Mục Tiêu Phương Hướng 20 Năm

Một phần của tài liệu Vận tải đa phương thức trong giao nhận vận tải quốc tế - Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam.DOC (Trang 28 - 29)

Có thể thấy rằng việc áp dụng vận tải đa phương thức ở nước ta còn mang tính nhỏ lẻ, chưa phát triển thành một ngành kinh doanh hoàn chỉnh. Nước ta chưa có luật lệ, thể chế để thống nhất các thủ tục, giấy phép kinh doanh và hải quan đối với hàng hoá vận chuyển bằng hình thức Vận tải đa phương thức. Thêm vào đó, việc thiếu một kết cấu hạ tầng đồng bộ cũng là một nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tới sự phát triển của Vận tải đa phương thức ở Việt Nam.

Nhận thức rõ được lợi ích to lớn của Vận tải đa phương thức, cũng như những điểm hạn chế của mình, Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực để phát triển Vận tải đa phương thức trong thời gian tới cụ thể là Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng được quy hoạch tổng thể ngành vận tải định hướng 2010 tầm nhìn 2020. Nếu thực hiện tốt theo định hướng này, chúng ta sẽ có một cơ sở hạ tầng hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày một tăng của Vận tải trong nước nói chung và Vận tải đa phương thức nói riêng.

Về chiến lược ngành, nhìn chung Bộ Giao thông Vận tải sẽ giữ nguyên hệ thống 11 quan điểm phát triển như trước đây, nhưng có bổ sung một số nội dung như tiềm năng biển, kết hợp sự đột phá đi thẳng vào hiện đại trong đầu tư hạ tầng giao thông, phát triển vận tải theo hướng chất lượng cao, đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

Về chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, ngành giao thông vận tải dự kiến phân chia theo khu vực, trong đó "cốt" là trục dọc Bắc Nam với quốc lộ 1A được mở rộng, nâng cấp toàn tuyến đường Hồ Chí Minh kết hợp với đường bộ cao tốc Bắc Nam, đường sắt Thống Nhất và tuyến vận tải biển hành khách cao tốc.

Trên cơ sở đó, khu vực phía Bắc tạo tuyến đường sắt, đường bộ theo hướng: Hai hành lang và Một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, đường sắt cao tốc Hà Nội - Vinh, mở rộng các tuyến thủy, các cảng. Khu vực miền Trung - Tây Nguyên tập trung vào Hành lang Đông Tây, cảng trung chuyển Quốc tế Vân Phong.

Phía Nam là các tuyến đường bộ cao tốc từ Tp.HCM đi các vùng, đường sắt cao tốc Tp.HCM - Nha Trang, nâng cấp các tuyến đường thủy khu vực ĐBSCL và xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành để trở thành cảng trung chuyển có sức cạnh tranh trong khu vực.

Bên cạnh đó, các chiến lược phát triển giao thông vận tải đô thị, nông thôn, đảm bảo an toàn giao thông, phát triển bền vững và môi trường cũng được điều chỉnh, xây dựng, ban hành cho phù hợp với mục tiêu và tình hình mới.

Định hướng phát triển phương tiện vận tải cũng nêu rõ: Về đường bộ, phát triển phương tiện phải phù hợp với kết cấu cầu đường, từng bước hạn chế tăng lượng xe máy và kiểm soát tăng lượng ôtô con cá nhân ở các thành phố lớn, mục tiêu đến 2020 cả nước có khoảng 2,8-3 triệu xe ôtô, trong đó xe con 1,5 triệu chiếc.

Đường sắt hướng vào chuyên dụng cao, hiện đại hóa sức kéo và sức chở, tăng tốc độ chay tàu, mục tiêu đến 2020 có 1.200 đầu máy, 5-53.000 toa xe, trong đó toa xe khách chỉ chiếm 10%.

Đường biển cũng chú trọng phát triển các loại tàu chuyên dùng như tàu container, tàu hàng rời cỡ lớn, tàu dầu, tàu khí hóa lỏng, đồng thời trẻ hóa đội tàu biển đạt độ tuổi bình quân 12 năm vào năm 2020.

Hàng không phát triển đồng đều các loại máy bay vận tải khách tầm ngắn, tầm trung, tầm xa để đến 2020 đội tàu bay quốc gia có khoảng 140-150 chiếc các loại.

Một phần của tài liệu Vận tải đa phương thức trong giao nhận vận tải quốc tế - Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam.DOC (Trang 28 - 29)