14 Đặng Thanh Tịnh (2006), Lịch sử nước Pháp, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, Tr 91.
ĐÁNH GIÁ VÀ KẾT LUẬN
Cách mạng tư sản thực sự là một bước ngoặt lớn trong lịch sử nhân loại. Nó đã tạo ra một bước tiến lớn, một sự thay đổi toàn diện đối với xã hội loài người. Các cuộc cách mạng tư sản phương Tây và phương Đông diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau ở nhiều thời điểm khác nhau trong lịch sử, nhưng nhìn chung nó cũng có nhiều điểm tương đồng. Những điểm khác biệt và tương đồng đó cũng được thể hiện qua tiền đề của các cuộc cách mạng. Để một cuộc cách mạng tư sản nổ ra nó phải có những yếu tố đặt nền móng ban đầu, các yếu tố đó bao gồm sự xuất hiện và phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong lòng chế động phong kiến, sự ra đời của một giai cấp mới có khả năng lãnh đạo cách mạng – giai cấp tư sản cùng các giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất đo, và cuối cùng là sự ra đời của các trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản ở nhiều hình thức khác nhau.
Ở các nước phương Tây, chủ nghĩa tư bản đã ra đời từ khá sớm, nó phù hợp với sự vận động khách quan của lịch sử. Ngay từ thế kỷ XIV, những mầm mống của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa đã xuất hiện ở một số thành thị thuộc một số quốc gia. Ở Anh chủ nghĩa tư bản ra đời vào khoảng thế kỷ XV – XVI khi ở dây diễn ra cuộc cách mạng ruộng đất trong nông nghiệp. Ở Mỹ, chủ nghĩa tư bản được các nước thực dân du nhập vào, trong đó nước Anh giữ vai trò trọng yếu. Ở Pháp, sự ra đời của chủ nghĩa tư bản có phần chậm chạp hơn, do sự trì trệ của chế độ phong kiến cùng các hình thức kinh tế của nó. Nhưng nhìn, trước khi các cuộc cách mạng tư sản nổ ra, ở các nước phương Tây, chủ nghĩa tư bản đã phát triển và trở thành đối trọng với chế độ phong kiến đang suy tàn. Gắn liền với sự ra đời của chủ nghĩa tư bản, một giai cấp mới cũng xuất hiện, giai cấp tư sản, nó đã phát triển mạnh mẽ và vươn lên nắm giữ vai trò lãnh đạo các cuộc cách mạng. Để có cách mạng tư sản có thể bùng nổ, nó còn phải được trang bị bởi một nền tảng tư tưởng nhất định. Ở Anh, tư tưởng đó được khoác lên minh một màu sắc tôn giáo, và cuộc đấu tranh giữa Thanh giáo và Anh giáo chính là cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư sản và giai cấp phong kiến. Ở Mỹ, dưới tác động của chính sách bóc lột từ thực dân Anh, dần dần giai cấp tư sản ở đây có sự thay đổi
về nhận thức và tư tưởng, trong đó những tư tưởng về sự hình thành dân tộc Mỹ đã tác cộng mạnh mẽ đến cuộc cách mạng tư sản ở nước này. Như vậy, ở các nước phương Tây, trừ Mỹ là thuộc địa của Anh, ta có thể thấy sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, của giai cấp tư sản và của trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản xuất phát từ chính sự vận động của xã hội, và nó tạo nên những tiền đề vững chắc cho các cuộc cách mạng tư sản nổ ra.
Ở phương Đông, cho đến khi các cuộc cách mạng tư sản nổ ra, hầu hết các nước này đều trở thành các nước thuộc địa hoặc nửa thuộc địa của các nước thực dân phương Tây. Chính vì vậy, sự hình thành của chủ nghĩa tư bản, của giai cấp tư sản dân tộc, của các trào lưu dân chủ tư sản ở đây chịu sự chi phối của chính sách can thiệp, cai trị từ các nước phương Tây. Nhìn chung sự hình thành của chủ nghĩa tư bản ở các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran diễn ra khá chậm chạp và bị cản trở bởi chính sách thực dân cùng sự cai trị của chế độ phong kiến chuyên chế. Sự hình thành của giai cấp tư sản dân tộc cũng thế, do có nhiều mối liên hệ với tư bản nước ngoài, với giai cấp quý tộc phong kiến nên nó thường có sự thỏa hiệp, tinh thần cách mạng không triệt để. Nhưng giai cấp này vẫn có đủ khả năng để lãnh đạo của đấu tranh của quần chúng nhân dân để chống lại chế độ phong kiến, chống lại thực dân phương Tây. Về tư tưởng, hầu hết ở các nước phương Đông, trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản được các phần tử tiến bộ thuộc giai cấp tư sản tiếp thu từ các nước phương Tây và truyền bá vào đất nước mình, làm nền tảng tư tưởng cho các cuộc cách mạng tư sản.
Tuy ở các nước phương Tây và phương Đông, các tiền đề của cách mạng tư sản đều xuất hiện và có đủ khả năng thúc đẩy sự bùng nổ của cách mạng. Nhưng nhìn chung ở các quốc gia trong khu vực này, việc hình thành các tiền đề cách mạng mang nhiều điểm khác biệt. Đặc biệt là ở các nước phương Đông, do sự xâm nhập của chủ nghĩa thực dân phương Tây, nên việc xuất hiện các tiền đề cách mạng chịu ảnh hương sâu sắc bởi các nước bên ngoài.