Thanh tra, kiểm tra thuế: về mặt nhận thức, công tác thanh tra, kiểm tra hiện nay được coi là mặt công tác chủ yếu, quan trọng hàng đầu của kiểm soát nguồn thu thuế GTGT. Tuy vậy, công tác thanh tra trên thực tế vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của cơ chế tự kê khai và nộp thuế của các doanh nghiệp, các hiện tượng trốn lậu thuế, thất thu thuế vẫn là vấn đề nhức nhối của toàn hệ thống thuế nói chung và Cục thuế Hà Nội nói riêng. Do vậy, theo tác giả, ngành Thuế phải rà soát lại toàn bộ các hoạt động, định hướng lại các mục tiêu và xây dựng quy trình thanh tra, kiểm tra thuế một cách độc lập. Và đây phải là công tác trọng tâm của việc kiểm soát nguồn thu thuế GTGT trong giai đoạn tới.
Trên góc độ kiểm soát, thanh tra, kiểm tra thuế là một hoạt động ngoại kiểm do Cơ quan thế với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thuế tiến hành. Vì vậy, để củng cố và hoàn thiện công tác thanh tra, kiểm tra thuế, trước tiên cần xác định rõ mục tiêu của hoạt động thanh tra, kiểm tra thu thuế GTGT.
Mục tiêu chung nhất mà mọi cuộc thanh tra thuế phải đạt tới là:
- Phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm của doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định pháp luật về thuế GTGT.
- Phát hiện và xử lý những vi phạm của doanh nghiệp trong việc chấp hành chế độ tài chính - kế toán do Nhà nước quy định.
- Thu thập thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhằm cung cấp cho bộ phận xây dựng chính sách thuế để có những điều chỉnh kịp thời về chính sách thuế cũng như về biện pháp quản lý thu thuế đối với các doanh nghiệp.
Tiếp theo việc xác định mục tiêu, công tác thanh tra cần xác định trình tự của một cuộc kiểm soát. Ở đây, cần xác định trong kiểm soát thu thuế GTGT, đối tượng cụ thể của kiểm soát là thực trạng tài chính của doanh nghiệp, các phần hành kiểm soát có thể là quan hệ thanh toán,
nghiệp vụ kinh doanh hay nghiệp vụ về TSCĐ... Khách thể của kiểm soát là các doanh nghiệp, chủ thể của kiểm soát là Cơ quan Thuế. Trong kiểm soát thu thuế GTGT, phạm vi của kiểm soát bao gồm kiểm soát về thông tin và kiểm soát tính quy tắc.
Theo đó, kiểm soát nguồn thu thuế GTGT phải hướng vào việc đánh giá tính trung thực và hợp pháp của các tài liệu kế toán và đánh giá tình hình thực hiện các thể lệ, chế độ, Luật pháp về thuế GTGT của doanh nghiệp. Với những yếu tố trên, trình tự của một cuộc thanh tra phải bao gồm 3 bước cơ bản là:
- Bước 1: Chuẩn bị kiểm soát bao gồm tất cả các công việc khác nhau nhằm tạo ra cơ sở pháp lý và nguồn lực con người, phương tiện cho việc kiểm soát.
- Bước 2: Tiến hành kiểm soát.
- Bước 3: Kết thúc kiểm soát và đưa ra kết luận thanh tra, đưa ra các biện pháp xử lý vi phạm.
Với ba bước như trên, việc xây dựng một Quy trình thanh tra, kiểm tra thu thuế GTGT là nhu cầu vô cùng cần thiết. Theo tác giả, Quy trình thanh tra có thể được mô tả trên sơ đồ 4.
* Thu thập thông tin: ở bước chuẩn bị thanh tra, việc thu thập thông tin cần hướng đến việc đưa ra quyết định về thanh tra mà chưa đặt ra mục đích thu thập bằng chứng để đưa ra kết luận thanh tra. Các thông tin được đưa ra nói chung phản ánh chiều rộng của đối tượng thanh tra hơn là chiều sâu. Do vậy, nó phát hiện những dấu hiệu của việc vi phạm Luật thuế mà những tiêu chuẩn để phát hiện chính là các quy định pháp luật về thuế.
Ở giai đoạn này, các dấu hiệu vi phạm sẽ được phát hiện bởi Phòng Xử lý tờ khai thuế (khi doanh nghiệp có dấu hiệu kê khai không đúng thuế), Phòng Thống kê, máy tính (khi doanh nghiệp tính sai thuế suất và
thuế phải nộp hoặc còn nợ đọng thuế), Phòng Thanh tra và điều tra thuế (khi doanh nghiệp có tiền án tiền sự về vi phạm Luật thuế).
* Xác định mục tiêu và phạm vi thanh tra:
Trên cơ sở những dấu hiệu vi phạm của doanh nghiệp, Phòng Thanh tra và Điều tra thuế sẽ xác định mục tiêu của cuộc thanh tra. Mục tiêu đó có thể là kiểm tra sau hoàn thuế, kiểm tra quyết toán thuế, khấu trừ thuế hay kiểm tra việc sử dụng hoá đơn, chứng từ cũng như việc tuân thủ chế độ hạch toán kế toán và luân chuyển chứng từ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, một cuộc thanh tra thuế thường bao gồm tất cả các mục tiêu trên và thường kết hợp thanh tra cùng một lúc với việc chấp hành các Luật Thuế GTGT và Luật thuế TNDN.
Bên cạnh việc xác định mục tiêu thanh tra, cần xác định phạm vi của việc thanh tra. Việc thanh tra có thể tiến hành trên một hay một nhóm các doanh nghiệp có cùng dấu hiệu vi phạm. Phạm vi thanh tra còn phải xác định được thời gian thực hiện các nghiệp vụ cần thanh tra. Trên khía cạnh này, phạm vi thanh tra có thể là tháng, quý hoặc năm tài khoá mà doanh nghiệp thực hiện quyết toán.
Các mục tiêu và phạm vi của cuộc thanh tra thường kết hợp chặt chẽ với nhau, thể hiện ở 2 hình thức: thanh tra định kỳ và thanh tra đột xuất. Thanh tra định kỳ (ví dụ thanh tra quyết toán thuế hàng năm của doanh nghiệp) sẽ hướng tới việc tạo lập nền nếp tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế. Ngược lại, thanh tra đột xuất thường gắn liền với việc xử lý các vụ việc cụ thể hay nghiên cứu tìm hiểu các dấu hiệu vi phạm cụ thể được thể hiện trên một nhóm đối tượng doanh nghiệp.
* Lập kế hoạch thanh tra.
Sau khi đã xác định được các mục tiêu và phạm vi của cuộc thanh tra, Phòng Thanh tra và điều tra thuế sẽ lập ra kế hoạch thanh tra, bao gồm các bước công việc cụ thể. Kế hoạch thanh tra phải quy định cụ thể chức
năng, quyền hạn và trách nhiệm cụ thể của từng cán bộ khi kiểm tra doanh nghiệp. Để một cuộc thanh tra bảo đảm tính pháp lý, Cơ quan Thuế cần ra Quyết định thanh tra. Nội dung của Quyết định thanh tra bao gồm :
+ Căn cứ pháp lý để thanh tra, kiểm tra.
+ Nội dung, yêu cầu, phạm vi của cuộc thanh tra, kiểm tra. + Thời hạn thanh tra, kiểm tra.
+ Thành viên Đoàn thanh tra, kiểm tra và quyền hạn, trách nhiệm của Đoàn thanh tra, kiểm tra.
+ Quyền và nghĩa vụ của đối tượng được thanh tra, kiểm tra.
Lập kế hoạch thanh tra có ý nghĩa rất quan trọng trong một cuộc thanh tra. Ở khâu này, kế hoạch càng được chuẩn bị tốt thì càng đạt được mục tiêu nhanh chóng, giảm bớt thời gian và chi phí, đồng thời nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra.
* Tiến hành kiểm tra.
Đây là giai đoạn trọng tâm của cuộc thanh tra. Cán bộ thanh tra sẽ kiểm tra các tài liệu kế toán, đối chiếu các số liệu với tờ khai thuế GTGT. Công việc được tiến hành cả đầu ra và đầu vào của quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong giai đoạn này, trước tiên là sử dụng phương pháp kiểm soát chứng từ, bao gồm các phương pháp kiểm tra cân đối và đối chiếu. Khi có dấu hiệu nghi vấn, việc kiểm soát phải bao gồm cả những phương pháp kiểm soát ngoài chứng từ, kiểm tra hàng tồn kho của doanh nghiệp. Theo tác giả, không nên quy định những dấu hiệu nghi vấn trong Quy trình thanh tra, kiểm tra mà nên đưa những nội dung đó vào một tài liệu đặc biệt lưu hành nội bộ của công tác thanh tra thuế. Trong đó, cần đúc rút những kinh nghiệm trong việc phát hiện dấu hiệu vi phạm của các doanh nghiệp, từ việc sử dụng những phương pháp kiểm soát đến việc phát hiện hoá đơn, chứng từ kế toán giả mạo v.v...
Trên cơ sở sử dụng các phương pháp kiểm soát, việc kiểm tra sẽ đưa ra được thực trạng tài chính của doanh nghiệp. Đặc biệt cần lưu ý đến những chứng từ được thanh toán bằng tiền mặt, kiểm tra việc khấu trừ chi phí đầu vào của các giao dịch mua hàng hoá, dịch vụ.
* Kết luận thanh tra:
Qua việc kiểm tra, kiểm soát thực trạng tài chính của doanh nghiệp, việc thanh tra phải đưa ra những kết luận của kiểm tra. Những kết luận này phải đáp ứng những mục tiêu đã đặt ra khi chuẩn bị thanh tra và phải trả lời những nghi vấn một cách cụ thể. Kết luận thanh tra bao gồm những nội dung cơ bản như sau:
+ Kết luận về việc chấp hành chế độ kế toán của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có sử dụng hoá đơn đúng mục đích hay không? Có ghi chép đầy đủ các nghiệp vụ mua, bán hàng hoá vào chứng từ kế toán hay không, chi phí có được phản ánh một cách trung thực và tuân thủ theo các quy định của Nhà nước không?
+ Kết luận về việc kê khai trung thực và đầy đủ doanh thu mua, bán hàng hoá và số thuế GTGT phải nộp.
+ Kết luận về tính kịp thời của việc nộp thuế vào NSNN qua Kho bạc của doanh nghiệp.
+ Xác định số thuế GTGT chính xác được khấu trừ tiếp vào kỳ sau, số thuế GTGT phải nộp, số thuế GTGT được hoàn lại của doanh nghiệp sau khi quyết toán thuế.
Những thông tin qua phân tích, tổng hợp trên kết luận của thanh tra sẽ làm cơ sở cho việc xử lý vi phạm và bổ sung tiếp vào các thông tin cần thu thập để tiếp tục phát hiện dấu hiệu vi phạm ở các doanh nghiệp khác.
* Xử lý vi phạm:
Xử lý vi phạm là đặc trưng của hoạt động thanh tra, làm cho việc thanh tra khác với kiểm tra thông thường. Tuy vậy, việc xử lý vi phạm phải
tuân thủ đúng Luật pháp. Do đó, các hình thức xử lý vi phạm Luật Thuế GTGT phải được quy định một cách cụ thể, chi tiết. Đối với việc xử lý vi phạm theo tác giả cần phân định rõ ràng 3 hình thức tuỳ theo mức độ vi phạm của doanh nghiệp.
- Xử lý bằng biện pháp hành chính: biện pháp này áp dụng đối với những vi phạm Luật Thuế GTGT mang tính chất không thường xuyên, không có chủ ý của doanh nghiệp, ví dụ phạt nộp chậm thuế. Đặc biệt, cần đưa thêm các hành vi vi phạm khác vào việc xử lý hành chính, đó là kê khai sót doanh thu, hạch toán không đúng doanh thu mua và bán hàng hoá, dịch vụ (các vi phạm này hiện vẫn chưa có biện pháp xử lý).
- Xử lý bằng biện pháp kinh tế: biểu hiện dưới hình thức phạt tiền. Biện pháp này được áp dụng đối với những vi phạm mang tính chất thường xuyên nhưng chưa đến mức độ nghiêm trọng phải khởi tố. Do vậy, diện phạt rất rộng, bao gồm các vi phạm đã bị xử lý hành chính nhưng vi phạm lại từ lần thứ hai trở đi. Theo tác giả, cần có hình thức phạt tiền luỹ tiến, nghĩa là doanh nghiệp vi phạm nhiều lần thì càng bị phạt tiền nhiều hơn.
- Xử lý bằng biện pháp hình sự: Biện pháp này được áp dụng với việc vi phạm mang tính chất thường xuyên, ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại, thất thu thuế lớn đối với NSNN. Để xử lý bằng biện pháp hình sự, Cơ quan Thuế sẽ thực hiện cưỡng chế nộp thuế, phong toả tài khoản của doanh nghiệp tại Ngân hàng, tịch thu tài sản hoặc khởi tố theo quy định của pháp luật. Đây là những biện pháp mạnh, cứng rắn và có phần áp đặt. Tuy vậy, nó thể hiện một cách rõ nét nhất tính quyền lực của Luật thuế và có tính răn đe mạnh.
Xử lý vi phạm của một cuộc thanh tra phải được lập thành một Quyết định riêng do Cơ quan Thuế soạn thảo, Quyết định này sẽ do Phòng Đốc thu và cưỡng chế thuế thực hiện.