Đưa công nghệ mới, tiên tiến vào khai thác. Cụ thể là:
- Sử dụng đường truyền dẫn cáp quang, chất lượng cao thay cho các loại cáp đồng và đường dây trần thông tin được dùng từ ngày mới thành lập đến nay. Nâng cấp và thay mới các loại tổng đài điện tử số tại các Trung tâm Sài Gòn, Phan Thiết, Tháp Chàm; thay thế các loại máy tải ba Hungary được sử dụng từ những năm 1960 bằng các thiết bị truyền dẫn quang SDH hiện đại của Alcatel (Pháp); thay thế hệ thống điều độ cũ kỹ, lạc hậu bằng hệ thống tổng đài chuyên dụng của Siemens (Đức); sử dụng hệ thống điện thoại hội nghị truyền hình giữa các khu vực Sài Gòn, Phan Thiết, Tháp Chàm, Nha Trang, Tuy Hòa. Đây là các trang thiết bị hiện đại nhất của ngành được triển khai trong dự án trọng điểm hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt Sài Gòn - Nha Trang.
- Sắp xếp tổ chức lại mạng truyền dẫn thông tin đường dài đang sử dụng các thiết bị cũ theo hướng tập trung nâng cao chất lượng cho khu vực từ Nha Trang - Tuy Hòa - Diêu Trì (không nằm trong dự án Sài Gòn - Nha Trang). Đồng thời củng cố lại các tuyến cáp đồng, cáp bọc, đường dây thông tin để làm dự phòng cho tuyến cáp quang.
- Giải quyết các vấn đề rơ mòn ghi khóa, tín hiệu. Thay thế các rơle, hộp khóa điện tín hiệu đúng chủng loại và đạt chất lượng cao. Phối hợp với các đơn vị cầu đường để thường xuyên xử lý tốt chất lượng các mạch điện đường ray. Cần đầu tư để cải tạo lại thiết bị tín hiệu các ga khu vực Sóng Thần, Sài Gòn đã xây dựng trước năm 1993, chuyển đổi các ga tín hiệu cánh Phước Lãnh, Châu Hanh, Suối Vận, Phan Thiết sang ga tín hiệu đèn màu dùng nguồn tập trung xoay chiều. Xây dựng một số ga lớn tập trung điện khí: Sài Gòn, Sóng Thần, Xuân Lộc, Mương Mán, Tháp Chàm, Nha Trang, Tuy Hòa theo mô hình Siemens hoặc 6052 của Trung Quốc. Chuyển đổi các tín hiệu phòng vệ cầu từ loại hình cánh sang đèn màu. Củng cố các thiết bị tín hiệu đường ngang theo một mô hình thống nhất để thuận lợi cho việc duy tu, bảo dưỡng và giải quyết trở ngại. Tiếp tục mở rộng xây dựng các đường ngang có thiết bị cảnh báo tự động ở các khu vực đông dân cư như Sài Gòn, Sóng Thần, Nha Trang; cần coi trọng chất lượng của cảm biến từ, card âm thanh, bộ giao tiếp, nguồn … Tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ từ các nguồn vốn: ngân sách nhà nước 90%, còn lại là vay tín dụng và huy động nguồn vốn khác.
- Xây dựng các trạm biến áp riêng tại các ga để việc cấp nguồn cho thiết bị thông tin, tín hiệu được ổn định. Trang bị máy nổ cho các ga điện lưới quốc gia không ổn định. Quan tâm về số lượng và chất lượng ắcquy dự trữ cho các Trung tâm. Đầu tư trang bị mới các máy nạp có chất lượng cao cho các trạm nguồn. Tiến độ thực hiện trong 2 năm 2007 đến 2008, kinh phí khoảng 2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.
- Nghiên cứu ứng dụng các phần mềm tin học vào công tác quản lý, đồng thời hướng công tác nghiên cứu khoa học vào các chương trình như: đóng đường tự động, tín hiệu đầu máy, tự động đóng đường sử dụng đường truyền cáp quang, đường ngang cần chắn tự động, xử lý đường lánh nạn ga Dầu Giây bằng kỹ thuật số. Thu hút chất xám của đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật và phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành, đặc biệt
là Sở khoa học và công nghệ Tp.HCM. Kinh phí cho các hoạt động này hàng năm khoảng 300 triệu đồng.