Bài báo khoa học được viết để công bố trên các tạp chí chuyên môn hoặc trong hội nghị khoa học nhằm nhiều mục đích, như công bố một ý tưởng khoa học; công bố từng kết quả riêng biệt của một công trình dài hạn; công bố kết quả nghiên cứu toàn bộ công trình; đề xướng một cuộc tranh luận trên tạp chí hoặc hội nghị khoa học; tham gia tranh luận trên các tạp chí hoặc hội nghị khoa học.
Bài báo khoa học luôn phải chứa đựng các tri thức khoa học dựa trên kết quả quan sát, thực nghiệm khoa học. Các loại bài báo có cấu trúc logic như chỉ trên Bảng 4. Một bài báo khoa học chỉ nên viết trong khoảng 1500-2000 chữ (3-4 trang khổ A4). Báo cáo hội nghị khoa học có thể dài hơn, nhưng cũng không nên dài quá 3000-4000 chữ (6-8 trang khổ A4).
Bảng 4: Cấu trúc logic của các loại bài báo khoa học
TT Các loại bài báo Vấn
đề Luận điểm Luận cứ Phương pháp
1 Công bố ý tưởng khoa học x x - -
2 Công bố kết quả nghiên cứu [ x ]́ x x x
3 Đề xướng một cuộc thảo luận khoa
học trên báo chí x [ x ] - -
5 Tham gia thảo luận trên báo chí [ x ] [ x ] x x
4 Báo cáo đề dẫn hội nghị khoa học x [ x ] - -
6 Tham luận tại hội nghị khoa học [ x ] [ x ] x x
7 Thông báo khoa học Không có cấu trúc này
Nội dung khoa học của bài báo có thể cấu tạo theo một số phần tuỳ cách sắp xếp của mỗi tác giả. Tuy nhiên, dù chia thành bao nhiêu phần thì một bài báo cũng có
những môđun như nhau. Mỗi môđun là một khối nội dung hoàn chỉnh. Trên đại thể, các mô đun của một bài báo được phân chia như sau:
Môđun 1: Mở đầu
• Lý do của nghiên cứu được trình bày trong bài báo.
• Ý nghĩa lý thuyết và ý nghĩa thực tiễn của nghiên cứu.
• Người được hưởng lợi từ kết quả nghiên cứu.
Môđun 2: Lịch sử nghiên cứu. Trả lời câu hỏi: “Ai đã làm gì?”
• Mô tả sơ lược quá trình nghiên cứu; các thành tựu và tác giả.
• Mặt mạnh và yếu của các nghiên cứu cũ.
• Kết luận về những nội dung cần giải quyết.
Môđun 3: Mục tiêu (tức nhiệm vụ) nghiên cứu. Trả lời câu hỏi: “Tôi sẽ làm gì?”
• Những công việc dự định làm lâu dài
• Những công việc phải làm trước mắt
• Minh họa trên “cây mục tiêu”
Môđun 4: Vấn đề nghiên cứu và luận điểm của tác giả . Trả lời câu hỏi: “Luận điểm của tôi là gì?”
• Những vấn đề (câu hỏi) đang tồn tại trong nghiên cứu và vấn đề được tác giả đề cập trong công trình nghiên cứu.
• Luận điểm của các tác giả khác nhau và luận điểm của bản thân tác giả bài báo.
Môđun 5: Phương pháp và Luận cứ chứng minh luận điểm
• Cơ sở lý luận, tức các luận cứ lý thuyết và phương pháp được sử dụng.
• Các luận cứ thực tiễn và phương pháp được sử dụng: quan sát, phỏng vấn, điều tra, thực nghiệm hoặc trắc nghiệm:
Môđun 6: Phân tích kết quả
• Sự khác biệt giữa thực tế và các giả thiết được đặt ra trong quan sát hoặc thực nghiệm (trường hợp này là giả thiết, chứ không phải giả thuyết)
• Độ chính xác của các phép đo và độ sai lệch của các quan sát.
• Những hạn chế của quá trình thu thập thông tin và khả năng chấp nhận.
Môđun 7: Kết luận và Khuyến nghị
• Đánh giá tổng hợp các kết quả thu được.
• Khẳng định mặt mạnh, mặt yếu của những luận cứ, phương pháp; Từ đó, khẳng định (hoặc phủ định) tính đúng đắn của luận điểm.
• Ghi nhận những đóng góp về lý thuyết.
• Dự kiến các khả năng áp dụng kết quả. Thứ hai, Khuyến nghị:
Trong khoa học nên dùng khái niệm “khuyến nghị” mà không dùng “kiến nghị”. Khuyến nghị mang ý nghĩa một lời khuyên dựa trên kết luận khoa học. Người nhận khuyến nghị có thể sử dụng, có thể không, tuỳ hoàn cảnh thực tế. Còn kiến nghị thường mang ý nghĩa sức ép đối với người nhận kiến nghị.