombank cần thiết lập một trung tâm chuyên đào tạo cán bộ, có nhiều chương trình đào tạo. Đối với toàn bộ nhân viên mới tuyển dụng phải tham dự khoá đào tạo cơ bản: chương trình đào tạo ngoài nội dung bao quát quy trình, quy chế trong quá trình tác nghiệp của tất cả các sản phẩm của Vietcombank bao gồm cả dịch vụ tín dụng và phi tín dụng, còn phải có nội dung giới thiệu tổng quát về Vietcombank về lịch sử hình thành và phát triển, về mạng lưới, về văn hoá tổ chức của Vietcombank,v.v. tạo cho lớp trẻ có nhận thức rõ ràng và tự hào về tổ chức mình đang phục vụ.. Đối với các nhân viên khác, Vietcombank nên thường xuyên tổ chức các lớp nghiệp vụ nhằm nâng cao kiến thức, truyền đạt kinh nghiệm.
Chính sách đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ công nhân viên cần được thực hiện một cách thường xuyên bất kể vị trí và chức vụ của họ như thế nào, khuyến khích người lao động tự đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn và có cơ chế hổ trợ hợp lý. Việc đào tạo phải dựa trên cơ sở quy hoạch cán bộ cụ thể và có chính sách đào tạo kịp thời, gắn kết chặt chẽ với hoạt động kinh doanh, mạnh dạn trẻ hoá đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đạo đức và trình độ tốt, xây dựng thế hệ kế thừa vững mạnh, có đủ tâm, xứng tầm.
Bên cạnh đào tạo và nâng cao năng lực chuyên môn, cần chú trọng việc trau dồi nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho mỗi cán bộ nhân viên, công tác tuyên truyền bồi dưỡng và xây dựng phong cách, thái độ phục vụ một cách chuyên nghiệp cũng là yêu cầu không thể thiếu. Sự chuyên nghiệp của một
nhân viên ngân hàng trong công việc là phải giải quyết nhanh, chính xác và đảm bảo an toàn; trong giao tiếp với khách hàng phải có đủ trí tuệ, sự tự tin và thái độ trân trọng, khiêm nhường. Sự chuyên nghiệp còn có thể ví von như là một quy trình sản xuất công nghiệp, cần phải luyện tập thường xuyên thành thói quen. Muốn vậy, việc trước tiên phải làm là công tác đào tạo và làm thay đổi nhận thức của cán bộ công nhân viên, kế đến là phải rà soát lại và hoàn chỉnh nội quy lao động, nội quy cơ quan một cách cụ thể. Tiếp theo là hoàn chỉnh lại quy trình nghiệp vụ có sự cập nhật những thay đổi về mô hình công nghệ, sản phẩm mới một cách đầy đủ, thực hiện nghiêm chỉnh về quy chế khách hàng và giao tiếp khách hàng. Tăng cường công tác giáo dục, nâng cao tinh thần trách nhiệm cao trong công việc của từng cán bộ, triệt tiêu tư tưởng thờ ơ, làm việc thiếu trách nhiệm, thiếu nhiệt tình của từng cán bộ. Tuyên truyền tác phong làm việc có kế hoạch, có tổ chức của cán bộ, mà trước tiên Ban Lãnh đạo phải làm gương cho nhân viên của mình. Triệt tiêu tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong tư tưởng ở mọi cấp, đề cao tinh thần khách quan trong công việc, tránh vì lợi riêng mà vượt qua quy trình quy chế, gây thiệt hại cho ngân hàng. Ban lãnh đạo nên có xử lý nghiêm minh đối với từng trường hợp vi phạm.