3.1. Cơ hội và thách thức
3.1.1. Cơ hội
3.1.1.1. Cơ hội về mở rộng quy mô hoạt động xuất khẩu lao động tại chỗ
Ngày 11/01/2007 Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới WTO. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta bắt đầu bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới trong mọi lĩnh vực. Việc gia nhập WTO sẽ làm gia tăng luồng vốn FDI vào nước ta, đồng thời thúc đẩy hoạt động thương mại hàng hóa cũng như dịch vụ của nước ta với thế giới. Kèm theo đó là những cơ hội việc làm lớn cho người lao động, người lao động có thể có nhiều lựa chọn hơn cả về lĩnh vực làm việc cũng như chủ sử dụng lao động.
Tỉnh Hải Dương được đánh giá là một trong ba vùng thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất bên cạnh TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Năm 2011, đã có 20 dự án đăng ký mới và 11 lượt dự án tăng vốn khiến tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm lên tới 2.555,8 triệu USD, xếp thứ 2 trên toàn quốc (Cục Đầu tư nước ngoài, 2011 D). Đây đều là những dự án có quy mô tầm cỡ tập trung ở những khu công nghiệp lớn trong tỉnh như Đại An, Nam Sách, Tân Trường và Phúc Điền, hứa hẹn tạo thêm nhiều công việc cho lao động trong tỉnh
KCN Đại An được coi là một trong những mô hình phát triển bền vững thành công trong cả nước. Ngoài lợi thế về ví trí và giao thông, khu công nghiệp còn sử hữu lợi thế về thương mại do gần chợ và khu dân cư của thành phố Hải Dương. Những ưu thế đó kết hợp với các chính sách ưu đãi của Nhà nước, của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương và của chính chủ đầu tư KCN Đại An sẽ tạo sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư. Đây là tiền đề quan trọng cho việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động tại chỗ, giải quyết công ăn việc làm cho lao động trong tỉnh.
Khu công nghiệp Đại An ban đầu chỉ rộng 174,22 ha, sau gần 10 năm triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng, đến nay 95% diện tích đất khu 1 đã được các nhà đầu tư thứ cấp thuê để phát triển sản xuất công nghiệp, tổng số dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào khu 1 của KCN là 36 dự án (Ban quản lý các khu công
nghiệp tỉnh Hải Dương, 2012 A). Kết quả ấy đã chứng minh năng lực đầu tư, khai thác, kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp do Công ty cổ phần khu công nghiệp Đại An cam kết và đã thực hiện và sức hút của Đại An đối với các nhà đầu tư. Đó là cơ sở để tỉnh Hải Dương tin tưởng, cho phép công ty được triển khai tiếp khu 2 của dự án xây dựng KCN Đại An. Đến năm 2008, KCN Đại An đã được phép mở rộng thêm khu 2 với diện tích 433 ha. Đặc biệt, tại giai đoạn xây dựng khu 2 sẽ có 71 ha đất được dành xây dựng khu dân cư với các khối nhà dành cho công nhân đang làm việc trong KCN này (Ban quản lý khu công nghiệp Đại An, 2008 A). Khi hoàn thành, tại đây KCN Đại An sẽ hình thành một khu liên hợp công nghiệp - tiểu khu nhà ở đồng bộ và hiện đại. Mô hình phát triển KCN gắn liền với khu dân cư và các dịch vụ phục vụ cho công nhân và chuyên gia làm việc trong KCN được xem như biện pháp nhằm tăng sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư đến với KCN Đại An cũng như thu hút thêm nhiều lao động tham gia vào hoạt động xuất khẩu lao động tại chỗ.
3.1.1.2. Cơ hội về cải thiện trình độ lao động đầu vào
Bên cạnh lợi thế lực lượng lao động trẻ, dồi dào và giá rẻ, từ lâu ban quản lý KCN Đại An đã đề cao công tác nâng cao trình độ lao động đầu vào cho các doanh nghiệp. Chỉ bằng cách phát triển nguồn nhân lực, Đại An mới có thể giữ được lợi thế so với rất nhiều khu công nghiệp hiện đại mới mọc lên hiện nay.
Do vậy, trường Cao đẳng nghề Đại An đã được thành lập vào năm 2009 theo quyết định số 1390/ QĐ-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương Binh Xã hội, có trụ sở nằm ngay trong KCN Đại An với chức năng đào tạo nghề 3 cấp: cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề. Bằng việc đẩy mạnh hợp tác với các công ty và tổ chức giáo dục nước ngoài, trường hướng tới mục tiêu là cấp bằng, chứng chỉ nghề được quốc tế công nhận. Đào tạo nghề sẽ được triển khai theo nhu cầu, theo đơn đặt hàng và theo định mức chỉ tiêu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, tay nghề trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Các ngành đào tạo đăng kí là:
- Công nghệ thông tin gồm
- Công nghệ kỹ thuật, cơ khí chế tạo gồm
- Kỹ thuật điện
- Kỹ thuật nhiệt, lạnh
- Cơ điện, cơ điện tử
Trường có 7 khoa với 4 trung tâm, trong đó có Trung tâm tư vấn và xúc tiến việc làm, Trung tâm thí nghiệm và xưởng thực hành sản xuất để đảm bảo cho các sinh viên sau khi tốt nghiệp sớm làm quen được với môi trường làm việc.
Theo dự kiến, tổng quy mô đào tạo cao đẳng nghề của trường từ 2009 đến 2013 là 11.700 học viên, trung cấp nghề là 4.100 học viên và sơ cấp nghề là 5.900 học viên với thời gian đào tạo một khóa lần lượt là 36 tháng, từ 20-24 tháng và dưới 12 tháng (Ban quản lý khu công nghiệp Đại An, 2008 B). Với nguồn cung cấp lao động có trình độ tay nghề cao ổn định hàng năm, đây là một cơ hội lớn cho KCN Đại An cũng như tỉnh Hải Dương phát triển hơn nữa hoạt động xuất khẩu lao động tại chỗ sang hình thức xuất khẩu lao động lành nghề và có thể xuất khẩu chuyên gia. 3.1.2. Thách thức
Đi liền với cơ hội tạo thêm nhiều chỗ làm mới nhờ gia tăng xúc tiến đầu tư, việc mở rộng hoạt động XKLĐ tại chỗ cũng đặt ra nhiều thách thức đối với tỉnh và Ban quản lý KCN Đại An.
Thứ nhất, việc lao động đổ về Đại An làm việc tăng đột biến trong năm 2011 và có dấu hiệu tăng mạnh trong năm sau khi một số dự án đầu tư đi vào hoạt động đã đặt ra thách thức về giải quyết vấn đề chỗ ở. Hiện nay, mặc dù công tác quy hoạch phát triển khu nhà ở cho công nhân đã được tỉnh, khu công nghiệp và các doanh nghiệp chú trọng nhưng vẫn còn gặp rất nhiều bất cập, trong đó nổi lên là vấn đề giá thuê quá cao so với thu nhập của người lao động nên chưa thu hút được công nhân vào ở.
Thứ hai, hiện tượng lao động vị thành niên tham gia vào dây chuyền sản xuất
trong các doanh nghiệp FDI khiến cho việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Theo điều
119 khoản 1 Bộ Luật Lao Động quy định rõ: “Người lao động chưa thành niên là người lao động dưới 18 tuổi. Nơi có sử dụng người lao động chưa thành niên phải lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khoẻ định kỳ và xuất trình khi thanh tra viên lao động yêu cầu”. Tuy nhiên công tác lập sổ theo dõi chưa được quan tâm chú trọng tại các doanh nghiệp trong và ngoài các khu công nghiệp; công tác thanh tra kiểm tra tình
hình sử dụng lao động tại các doanh nghiệp trong tỉnh cũng không được đầu tư thích đáng. Công nhân trong khu công nghiệp do thiếu hiểu biết về quyền lợi người lao động nên khi bị vi phạm quyền lợi họ cũng không biết tố giác hoặc sợ tố giác do sợ mất việc. Do vậy, nhiều trường hợp vi phạm chỉ đến khi cơ quan truyền thông phản ánh thì lãnh đạo tỉnh mới bắt đầu vào cuộc.
Thứ ba, mâu thuẫn giữa phong cách quản lý của chủ doanh nghiệp người nước ngoài với tập quán lao động của người lao động Việt Nam. Điều này thường thấy trong các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc khi mà quy định về lao động
rất khắt khe. Công nhân thường bị nghiêm cấm trong nhiêu thứ trong giờ làm dần
đến ức chế, và phản kháng. Thực trạng này tuy không dẫn đến hậu quả quá lớn nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất làm việc và hình ảnh người lao động Việt Nam đối với các đối tác nước ngoài. Điều đó đặt ra thách thức tới các công ty môi giới lao động cũng như công tác công đoàn tại từng doanh nghiệp phải cung cấp đầy đủ thông tin, giúp lao động quen với tác phong làm việc của doanh nghiệp nước ngoài.
Cuối cùng, dù không phải là một vấn đề nhức nhối đối với các doanh nghiệp
trong khu công nghiệp Đại An, hiện tượng đình công bãi xưởng có thể xảy ra thường xuyên hơn khi lượng công nhân ngày càng nhiều và khó quản lý. Kể từ khi thành lập đến nay, khu công nghiệp Đại An chưa ghi nhận chính thức bất kì một cuộc đình công lớn và nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, khu công nghiệp thường xuyên xảy ra hiện tượng công nhân dừng làm việc với quy mô nhỏ và vụ việc lớn nhất là 700 lao động của công ty TNHH FalCon Việt Nam đồng loạt ngừng việc mà nguyên
nhân trực tiếp là vấn đề tiền lương, phụ cấp và tiền thưởng (Trần Ngọc Bính, 2011).
Mặc dù được đánh giá là một trong các khu công nghiệp có tổ chức công đoàn phát triển nhưng hoạt động công đoàn cần được cải thiện theo hướng chuyên nghiệp hơn phù hợp với sự mở rộng của lực lượng lao động trong khu công nghiệp. Chỉ như vậy, XKLĐ tại chỗ vào khu công nghiệp Đại An mới có thể phát triển đem lại nhiều
lợi ích cho cả doanh nghiệp và người lao động.
3.2. Một số giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu lao động tại chỗ tại khu công nghiệp Đại An – Hải Dương
3.2.1. Giải pháp đối với cơ quan Nhà nước
• Hoàn thiện hệ thống luật liên quan đến lao động và sử dụng lao động
Xét cho cùng việc hoàn thiện hệ thống luật pháp về lao động và sử dụng lao động sẽ có tác động tới hoạt động XKLĐ tại chỗ ở tất cả các doanh nghiệp FDI trong và ngoài khu công nghiệp trong đó có KCN Đại An.
Hoạt động XKLĐ tại chỗ chủ yếu chịu sự điều chỉnh của luật pháp nước xuất khẩu lao động, tuy nhiên hiện nay ở Việt Nam không có một văn bản luật riêng biệt nào điều chỉnh vấn đề này. Chính vì vậy, các ban ngành cần quy định cụ thể việc sử dụng lao động Việt Nam trong doanh nghiệp nước ngoài trong các văn bản luật hiện hành; hoàn thiện đồng bộ, kịp thời hệ thống pháp luật về thị trường lao động, các văn bản pháp quy như trình sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động, Luật Việc làm, Luật Tiền lương tối thiểu; hướng dẫn Luật Dạy nghề, Luật Bảo hiểm xã hội.
Các văn bản quy phạm pháp luật về việc làm hiện nay còn chưa cụ thể hóa một số vấn đề về lao động, việc làm như: chưa có quy định cụ thể về quyền và
nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động trong thị trường lao động…,
quy định về việc làm chủ yếu mới chú trọng đến tạo việc làm, chưa chú trọng đến chất lượng việc làm; quy định về quỹ giải quyết việc làm chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; quy định về hỗ trợ việc làm chưa được hướng dẫn cụ thể (Nguyễn Thanh Hòa, 2012, tr.2-4).
Nhiều quy định hiện nay còn mang tính nguyên tắc, áp dụng chung cho mọi
ngành nghề, công việc thuộc các tổ chức hoạt động kinh doanh thuê mướn lao động
ở mọi vùng miền đất nước nên sau khi ban hành không thể thực hiện được ngay theo hiệu lực thi hành mà phải chờ các văn bản quy phạm dưới luật quy định hướng dẫn cụ thể. Để thực thi Bộ luật lao động hiện có khoảng 290 văn bản quy phạm dưới luật. Với khối lượng văn bản dưới luật lớn thiếu đồng bộ, thường xuyên sửa đổi bổ sung, nội dung chồng chéo có chỗ mâu thuẫn nên việc cập nhật thực hiện đúng, đầy đủ quy định pháp luật về lao động gặp nhiều khó khăn (Đặng Như Lợi, 2012, tr.5-7).
Do vậy một giải pháp quan trọng cho các nhà làm luật là tạo sự ổn định cho các văn bản pháp luật, tránh thay đổi quá thường xuyên gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc cập nhật và thực hiện các chính sách mới; đồng thời xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật một cách hệ thống, tránh trùng lặp không
cần thiết. Có thể trong tương lai, các nhà làm luật chỉ nên ban hành các luật chuyên ngành hoặc theo chuyên đề điều chỉnh một nội dung nhất định như luật Bảo hiểm Xã hội, Luật Việc làm hoặc cách khác là để Bộ luật Lao động điều chỉnh toàn bộ các nội dụng về chính sách lao động, tiêu chuẩn lao động, quan hệ lao động … Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến pháp luật dưới các hình thức phong phú thông qua các phương tiện truyền thông Trung ương như báo đài, các tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp hoặc các trung tâm giới thiệu việc làm, qua đó làm cho người lao động và người sử dụng lao động nhận thức đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện đúng chính sách pháp luật nhà nước.
Ngoài ra, bên cạnh việc thanh tra của các cấp lãnh đạo tỉnh Hải Dương, các ban ngành cấp trên cần tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định, nghị định của chính phủ, việc chấp hành pháp luật về lao động, về tiền lương tối thiểu. Nhiều khi để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI trong địa bàn tỉnh và thu hút thêm nhiều nguồn lực mới trong môi trường cạnh tranh thu hút đầu tư gay gắt giữa các tỉnh thành trong cả nước, ban lãnh đạo tỉnh đôi khi lơ là trong việc thực hiện công tác giảm sát tình hình thực hiện các quy định pháp luật.Chỉ khi có sự tham gia của các cơ quan cấp Nhà nước, tính minh bạch trong công tác thanh tra, kiểm tra mới được đảm bảo. Thông qua các chuyến công tác đó, lãnh đạo Trung ương còn có thể nâng cao hơn nữa ý thức của doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh nói riêng và trong cả nước nói chung về tầm quan trọng của việc đảm bảo quyền lợi và lợi ích cho người lao động, thực hiện các quy định của pháp luật ngay từ khâu đầu thông báo tuyển dụng, thỏa thuận và giao kết hợp đồng; khuyến khích các tổ chức chính trị, xã hội cơ sở trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động hiệu quả hơn. Đối với Đại An – nơi đang sử dụng hơn 15.600 công nhân – công tác kiểm tra giám sát còn quan trong hơn khi mà việc thực hiện đảm bảo quyền lợi người lao động đang có dấu hiệu bị xem nhẹ.
• Hoàn thiện luật liên quan đến đầu tư
Hoạt động xuất khẩu lao động tại chỗ và hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài luôn gắn liền và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Đầu tư nước ngoài không chỉ quyết định đến số lượng mà còn có ảnh hưởng tới chất lượng, thu nhập, trình độ của lực lượng lao động xuất khẩu tại chỗ. Muốn đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao
động tại chỗ tại khu công nghiệp Đại An nói riêng và các khu công nghiệp trong cả nước nói chung, trước hết phải có những giải pháp đẩy mạnh, tăng cường hơn nữa hoạt động thu hút vốn vào các khu công nghiệp – khu chế xuất.
Hiện nay chi phối hoạt động đầu tư tại Việt Nam có Luật Doanh nghiệp 2005 và Luật Đầu tư 2005 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2006. Ngoài ra, các cơ quan ban ngành còn đưa ra Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành hai luật trên