Tác động của đô thị hoá

Một phần của tài liệu ảnh hưởng của xu hướng đô thị hoa đối với kinh tê hô nông dân trên địa bàn thành phố thái nguyên (Trang 27 - 30)

5. Bố cục của luận văn:

1.1.3.5Tác động của đô thị hoá

ĐTH là một quá trình đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra một cách phổ biến trên thế giới. ĐTH từng bước đưa con người tiếp cận cuộc sống văn minh, đồng thời cũng đặt ra không ít vấn đề tiêu cực, khó khăn - những vấn đề ảnh hưởng xấu đối với quá trình ĐTH một cách bền vững.

* Mặt tích cực:

Một là, ĐTH thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sản xuất hàng hóa và dịch vụ thường đạt hiệu quả cao tại những đô thị lớn - nơi có quy mô mật độ dân số tương đối lớn với nguồn lao động dồi dào, có quy mô hoạt động kinh tế đủ lớn do các doanh nghiệp tập trung đông, có hệ thống phân phối rộng khắp trên một không gian đô thị nhất định. Đồng thời khi kinh tế của các đô thị lớn đạt tới độ tăng trưởng cao thì nó sẽ gây ra hiệu ứng lan toả kích thích mạnh tới tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Hai là, ĐTH đẩy nhanh sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH. Trong quá trình ĐTH, cơ cấu ngành kinh tế thay đổi theo hướng giảm tỷ trọng của khu vực nông nghiệp và gia tăng nhanh tỷ trọng của khu vực công nghiệp và dịch vụ. Đối với sản xuất nông nghiệp nói riêng, ĐTH góp phần làm thay đổi về cơ cấu diện tích gieo trồng và cơ cấu giá trị sản xuất. Các loại cây có giá trị kinh tế thấp, sử dụng nhiều lao động đang có xu hướng

giảm dần diện tích. Các loại cây cần ít lao động hơn và cho giá trị kinh tế cao hơn đang được tăng dần diện tích canh tác. Trong tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp thì xu hướng chung là giảm dần tỷ trọng của ngành trồng trọt và tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi.

Ba là, cải tạo kết cấu hạ tầng. Xu hướng ĐTH tạo ra sự tập trung sản xuất công nghiệp và thương mại, đòi hỏi phải tập trung dân cư, khoa học, văn hóa và thông tin. Những điều kiện đáp ứng nhu cầu đó là sự phát triển kết cấu hạ tầng, nhà ở, các dịch vụ phục vụ cho sản xuất và đời sống dân cư. Do đó mà hệ thống giao thông vận tải, năng lượng, bưu chính viễn thông và cấp thoát nước cũng sẽ được cải tiến về quy mô và chất lượng.

Ở nông thôn, việc cải tạo kết cấu hạ tầng đang được thực hiện với chủ trương “điện, đường, trường, trạm” tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và nâng cao đời sống của người nông dân.

Bốn là, ĐTH nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật và công nghệ. Các đô thị ngày càng áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật và kỹ năng quản lý tổ chức sản xuất hiện đại, làm tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trong sản xuất nông nghiệp, quá trình ĐTH cung cấp những cơ sở kỹ thuật cần thiết cho người nông dân như thủy lợi hóa, điện khí hóa, cơ giới hóa, sinh học hóa để làm tăng năng suất lao động, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn lương thực, đáp ứng nhu cầu của công nghiệp chế biến và thị trường trong ngoài nước.

Năm là, ĐTH góp phần cải thiện đời sống của dân cư đô thị và các vùng lân cận. Nhờ duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao mà các đô thị có thể tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới cho người dân, góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho họ. Khi mức thu nhập bình quân người/ tháng tăng lên thì nhu cầu chi tiêu đời sống của dân cư cũng tăng nhằm thỏa mãn tốt

hơn nhu cầu tiêu dùng cá nhân. Điều đó cho thấy ĐTH làm mức sống của dân cư được cải thiện đáng kể, góp phần vào việc thực hiện xóa đói giảm nghèo.

Sáu là, ĐTH cũng đem lại một số tiến bộ về mặt xã hội đó là: nâng tuổi thọ trung bình, giảm tỷ lệ tử vong của trẻ em, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, tăng tỷ lệ dân cư dùng nước sạch, phát triển giáo dục, văn hóa,...

* Mặt tiêu cực:

Bên cạnh những mặt mạnh của ĐTH như trên thì ĐTH cũng kéo theo hàng loạt vấn đề tiêu cực khác, đó là:

Thứ nhất, thu hẹp diện tích đất nông nghiệp. Quá trình ĐTH nhanh đã làm cho nhu cầu về sử dụng đất chuyên dùng xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng và đất đô thị tăng lên rất nhanh. Điều này dẫn đến tình trạng nuốt chửng những diện tích đất nông nghiệp vốn rất cần thiết cho một đô thị như: sản xuất lương thực thực phẩm, tạo mảng không gian xanh có vai trò “giải độc” cho môi trường sống, tạo khu nghỉ ngơi cho thị dân... Đồng thời sự suy giảm diện tích đất nông nghiệp đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc cải thiện mức sống của nhiều người dân ở khu vực ngoại ô vì họ trở nên thiếu phương tiện lao động và kế sinh nhai truyền thống.

Thứ hai, khoét sâu hố phân cách giàu nghèo. Quá trình ĐTH nhanh đã làm cho hố phân cách giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư trong đô thị, giữa nông thôn và thành thị trở nên trầm trọng hơn.

Thứ ba, gia tăng tình trạng di dân. Chính sự chênh lệch về mức sống, điều kiện sống, khả năng tìm kiếm việc làm và cơ hội tăng thu nhập đã và đang được coi là những nguyên nhân kinh tế quan trọng nhất thúc đẩy một bộ phận lớn người dân rời khỏi khu vực nông thôn để di dân tới thành thị. Lực lượng lao động ở nông thôn chỉ còn lại những người già yếu và trẻ nhỏ, không đáp ứng được những công việc nhà nông vất vả. Cơ cấu lao động ở nông thôn

hoàn toàn bị thay đổi theo hướng suy kiệt nguồn lực lao động. Đồng thời thị trường lao động ở thành thị lại bị ứ đọng.

Thứ tư, môi trường bị ô nhiễm. Chất lượng môi trường đô thị bị suy thoái khá nặng nề do mật độ dân số tập trung cao, sản xuất công nghiệp phát triển mạnh làm phát sinh một lượng chất thải, trong đó chất thải gây hại ngày càng gia tăng; bùng nổ giao thông cơ giới gây ô nhiễm môi trường và tiếng ồn.

Thứ năm, phát sinh các tệ nạn xã hội. Đây chính là mặt trái của đời sống đô thị hay của cả quá trình ĐTH. Trong khi nhiều khía cạnh tốt đẹp của văn hóa truyền thống bị mai một, thì lối sống lai căng, không lành mạnh lại đang ngự trị trong lối sống đô thị hiện nay. Những tệ nạn xã hội phổ biến nhất hiện nay đều được phát sinh và phát triển tại các trung tâm đô thị lớn.

Tóm lại, trong công cuộc CNH, HĐH đất nước thì quá trình ĐTH ngày càng gia tăng... Vậy chúng ta phải làm thế nào để quá trình ĐTH phát triển lành mạnh và bền vững. Tăng trưởng kinh tế do quá trình này đem lại phải được chú trọng đồng thời việc phát triển văn hóa, lấy việc biến động nguồn nhân lực con người làm trọng tâm.

Một phần của tài liệu ảnh hưởng của xu hướng đô thị hoa đối với kinh tê hô nông dân trên địa bàn thành phố thái nguyên (Trang 27 - 30)