III. NHỮNG NGUYÊN NHÂN CHÍNH TẠO NÊN HẠN CHẾ.
3.4. Thiếu bảo đảm về nguồn nhân lực.
Hiện nay, lao động nông thôn có khoảng hơn 30 triệu người, trong đó có tới hơn 80% không có chuyên môn kỹ thuật và hơn 20% không có hoặc thiếu việc làm. Tình trạng “thừa lao động, thiếu chất xám, trí thức không muốn về nông thôn làm việc” đang là một áp lực lớn đối với kinh tế nông thôn. Chất lượng thấp của nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn thể hiện qua tỷ lệ không biết chữ là 4,79%, tốt nghiệp trung học phổ thông cơ sở là 34,59% và tốt nghiệp trung học phổ thông là 11,18%. Nếu đánh giá trình độ văn hoá bình quân theo giới tính có thể thấy số năm đi học văn hoá trung bình của khu vực nông thôn thấp hơn thành thị, của phụ nữ thấp hơn nam giới. Theo các nhà nghiên cứu, năng suất lao động
sẽ tăng nếu người nông dân có trình độ học vấn ở mức độ nào đó, và nếu tốt nghiệp phổ thông, mức tăng này là 11%. Ngoài ra trình độ học vấn còn cho người lao động khả năng lĩnh hội những kiến thức, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh. Với chất lượng của NNL nông thôn Việt Nam như vậy sẽ hạn chế họ trong sản xuất và kinh doanh, đặc biệt là tự tạo việc làm.
Những năm qua trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động nông thôn thay đổi không đáng kể, tình trạng thu nhập thấp và thiếu việc làm ở nông thôn, trong lúc đó thu nhập cao hơn ở các đô thị đã tăng sự dịch chuyển lao động, nhất là những lao động kỹ thuật từ nông thôn tới các thành thị, và làm cho tỷ lệ lao động đã qua đào tạo giảm từ 6,91% xuống còn 5,94%. Trong số 8 vùng nông thôn, những vùng có trình độ học vấn thấp cũng chính là những vùng có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chuyên môn thấp, vùng Tây Bắc chỉ có 2,3%, Tây Nguyên là 3,41%.
Cơ cấu của lao động ở nông thôn Việt Nam thể hiện tính thuần nông. Trong tổng số 13,2 triệu hộ dân ở khu vực nông thôn năm 2001 thì có tới 81% làm việc trong lĩnh vực nông-lâm- thuỷ sản, chỉ có 16,1% làm việc ở khu vực phi nông nghiệp. So với năm 1994, sau 7 năm cơ cấu ngành nghề của các hộ và lao động nông thôn chuyển dịch rất chậm, số hộ trong khu vực nông lâm thuỷ sản giảm 0,65%, bình quân 0,092% /năm. Cơ cấu lao động nông thôn chênh lệch giữa các vùng. Trong 8 vùng của cả nước ngoại trừ vùng Đông Nam Bộ có cơ cấu ngành nghề của các hộ nông thôn khá tiến bộ: 64,2 % nông nghiệp và 35,8% còn lại là phi nông nghiệp. Các vùng Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc cơ cấu ngành nghề của các hộ mang tính thuần nông nặng và chuyển dịch rất chậm. Tỷ lệ giữa nông nghiệp và phi nông nghiệp của Tây Nguyên là 91,1% và 7,1%, vùng Đông Bắc là 88,4% và 8,6%, Tây Bắc là 93% và 5,97%. Ngay cả hai vùng trọng điểm nông
nghiệp hàng hoá là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long tuy có lợi thế gần các trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn, nhưng xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động cũng rất chậm và không đều. Vì vậy, lao động dư thừa lại tập trung trong ngành nông nghiệp và khả năng tạo thêm việc làm từ đây là rất khó, vì thế chuyển dịch cơ cấu sẽ là yêu cầu cấp bách trong thời gian tới.
NSLĐ trong nông nghiệp là chỉ tiêu chất lượng phản ánh trình độ sử
dụng lao động trong lĩnh vực này, gia tăng NSLĐ là điều kiện cho phép thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động nông nghiệp, nông thôn.
NSLĐ nông nghiệp thấp còn vì lao động ở đây chủ yếu vẫn là lao động thủ công. Khâu làm đất là khâu nặng nhọc nhất thì quá trình cơ giới hoá (CGH) diễn ra chậm, nếu năm 1990 tỷ lệ cơ giới hoá là 21%, năm 1995 là 26% và năm 2002 là khoảng 30%. Một số khâu khác như vận chuyển, ra hạt, bơm tát nước tỷ lệ CGH có sự cải thiện, như khâu ra hạt hiện đã được CGH 80%. Tuy nhiên, việc CGH trong nông nghiệp gặp những khó khăn nhất định, thứ nhất, quy mô ruộng đất vốn nhỏ lẻ, với bình quân ruộng đất ở đồng bằng sông Hồng chỉ có 544m2, và miền Trung là 611m2, lại manh mún tạo việc sử dụng máy móc cơ khí khó khăn và chi phí cao. Thứ hai, do chăn nuôi gia súc như trâu bò nhiều lên làm cho nhu cầu sức kéo giảm. Thứ ba, yêu cầu hiện đại hoá mâu thuẫn với tình trạng lao động dư thừa, nếu 1 ha đất làm thủ công cần 300 ngày công lao động sống, khi là máy chỉ còn sử dụng 50 ngày công.
Các cuộc điều tra lao động đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đều cho thấy đa số các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt nam phải đào tạo lại hoặc đào tạo thêm cho các lao động để họ biết sử dụng các thiết bị, vận hành dây chuyền sản xuất..” Năm 2004 trình độ lao động trong các khu công nghiệp bao gồm: 4,5% số lao động có trình độ đại học; 4,5% có
trình độ kỹ thuật viên, 31% có trình độ đã qua đào tạo, 60% có trình độ lao động giản đơn”. Như vậy lao động giản đơn vẫn còn rất phổ biến trong các
doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tổ chức Nghiên cứu rủi ro Môi trường Kinh doanh (BERI) đánh giá chất lượng lao động Việt nam chỉ đạt 32/100 điểm và xếp vào nhóm yếu kém, tay nghề nằm dưới mức về kỹ thuật. Hơn nữa, những nền kinh tế được đánh giá có chất lượng dưới 35 điểm có nguy cơ đánh mất khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Như vậy, lao động rẻ nước ta sẽ không còn là yếu tố cạnh tranh trong nền kinh tế mới.
Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều trường dạy nghề của Việt Nam chưa đảm bảo chất lượng, học sinh, sinh viên thiếu điều kiện tiếp xúc với thực hành công nghệ mới và công nghệ cao. Hơn nữa số trường đào tạo nghề cũng không nhiều, chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu về cung ứng lao động cả về chất lượng cũng như số lượng.