Văn hóa ẩm thực

Một phần của tài liệu Đền, chùa trong không gian văn hóa làng Phấn Vũ ( Xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) (Trang 29 - 31)

Phấn Vũ là làng quê có nhiều món ăn ngon, từ những món ăn dân dã trong ngày thường đến những món ăn cầu kì trong ngày Tết. Món ăn của làng Phấn Vũ không quá cay, quá ngọt, quá chua hay quá thiên về lựa chọn nguyên

6

27

liệu, gia vị, công đoạn chế biến... mà sức hấp dẫn chủ yếu đến từ hương vị tươi ngon thuần khiết của sản vật tự nhiên.

1.5.1.1. Món ăn thường ngày

Lương thực chính là gạo, bao gồm cả gạo tẻ và gạo nếp. Thức ăn hàng ngày chủ yếu được chế biến từ các loại cá biển, tôm, canh don, canh ngao, riêu cua… Canh don, canh ngao như đặc tính của người Phấn Vũ, không cầu kỳ, không đắt đỏ, cái ngon tự nhiên đến từ vị ngọt thanh lạ trên mảnh đất quê hương đã tạo nên một đặc sản, một niềm tự hào của ẩm thực Phấn Vũ. Vì gần biển nên các món ăn ở đây được nấu khá mặn, hương vị rất đậm đà. Đặc biệt, nước mắm là gia vị không thể thiếu vì theo thói quen ăn uống của người vùng biển, một khúc cá rán, một miếng thịt hay một đĩa rau luộc mà lại vắng nước mắm thì thật kém ngon. Chính vì vậy, có một số gia đình đã tự mình làm nước mắm đựng trong chum vại làm gia vị hay nước chấm để phục vụ bữa ăn hàng ngày.

Ngày thường mà có khách quý đến chơi hay khách từ phương xa về, người dân sẽ chế biến thêm những món ăn ngon, đặc sản của vùng quê như: Gỏi nhệch, bún cá, sứa biển chấm mắm tôm, cua biển hấp. Những món ăn này được chế biến khá lâu, cần nhiều gia vị và khi được thưởng thức những món ăn này, thực khách sẽ không dễ gì quên được bởi ẩn chứa trong đó là cả sức sáng tạo tài tình trong ẩm thực của con người làng Phấn Vũ. Dù có khách đến hay chỉ những người trong gia đình với nhau thì mọi người đều ngồi quây quần trên chiếu, ăn uống rất vui vẻ, thoải mái, cùng nhau trao đổi về cách chế biến các món ăn.

1.5.1.2. Món ăn ngày lễ, Tết

Người dân Phấn Vũ rất coi trọng việc ăn uống trong dịp Lễ, Tết, nhất là tết Thanh minh, rằm Tháng bảy và tết Nguyên đán. Đây là các kỳ nghỉ lao động, sản xuất. Do vậy, bà con thường chuẩn bị thực phẩm hết sức công phu,

28

cách chế biến món ăn cũng đa dạng và cầu kỳ. Một số món ăn trong dịp này như món nộm sứa biển, sam biển. Đây còn là những món ăn không thể thiếu trong dịp cưới hỏi. Sam biển chế biến ra rất nhiều món ăn ngon và lạ khác nhau như: Tiết canh sam, gỏi sam, chân sam xào chua ngọt, sam xào xả ớt, trứng sam chiên giòn, trứng sam xào lá lốt… Tuy nhiên, không phải dễ dàng bắt được sam như bắt cá, vì chúng có mùa, ngư dân phải tính con nước và định ngày ra khơi, từ tháng 3 đến tháng 9 sẽ có nhiều sam nhất.

Trong các món ăn mừng năm mới, bên cạnh bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, họ còn chế biến thêm nhiều đồ ăn ngon mà ngày thường không có thời gian để làm như: chả cá, chả mực, nem día. Ngày Tết ăn nhiều đồ mỡ, nhiều thịt nên người dân rất thích ăn những thức ăn có vị ngọt thanh, thơm mát như các loại lẩu cá, riêu cá. Trong đó, cá khoai là lựa chọn hàng đầu. Cá khoai có thể chế biến thành nhiều món ăn đơn giản mà lại bổ dưỡng và hấp dẫn như cháo cá khoai, lẩu cá khoai, và nhất là canh cá khoai. Ăn bát canh cá khoai ngày Tết sẽ thấy vị chua thanh mát của cà chua lẫn với vị ngọt bùi nhuốm mùi mặn mòi của biển cả trong từng miếng cá khoai, thêm chút vị cay rân rân, tê tê đầu lưỡi của ớt. Tất cả hoà quyện vào nhau thành món ăn dân dã mà say lòng người.

Một phần của tài liệu Đền, chùa trong không gian văn hóa làng Phấn Vũ ( Xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) (Trang 29 - 31)