Một số giải pháp hỗ trợ

Một phần của tài liệu Giải pháp Marketing nhằm phát triển du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng đến năm 2015 (Trang 58 - 62)

c. Nước ngoài:

3.4. Một số giải pháp hỗ trợ

3.4.1. Cải thiện tổ chức và hoạt động của Trung tâm xúc tiến du lịch địa phương Trọng trách marketing du lịch của địa phương được đặt lên vai Trung tâm Xúc tiến Du lịch Thương mại và Đầu tư Lâm Đồng (gọi tắt là Trung tâm Xúc tiến Du lịch). Những phân tích về các hoạt động quảng bá nêu trên gợi ý những giải pháp sau nhằm tăng cường hiệu quả của những giải pháp marketing đã nêu trên.

• Hiện nay, công việc triển khai các hoạt động tiếp thị du lịch của Tp. Đà Lạt – Lâm Đồng được phân chia giữa Phòng Quản lý Du lịch thuộc Sở Du lịch Lâm Đồng và Trung tâm Xúc tiến Du lịch. Do đó, nhiều nội dung cần triển khai gặp khó khăn trong công tác phối hợp. Các chương trình, đề án phát triển và tiếp thị du lịch không được triển khai một cách đồng bộ và nhất quán. Vì vậy, trong thời gian sắp tới, địa phương cần giao toàn bộ hoạt động tiếp thị du lịch của địa phương cho Trung tâm Xúc tiến Du lịch thực hiện để bảo đảm tính nhất quán xuyên suốt của các chương trình cần triển khai (Tất nhiên, việc này chỉ nên được thực hiện sau khi bộ máy tổ chức của Trung tâm Xúc tiến Du lịch được kiện toàn).

• Tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên trách của Trung tâm Xúc tiến Du lịch cả về số lượng lẫn chất lượng. Cần hình thành các bộ phận chuyên trách dành cho từng hoạt động tiếp thị chứ không để kiêm nhiệm như hiện tại. Đặc biệt cần có những bộ phận chuyên trách sau:

+ Chiến lược – sáng tạo: phụ trách việc vạch ra chiến lược phát triển du lịch của địa phương theo các định hướng đã được phê duyệt một cách sáng tạo. Việc xây dựng hình ảnh và khẩu hiệu dành cho ngành du lịch địa phương theo từng thời điểm khác nhau cũng sẽ do bộ phận này thực hiện.

Bộ phận này cũng soạn thảo cả kế hoạch triển khai các hoạt động marketing nhằm đảm bảo tính nhất quán và toàn diện của chúng.

+ Truyền thông – chiêu thị: chịu trách nhiệm phối hợp triển khai các kế hoạch marketing đã được phê duyệt. Bộ phận này cũng sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong khâu tiếp cận các thị trường mục tiêu và thu hút du khách bằng cách chương trình chiêu thị một cách chủ động và bài bản hơn.

+ Tài trợ – ngân sách: chịu trách nhiệm tìm kiếm nguồn ngân sách, tài trợ cho các hoạt động tiếp thị của mình.

3.4.2. Tăng cường ngân sách tiếp thị

Hoạt động marketing du lịch của địa phương trong thời gian qua còn yếu một phần cũng do ngân sách tiếp thị hạn chế. Chắc chắn nguồn ngân sách nhà nước dành cho hoạt động tiếp thị du lịch địa phương một cách toàn diện là không đủ. Những hoạt động như thuê các tổ chức nước ngoài tư vấn, quảng cáo trên truyền hình ở trong nước và quốc tế, tổ chức các lễ hội du lịch, các chương trình phát triển du lịch… cần nguồn ngân sách rất lớn nếu địa phương muốn thực hiện.

Địa phương cần thực hiện các giải pháp sau nhằm tạo nguồn ngân sách tiếp thị du lịch nhiều và đa dạng:

+ Thiết kế các chương trình tiếp thị, sau đó kêu gọi tài trợ từ các tổ chức kinh tế cả trong nước và quốc tế. Muốn thành công, cần tạo ra được cơ hội quảng bá tốt cho họ. Lễ hội Festival Hoa Đà Lạt 2005 theo kế hoạch sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV3, chính là một trong những cơ hội kêu gọi tài trợ rất tốt. Việc thực hiện các ấn phẩm quảng bá, chiêu thị cũng có thể nhận được sự tài trợ từ các tổ chức kinh tế. Đổi lại, hình ảnh của các doanh nghiệp này cũng sẽ được quảng bá cùng với ngành du lịch địa phương.

+ Tp. Đà Lạt đang nâng cấp trong nỗ lực trở thành một thành phố trực thuộc trung ương. Đây cũng là một cơ hội để tăng cường nguồn ngân sách cho các hoạt động tiếp thị.

+ Tranh thủ sự giúp đỡ, tài trợ từ các tổ chức, địa phương trên thế giới. Với những tiềm năng của mình, Tp. Đà Lạt – Lâm Đồng có thể kết nghĩa với một số địa phương trên thế giới và nhận được sự hỗ trợ của họ về các mặt tài trợ phát triển, đào tạo, khoa học công nghệ…

3.5. Kiến nghị

™ Đối với chính phủ:

- Hỗ trợ địa phương trong việc quảng bá hình ảnh của mình qua các cơ quan ngoại giao, xúc tiến thương mại du lịch ở nước ngoài.

- Phê duyệt chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với những dự án trọng điểm nhằm nhanh chóng thu hút được những đối tác nước ngoài có đủ sức mạnh tài chính tham gia triển khai nhanh chóng.

™ Đối với Tổng cục Du lịch:

- Cần có kế hoạch quảng bá rộng rãi hình ảnh của du lịch Việt Nam đến những thị trường trọng điểm. Quảng bá hình ảnh Đà Lạt như là một trong những điểm đến đáng lưu ý nhất khi du khách quốc tế đến Việt Nam.

- Đóng vai trò nhạc trưởng điều khiển các hoạt động du lịch của cả nước theo một quỹ đạo phù hợp, tránh chồng chéo nhau giữa các địa phương trong cả nước, tạo nên tình trạng cạnh tranh thay vì hợp tác giữa các địa phương, không có lợi cho ngành du lịch cả nước.

™ Đối với chính quyền tỉnh:

- Kiện toàn bộ máy điều hành hoạt động của ngành du lịch. Chú trọng phát triển những cán bộ có tầm nhìn chiến lược nhằm định hướng phát triển phù hợp cho cả địa phương. Nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhân sự, đảm bảo xử lý nhanh chóng các hiện tượng tiêu cực mà du khách và nhân dân phản ánh.

- Chỉ đạo tăng cường hoạt động của Trung tâm Xúc tiến Du lịch của địa phương. Mở rộng phạm vi và lĩnh vực hoạt động của Trung tâm Xúc tiến Du lịch, để Trung tâm có nhiều quyền hạn hơn trong việc phối hợp nỗ lực của các ban ngành nhằm phát triển du lịch thương mại.

- Điều phối hoạt động giữa các ban ngành nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi nhất để ngành du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng và vị trí vốn có của nó trong việc phát triển nền kinh tế nói chung của địa phương Đà Lạt - Lâm Đồng.

LỜI KẾT

Qua những phân tích đánh giá các số liệu và dữ kiện về tình hình hoạt động của ngành du lịch Tp. Đà Lạt – Lâm Đồng, có thể nói rằng ngành du lịch của địa phương đã có những nỗ lực hết sức quan trọng nhằm tạo ra những tiền đề thuận cho quá trình phát triển kinh tế tổng hợp. Tuy nhiên, tình hình cạnh tranh trong thời gian sắp tới đòi hỏi địa phương phải xác định lại định hướng chiến lược tiếp thị của mình nhằm đưa ra những giải pháp phù hợp và hiệu quả.

Trên cơ sở vận dụng những lý luận về marketing du lịch và marketing địa phương, cùng với những đánh giá tổng quát về tình hình du lịch Việt Nam, luận văn đã giải quyết được một số vấn đề:

1. Phân tích các nguồn tài nguyên du lịch và tình hình sử dụng chúng trong các hoạt động du lịch của địa phương.

2. Phân tích cách thức sử dụng các công cụ trong marketing mix của địa phương (áp dụng mô hình 8P).

3. Phân tích một số chỉ tiêu thể hiện hiệu quả của các hoạt động marketing của địa phương trong 5 năm gần đây.

4. Trên cơ sở những phân tích nêu trên, kết hợp với những mục tiêu phát triển du lịch của địa phương, luận văn đã nhận định được hiện trạng tiếp thị của địa phương, đồng thời nêu ra một số giải pháp quan trọng nhất để phát triển ngành du lịch trong 10 năm tới.

Trên cơ sở vận dụng những lý thuyết về marketing du lịch và marketing địa phương, các mục đích tiếp thị mà địa phương cần chú trọng trong thời gian sắp tới là thị trường mục tiêu của hoạt động tiếp thị, chiến lược phát triển sản phẩm, năng lực quản lý số lượng nhu cầu trong các mùa và xây dựng hình tượng đặc trưng cho địa phương. Các giải pháp tiếp thị nêu ra là những giải pháp quan trọng nhất đi theo những muc đích này.

Do điều kiện thời gian và khả năng có hạn, luận văn này chắc chắn sẽ không tránh khỏi những hạn chế và thiếu sót. Rất mong nhận được sự góp ý của quý Thầy Cô.

Một phần của tài liệu Giải pháp Marketing nhằm phát triển du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng đến năm 2015 (Trang 58 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(62 trang)