Khác với việc tổ chức đám cưới là hình thức công khai hóa, hợp thức hóa rộng rãi sự chung sống chính thức của đôi nam nữ trước họ hàng, những người xung quanh, đăng ký kế thôn là việc đôi nam nữ xác lập quan hệ hôn nhân theo quy định của pháp luật, là sự chính thức hóa quan hệ vợ chồng trước pháp luật.
Cùng với việc tổ chức cưới hỏi thì đăng ký kết hôn dần trở thành một trong các thủ tục không thể thiếu. Điều đó chứng tỏ sự gắn kết giữa ý thức cộng đồng, ý thức về sự tôn trọng luật pháp của người dân ngày càng được nâng lên đáng kể. Những năm gần đây, nhất là từ sau đổi mới, các mối quan hệ được mở rộng, cuộc sống người dân ngày càng có nhiều tình huống cần đến sự trợ giúp pháp lý, người dân ngày càng nhận thức đầy đủ hơn việc thừa nhận của pháp luật với vấn đề kết hôn hợp pháp.
Thực tế cho thấy, có nhiều cặp không đăng ký kết hôn khi cưới, sau nhiều năm chung sống với nhau, mâu thuẫn xảy ra thì chính quyền không có nhiệm vụ hòa giải, pháp luật cũng không thể giải quyết, hầu hết do họ hàng hai bên tác động. Người Tày cho rằng, trong trường hợp đó, người phụ nữ bao giờ cũng
chịu thiệt thòi. Do đó, họ nhận thức được việc đăng ký kết hôn giúp họ đảm bảo đủ quyền lợi, trách nhiệm trong cuộc sống vợ chồng. Sự kết hợp giữa nghi thức phong tục với nghi thức pháp luật trong tổ chức cưới hỏi là một trong những sự biến đổi tích cực, tiến bộ trong hôn nhân và cưới xin của người Tày ở Yên Bái hiện nay.