Luật doanh nghiệp đã đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý cho các DNNVV thành lập và hoạt động thuận lợi. Cùng với các chính sách khuyến khích, trợ giúp đầu tư phát triển DNNVV của Nhà nước và sự quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt cho các DNNVV của các cấp chính quyền địa phương, nên những năm gần đây số lượng các DNNVV không ngừng được tăng lên, cả về số lượng và chất lượng. Với 1010 DNNVV/ tổng số 1015 DN toàn địa bàn, đã tạo ra một lực lượng khách hàng đầy tiềm năng cho ngân hàng No&PTNT Trực Ninh – Nam Định.
Các DNNVV hoạt động trên nhiều lĩnh vực, phong phú và đa dạng như : Sản xuất nông, lâm nghiệp, tại các vùng được chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, sản xuất kinh doanh hàng tiểu thủ công nghiệp trong các làng nghề truyền thống, sản xuất và chế biến trong các cụm công nghiệp, trên dải đất bãi dọc hai bờ sông Hồng và sông Ninh Cơ, vận tải đường thuỷ, bộ tại thị trấn Cát Thành, Cổ Lễ, xã Trực Hùng, Phương Định, Kinh doanh thương mại dịch vụ tại các thị trấn, thị tứ và các điểm đông dân cư.
Từ khi triển khai thực hiện nghị quyết Trung ương 5 của Bộ chính trị, về khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, tại huyện Trực Ninh khu vực kinh tế này mà nổi bật là các DNNVV trở thành khu vực kinh tế năng động và hiệu quả nhất. Với trên 99% tổng số DN trên địa bàn, các DNNVV đang là một lực lượng kinh tế quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế giải quyết việc làm, ổn định xã hội và có đóng góp vào nguồn thu cho ngân sách huyện hàng năm khoảng trên 30% tổng thu ngân sách.
Các DNNVV tại địa bàn huyện Trực Ninh hiện nay ngoài những lợi thế và khó khăn chung của các DNNVV tại Việt Nam nói chung còn có các lợi thế và khó khăn riêng sau:
Lợi thế: Là nơi có nhiều làng nghề truyền thống nên có điều kiện để phát triển, địa bàn hoạt động vùng nông thôn, nên nguồn nhân lực tại chỗ rất dồi dào và giá rẻ.
Khó khăn: Các chính sách trợ giúp đến với DNNVV không kịp thời. DNNVV ở đây chủ yếu là DN dân doanh mới thành lập, trình độ thấp, quản lý kiểu gia đình, tài sản thế chấp ít, giá trị thấp.