II. Các nhóm giải pháp
2. Nhóm các giải pháp trực tiếp tạo việclàm
2.1 Các giải pháp hỗ trợ trực tiếp thông qua hoạt động cho vay vốn
Thứ nhất, tăng cường ngân sách Nhà nước bổ sung cho Quỹ quốc gia về việc làm nhằm đảm bảo nguồn lực cho sự tăng trưởng số lượng và chất lượng việc làm. Dự kiến kế hoạch nguồn vốn ngân sách Nhà nước phân bổ sung vào Quỹ 120 đến 2010 đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 3000 tỷ so với năm 2005 và gấp 2 lần so với giai đoạn
2001 – 2005. Trong đó nguồn bổ sung từ ngân sách Trung ương là 2.500 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 3.000 tỷ đồng;
Thứ hai, tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò chỉ đạo của các Bộ, ngành, các tổ chức hội đoàn thể, chính quyền địa phương các cấp trong việc quản lý, điều hành các chương trình giải quyết việc làm. Củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo giải quyết việc làm các cấp, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện; tăng cường và nâng cao hiệu lực của công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh, sửa chữa kịp thời những sai sót trong thực tiễn điều hành, đảm bảo sử dụng nguồn vốn có hiệu quả. Giữ gìn kỷ cương quản lý, đặt mọi hoạt động của Chương trình cho vay này dưới sự chỉ đạo của chặt chẽ của Ban chỉ đạo Chương trình, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp;
Thứ ba, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phù hợp với điều kiện thực tế, tạo sự thông thoáng trong việc triển khai thực hiện ở các cấp, đơn giản hóa thủ tục hành chính, công khai hóa và thực hiện đúng vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quan hệ với các chủ thể kinh tế, giúp các chủ thể này được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước một cách bình đẳng, kịp thời và hiệu quả;
Thứ tư, đối với công tác xây dựng và lập kế hoạch cũng cần có một cơ chế mềm dẻo, linh hoạt để phân bổ, điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch hằng năm sát với tình hình thực tế và phù hợp với những biến động của nền kinh tế cũng như sự phát triển khác nhau giữa các vùng, miền, các thành phần và khu vực kinh tế trong cả nước.
Thứ năm, để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước và đạt được mục tiêu cho vay của Quỹ cần có một cơ chế tạo lập nguồn vốn từ các nguồn đóng góp của doanh nghiệp, các khoản tài trợ của các tổ chức quốc tế và từ chính bản thân người dân để đến năm 2010 Quỹ có thể đáp ứng được 50% nhu cầu vay vốn để giải quyết việc làm.
Thứ sáu, xây dựng các chính sách khuyến khích nhằm tạo động lực và hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động tạo ra nhiều việc làm cho người lao động thông qua các chính sách về ưu đãi lãi suất, thuế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách khuyến khích đầu tư vùng sâu và vùng xa…
Thứ bảy, dành một khoản ngân sách hợp lý nhằm tăng cường công tác tập huấn, nâng cao nhận thức về pháp luật, các chính sách giải quyết việc làm, công tác quản lý và đặc biệt là trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm của cán bộ làm công tác giải quyết việc làm.
Thứ tám, đẩy mạnh thực hiện dự án cho vay vốn tạo việc làm với lãi suất thấp từ Quỹ quốc gia về việc làm (doanh nghiệp vừa và nhỏ, các trang trại, làng nghề thủ công truyền thống…) và các hộ gia đình, ưu tiên cho vay vốn các đối tượng nhóm yếu thế như lao động là người tàn tật, người dân tộc thiểu số, người nghèo, lao động ở nơi có nhiều diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp…
Thứ chín, tăng mức trợ cấp xã hội cho người dân tộc thiểu số từ mức 140.000 đồng / người hiện nay lên mức bằng 70% lương tối thiểu chung, đồng thời mở rộng đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội, bao gồm học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc gia đình hộ nghèo hoặc cận nghèo và ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tăng mức hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn cho phù hợp với điều kiện thực tế và hoàn cảnh cụ thể. Tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng đối với học sinh sinh viên, mở rộng đối tượng được vay vốn và điều chỉnh mức vay vốn phù hợp với điều kiện thực tế giá cả sinh hoạt…