Như vậy, trước kết quả hoạt động của nghiệp vụ TTM trong 5 năm qua, có thể nhận xét chung rằng NHNN đã sử dụng công cụ này một cách linh hoạt. Xét về hiệu quả trong điều hành lạm phát và lãi suất thị trường, công cụ TTM vẫn chưa phát huy tác dụng rõ ràng. Điều đó cũng hợp lí do lạm phát và lãi suất cũng là mục tiêu chung của CSTT, là tổng hòa kết quả từ nhiều công cụ điều hành tiền tệ khác nhau. Khi mà NHNN có trong tay nhiều công cụ tiền tệ mạnh khác như tỉ lệ dự trữ bắt buộc, trần lãi suất huy động, lãi suất tái chiết khấu – tái cấp vốn ... thì vai trò của TTM đối với lạm phát và lãi suất trở nên mờ nhạt là khó tránh khỏi. Nếu nhìn qua thị trường tài chính Hoa Kì, Cục dự trữ liên bang (FED) cũng chỉ sử dụng đến các gói nới lỏng định lượng QE – là một dạng của hoạt động TTM – khi mà lãi suất đã không thể hạ thấp hơn. Nghiệp vụ TTM vẫn được xem là chốt chặn cuối cùng cho nền kinh tế.
Về phía hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống các TCTD, đây có thể xem là khía cạnh hiệu quả nhất trong hoạt động TTM thời gian qua. Thông qua TTM, tiền lưu thông vào và ra nền kinh tế một cách nhịp nhàng, kịp thời bảo đảm thanh khoản cho toàn hệ thống vào những thời điểm khó khăn nhất, không để xảy ra vỡ nợ bất cứ ngân hàng nào. Tuy nhiên, thanh khoản được hỗ trợ tốt thông qua TTM cũng không phải là đáng mừng. Đây chỉ là kênh hỗ trợ ngắn hạn, rủi ro thanh khoản vẫn luôn tồn tại, chỉ có thể giải quyết bằng cách dịch chuyển nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư vào nền kinh tế. Đó mới là giải pháp lâu dài và bền vững cho vấn đề thanh khoản của hệ thống các TCTD.
PHẦN III: GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG MỞ VIỆT NAM GIAI ĐOẠN HIỆN NAY