Ưu nhược điểm của mô hình công ty và mô hình tín thác

Một phần của tài liệu Hoạt động của các quỹ đầu tư chứng khoán tại việt nam.doc (Trang 26 - 27)

Qua hai mô hình trên, chúng ta có thể thấy rằng chúng là sản phẩm của nhu cầu đầu tư khác nhau. Để thích ứng với mỗi thị phần thị trường chúng đuợc sinh ra và tồn tại song song, nhược điểm của mô hình này sẽ được giải quyết ở mô hình kia và ngược lại. Mô hình tín thác được tạo nên cho những người có nhu cầu đầu tư nhưng trình độ kiến thức của họ không cho phép mạo hiểm đầu tư trực tiếp, những người có một khoản tiền nhàn rỗi dài hạn mong muốn tìm kiếm những khoản lợi nhuận cao hơn mức lãi suất ngân hàng. Mô hình công ty ứng với những tổ chức cá nhân nắm giữ trong tay một lượng tài sản lớn cùng với kiến thức về chiến lược đầu tư. Dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu về ưu và nhược điểm của hai mô hình này.

5.3.1. Mô hình công ty

Mô hình công ty là mô hình có cơ cấu tổ chức hoàn thiện, được ưa chuộng nhất trong công tác quản lý hiện nay. Trong mô hình này có sự góp mặt của tất cả các thành phần đại diện cho từng quyền lợi tham gia công tác quản lý nên họ có thể đánh giá, cân nhắc giữa giá trị đầu tư với mức độ rủi ro, đưa ra các quyết định mang tính năng động cao nên quỹ thường đem lại lợi nhuận khả quan hơn mô hình tín thác. Quỹ trong mô hình này là một pháp nhân nên việc tiến hành huy động vốn từ các thành phần kinh tế thuận lợi hơn nhiều so với mô hình tín thác nên quỹ sẽ có thể có thêm lợi thế nhờ quy mô và dễ dàng đa dạng hoá danh mục đầu tư của mình. Tuy nhiên, do cơ cấu tổ chức cồng kềnh nên sẽ khó có thể đưa ra các quyết định đầu tư một cách nhanh chóng và mặt khác sẽ tạo nên gánh nặng về chi phí quản lý.

5.3.2. Mô hình tín thác

Trái lại với mô hình công ty, mô hình tín thác có cơ cấu tổ chức đơn giản, gọn nhẹ nên dễ bắt kịp với các cơ hội kinh doanh do việc bàn bạc để đi đến quyết định đầu tư thường nhanh chóng, đồng thời cơ cấu như vậy làm giảm đáng kể chi phí quản lý. Trong mô hình này, vì các nhà đầu tư không thể can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của các công ty quản lý quỹ nên công ty sẽ chủ động hơn, có thể đầu tư vào các dự án dài hạn có tiềm năng cao. Nhược điểm của mô hình này là tính thanh khoản của các chứng chỉ quỹ không cao do việc thiết lập quỹ dựa trên hợp đồng giữa nhà đầu tư với công ty quản lý quỹ. Thêm vào đó, quỹ thường có xu hướng đặt mục tiêu an toàn lên cao để đảm bảo uy tín làm cho lợi nhuận thường không cao, giảm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Một phần của tài liệu Hoạt động của các quỹ đầu tư chứng khoán tại việt nam.doc (Trang 26 - 27)