VƯỢT QUA TRỞ LỰC
SỰ KHẨN THIẾT
Chúng ta luôn có khuynh hướng ảo tưởng về tính chất bền vững của đời sống. Mặc dù đời sống của chúng ta có thể chấm dứt bất cứ lúc nào – và vô số những trường hợp như thế đã diễn ra trước mắt chúng ta – nhưng chúng ta rất hiếm khi chiêm nghiệm về điều đó.
Trong thực tế, việc suy ngẫm về tính chất mong manh của đời sống – một tính chất hoàn toàn có thật – giúp mang lại cho chúng ta động lực thúc đẩy rất lớn lao khi theo đuổi bất cứ mục tiêu nào trong cuộc sống. Bởi vì điều đó tạo ra một ý niệm về tính chất khẩn thiết của mọi vấn đề. Nếu chúng ta không nỗ lực ngay hôm nay, vào lúc này, có thể là chúng ta sẽ không còn cơ hội để thực hiện điều mình mong muốn. Chính sự khẩn thiết đó sẽ kích thích mọi nỗ lực của chúng ta, tạo ra sự thôi thúc phải hoàn tất tâm nguyện hoặc đạt đến mục tiêu theo đuổi của mình càng sớm càng tốt. Vì thế, ý thức được sự khẩn thiết trong đời sống có ý nghĩa rất quan trọng, có thể giúp chúng ta tăng thêm sức mạnh trong việc thực hiện những sự chuyển hóa tích cực.
SỰ KHẨN THIẾT
Đức Phật thường xuyên nhắc nhở các đệ tử của ngài về tính chất vô thường, tạm bợ của đời sống. Trong kinh Di giáo, Phật dạy rằng mạng người còn mất chỉ trong hơi thở. Ngài cũng chỉ rõ sự khẩn thiết của việc tu tập khi đưa ra hình tượng ngôi nhà rực lửa trong kinh Pháp Hoa. Ngài dạy: “Ba cõi thế giới như căn nhà đang cháy.” (Tam giới như hỏa trạch.) Người ở trong căn nhà đang cháy cần phải thoát ra thì còn gì khẩn thiết hơn? Vì thế, người học Phật chưa thực sự đạt đến giải thoát thì nhất thiết không một giây phút nào buông lơi, ngơi nghỉ.
Trong cuộc sống thực tiễn, ý thức về sự khẩn thiết giúp chúng ta tăng thêm sức mạnh khi nỗ lực thực hiện những điều tích cực. Chẳng hạn, khi bạn muốn bỏ thuốc lá, nếu bạn nhận ra tính chất khẩn thiết của vấn đề, như sự suy sụp nhanh chóng của sức khỏe, sự phát triển trầm trọng của bệnh phổi... bạn sẽ không còn có thể buông thả, trì hoãn, mà phải quyết tâm thực hiện ngay việc bỏ thuốc. Tương tự, trong những hoàn cảnh có sự nguy hiểm đe dọa, chúng ta chắc chắn sẽ phải nỗ lực hết sức mình để nhanh chóng vượt qua. Những ví dụ điển hình có thể dẫn ra rất nhiều, như khi đất nước có chiến tranh, như khi phải đối mặt với những cơn bão, lụt... Chúng ta sẽ thấy là tất cả mọi người đều dốc toàn lực cho đến khi nào sự nguy hiểm qua đi.
Hạnh phúc khắp quanh ta
Sự khẩn thiết trong đời sống không phải là một tính chất do chúng ta cố ý tưởng tượng ra để thúc đẩy những nỗ lực của mình. Nó là một tính chất có thật mà ta cần phải sáng suốt nhận ra. Hiểu được điều này, quá trình chuyển hóa những yếu tố tiêu cực trong đời sống sẽ diễn ra một cách nhanh chóng hơn nhờ vào sự thôi thúc tất yếu được tạo ra.