a, Thực trạng trích lập quỹ dự phòng rủi ro
Công ty cho thuê tài chính-BIDV luôn thực hiện trích lập quỹ dự phòng rủi ro theo quy định của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, cụ thể như sau:
Bảng 2.9 : Trích lập dự phòng rủi ro 2006-2008 Đơn vị: tỷ đồng TT Chỉ tiêu 2006 2007 2008 1 Tổng dư nợ 936 1195,4 1733,3 2 Trích DPRR trong năm 29,4 82,2 40,4 3 DPRR phải trích 20,5 31 60,48 Dự phòng chung 6,7 8,5 19,27 Dự phòng cụ thể 13,8 22,5 47,51 4 Số dư quỹ DPRR 11,6 32,3 60
(Nguồn: Báo cáo tổng kết năm 2007, 2008 Công ty cho thuê tài chính –BIDV)
Theo Quyết định 493/QĐ-NHNN thì các tổ chức tín dụng phải thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro hàng tháng. Trong bảng trên, chỉ tiêu thứ hai thể hiện tổng số tiền DPRR mà Công ty cho thuê tài chính-BIDV đã trích trong các năm. Với sự hỗ trợ nhiều mặt và chỉ đạo sát sao của BIDV, năm 2007 Công ty đã có sự tăng trưởng mạnh thoát ra khỏi khủng hoảng và trích lập DPRR cho các khoản nợ xấu đầy đủ, kết quả 82,2 tỷ đồng, cao nhất
trong ba năm. Đến 31/12/2007, số dư quỹ dự phòng là 32,3 tỷ đồng, trong khi DPRR phải trích là 31 tỷ đồng. Đây là năm Công ty thực hiện trich lập dự phòng rủi ro tốt nhất trong ba năm.
Sang năm 2008, tuy số tiền trích lập DPRR là 40,4 tỷ đồng vượt kế hoạch đề ra 135% (kế hoạch là 30 tỷ đồng), nhưng xét đến thời điểm 31/12/2008 thì số dư quỹ dự phòng vẫn thấp hơn DPRR phải trích (60 tỷ đồng <60,48 tỷ đồng ). Công ty cần kịp thời trích lập thêm để đảm bảo đúng quy định, đề phòng rủi ro một cách tốt nhất.
b, Thực trạng sử dụng quỹ dự phòng rủi ro
Trong thời gian qua, Công ty đã sử dụng quỹ dự phòng rủi ro để xử lý một số khoản nợ xấu ngoại bảng. Xét thấy những khoản vay mà khách hàng không có khả năng trả nợ thậm chí là sau khi gia hạn nợ, ban lãnh đạo Công ty đã quyết định thu hồi tài sản với nhưng khoản vay này và dừng tính lãi. Sau khi phát mại tài sản để thu hồi vốn mà không đủ để bù đắp, Công ty dùng quỹ dự phòng rủi ro để bù đắp hết tiền nợ gốc còn lại. Trong năm 2008, Công ty đã trích 38 triệu quỹ dự phòng rủi ro để giải quyết nợ của Công ty Dệt may Hoàng Long (cho thuê xe ô tô con), trích 69 triệu để xử lý hợp đồng cho thuê thiết bị thi công xây dựng với Công ty TNHH Cường Thịnh. Khoản trích dự phòng lớn nhất trong năm là trích 29 tỷ cho khoản nợ của CTCP PG Rồng Biển (thuê thiết bị trò chơi). Trong năm 2007, Công ty cũng đã phải sử dụng quỹ dự phòng rủi ro để bù đắp rủi ro cho các công ty: Công ty cầu 7 Thăng Long, Công ty TNHH Toàn Long, Hợp tác xã Đức Nguyên.
2.2.3.2.Chính sách quản lỷ rủi ro của công ty cho thuê tài chính-BIDV
Năm 2006 là năm rất khó khăn của Công ty cho thuê tài chính-BIDV sau 8 năm hoạt động, các khoản nợ xấu gia tăng, việc quản lý điều hành đã bộc lộ nhiều sai sót. Trước thực trạng rủi ro bùng phát ảnh hưởng đến chất lượng cho thuê và kết quả kinh doanh của hoạt động cho thuê tài chính, cuối năm 2006,
theo chỉ đạo của BIDV, Công ty cho thuê tài chính-BIDV đã chú trọng hơn đến quản lý rủi ro hoạt động cho thuê tài chính. Tháng 11/2008, đồng thời với việc sửa đổi cơ cấu bộ máy tổ chức hoạt động, Công ty đã ban hành Quyết định số 160/QĐ-QHKH ban hành Quy định về nghiệp vụ cho thuê tài chính ngoại ngành. Quyết định này đã thay thế các quyết định về quy trình nghiệp vụ và thẩm định dự án cho thuê tài chính trước đó, tạo ra cơ sở thực hiện và nâng cao khả năng quản lý rủi ro trong các dự án cho thuê, đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Theo Quyết định này, việc quản lý rủi ro được thực hiện từ khâu thẩm định đến khâu quản lý sau cho thuê và chia thành hai cấp độ là quản lý rủi ro toàn bộ danh mục cho thuê và quản lý rủi ro từng khoản thuê.
• Quản lý rủi ro toàn bộ danh mục
Rủi ro toàn bộ là rủi ro do việc Công ty cho thuê tài chính đầu tư quá nhiều cho một lĩnh vực nào đó và khi lĩnh vực đó gặp khó khăn có thể là do chu kỳ kinh doanh hoặc do một diễn biến bất lợi nào đó trên thị trường thì Công ty cho thuê tài chính có thể gặp những tổn thất lớn, khó có thể bù đắp. Trong giai đoạn năm 2002-2005, ngành vận tải được coi là ngành chủ đạo trong hoạt động cho thuê của Công ty cho thuê tài chính-BIDV.Tuy nhiên từ năm 2006 trở đi, bên cạnh ngành này Công ty đã tích cực mở rộng mạng lưới cho thuê của mình trên các ngành nghề khác, cũng có nhiều tiềm năng như: Công nghiệp chế biến, công nghiệp khai thác mỏ, nông lâm nghiệp, tài chính tín dụng... Không chỉ thực hiện đa dạng hóa danh mục các ngành nghề, mà Công ty còn tiến hành đa dạng hóa cả danh mục tài sản cho thuê. Hiện nay danh mục nhóm tài sản cho thuê của Công ty bao gồm 10 danh mục chính là: Dây chuyền sản xuât, máy rửa ảnh kĩ thuật số, taxi, thiết bị thi công-khai thác hầm mỏ, thiết bị thi công-xây lắp, thiết bị tin học viễn thông, thiết bị vận tải bộ, thiết bị vận tải thủy, thủy điện và máy móc thiết bị khác.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề “không bỏ nhiều trứng vào một giỏ”, Công ty xác định quản lý rủi ro đối với toàn bộ danh mục cho thuê là phải thường xuyên dự bảo được diến biến của các ngành kinh tế để có các chính sách đầu tư phù hợp nhằm tạo được một danh mục đầu tư hợp lý, an toàn, hạn chế được rủi ro. Công ty đã rà soát, phân tích kết quả hoạt động của năm trước để tạo ra một cơ cấu đầu tư hợp lý cho năm sau. Nội dung chủ yếu của quá trình này là trước hết phải đánh giá được các thuận lợi, khó khăn của ngành kinh tế từ đó đưa ra định hướng cho thuê (tăng hay giảm) đối với từng nhóm tài sản và tỷ trọng cụ thể của các nhóm trong toàn bộ danh mục cho thuê. Sau đó phải đưa ra các chính sách cụ thể đặc biệt là chính sách khách hàng: tùy thuộc vào định hướng cho thuê hàng năm sẽ quy định về lãi suất, thời gian thuê, tỷ lệ tham gia trả trước, chất lượng tài sản áp dụng cho từng nhóm tài sản, từng ngành nghề kinh doanh.
• Quản lý từng khoản thuê
Việc quản lý rủi ro từng khoản thuê được thực hiện ở cả 3 khâu: trước, trong và sau khi cho thuê tài chính. Tùy từng loại hình doanh nghiệp cho thuê, loại tài sản cho thuê mà Công ty có những biện pháp quản lý các khoản thuê. Tuy nhiên về cơ bản, Công ty cho thuê tài chính-BIDV đã có những văn bản hướng dẫn thủ tục cho thuê tài chính bao gồm đầy đủ và cụ thể nội dung của từng bước. Quyết định 160/QĐ-QHKH về Ban hành Quy định về nghiệp vụ cho thuê tài chính ngoại ngành của Công ty quy định như sau:
- Thẩm định khách hàng: bao gồm thẩm định năng lực pháp lý, năng lực sản xuất kinh doanh và quan trọng nhất là thẩm định dự án thuê tài chính. Công ty đã xây dựng được biện pháp phân tích rủi ro, biện pháp giảm thiểu và phòng ngừa rủi ro đối với các dự án cho thuê. Một số rủi ro chủ yếu bao gồm : rủi ro về cơ chính sách; rủi ro về xây dựng, hoàn tất; rủi ro thị trường, thu nhập, thanh toán; rủi ro về cung cấp; rủi ro về kỹ thuật, vận hành, bảo trì...
Quá trình thẩm định cũng được qua hai vòng, phòng Quan hệ khách hàng thực hiện thẩm định sơ bộ và thực tế, phòng Quản lý rủi ro thực hiện thẩm định rủi ro
- Phê duyệt cho thuê tài chính: Nhiệm vụ này được chia thành: cấp có thẩm quyền phê duyệt đề xuất cho thuê, cấp có thẩm quyền phê duyệt rủi ro cho thuê, cấp có thẩm quyền ký kết các hợp đồng liên quan đến cho thuê tài chính,cấp có thẩm quyền phê duyệt giải ngân. Có những trường hợp các dự án vượt thẩm quyền của công ty (các dự án vượt 15% vốn tự có và có thời gian thuê từ 7 năm trở lên) phải trình hồ sơ lên Hội sở chính của BIDV.
- Giám sát và kiểm soát sau cho thuê:
+ Phòng Quan hệ khách hàng kiểm tra việc sử dụng tài sản thuê, chủ động đề xuất 6 tháng 1 lần lập tờ trình đi kiểm tra tài sản thuê tại Bên thuê mình quản lý, đồng thời phải thường xuyên theo dõi phân tích các biến động về hoạt động sản xuất kinh doanh của Bên thuê, tình hình tài chính, tài sản... để kịp thời nhận diện các rủi ro tiềm ẩn.
+ Phòng Quản lý rủi ro: Phối hợp với các phòng khác để phát hiện kịp thời các dấu hiệu rủi ro, đề xuất các biện pháp xử lý nếu có dấu hiệu bất thường; giám sát việc thực hiện phân loại nợ; giám sát thực hiện các biện pháp xử lý rủi ro đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ Phòng quản trị tín dụng: Định kỳ ngày 25 hàng tháng, cán bộ quản trị tín dụng lập thông báo danh sách các khoản nợ đến hạn của tháng sau gửi phòng Quan hệ khách hàng để đôn đốc khách hàng trả nợ gốc và lãi đúng hạn; chịu trách nhiệm theo dõi diễn biến thực trạng các khoản cho thuê của khách hàng, qua đó cảnh báo các dấu hiệu rủi ro cho phòng Quan hệ khách hàng.
- Thu nợ, lãi tiền thuê: Phòng Quan hệ khách hàng chịu trách nhiệm đôn đốc và thu nợ. Trong quá trình thực hiện, nếu biết bên thuê không có khả năng trả nợ thì phải áp dụng ngay các biện pháp thích hợp, tùy từng nguyên
nhân có thể gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ hoặc thực hiện xử lý thu hồi nợ quá hạn.
- Xử lý thu hồi nợ quá hạn và các vấn đề phát sinh khác:
+ Phòng QHKH chịu trách nhiệm rà soát phân tích nguyên nhân nợ quá hạn đồng thời tiếp tục đôn đốc khách hàng trả nợ quá hạn. Phòng QHKH đề xuất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nếu thay đổi chính sách khách hàng đang áp dụng, sử dụng quỹ dự phòng rủi ro để xử lý nợ quá hạn không có khả năng thu hồi, bán nợ...
+ Phòng quản lý rủi ro chịu trách nhiệm phối hợp và trợ giúp cán bộ phòng QHKH trong việc rà soát, phân tích nguyên nhân và đề xuất các biện pháp xử lý nợ quá hạn; đồng thời giám sát trong quá trình thực hiện các biện pháp xử lý đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ Phòng Quản trị tín dụng chịu trách nhiệm thường xuyên thông báo về trạng thái nợ quá hạn của Bên thuê cho phòng QHKH, phối hợp với phòng QHKH kiểm tra, đối chiếu số nợ gốc, lãi, phí, lãi phạt quá hạn.