Tính tất yếu của việc phát triển nguồn lực con người trong quá trình công nghiệp hóa,hiện đại hóa đất nước.

Một phần của tài liệu Thực trạng nguồn lực con người ở huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc trong giai đoạn hiện nay (Trang 26 - 29)

quá trình công nghiệp hóa,hiện đại hóa đất nước.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là xu hướng phát triển chung của các nước trên thế giới. Đó cũng là con đường tất yếu của nước ta để đi tới mục tiêu “ dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa không đơn giản chỉ là công cuộc xây dựng kinh tế mà đó chính là quá trình biến đổi cách mạng sâu sắc trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội (kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học,..) làm cho xã hội phát triển trên một trạng thái mới về chất.

Từ một nước nghèo, đông dân, lại phải trải qua nhiều năm chiến tranh, phấn đấu lên trình độ “ Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” chúng ta cần phải tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội: kinh tế, chính tri, xã hội, văn hóa, khoa học và công nghệ,... Song bằng cách nào có thể tiến hành thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp điều đó hoàn toàn không đơn giản. Bởi vì công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa khác với công nghiệp hóa, hiện đại hóa Tư Bản chủ nghĩa là nó phải mang tính nhân văn sâu sắc. Nghĩa là công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải tạo điều kiện cho mọi người phát huy hết tài năng, trí tuệ của mình trong đời sống công nghiệp, tất cả phải xuất phát từ con người và vì con người, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho con người. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu con người, phải lấy sự phát triển con người làm thước đo chung.

Để có mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thích hợp, về mặt phương pháp luận, chúng ta phải dựa trên cơ sở lí luận là học thuyết về hình thái kinh tế- xã hội của chủ nghĩa Mác- LêNin và phải có được sự nhận thức đúng đắn về các nhân tố phát triển (các nguồn lực). Nếu mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa được xây dựng chỉ dựa trên cơ sở lí thuyết kinh tế mà không lấy việc phân tích đầy đủ các nhân tố phát triển làm căn cứ thì ngay từ đầu nó đã không có tính khả thi. Vì vậy gần đây khi hoạch định các chính sách phát triển, các nhà hoạch định chính sách đều quan tâm nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng vấn đề nguồn lực. Lấy quan điểm của chủ nghĩa Mác- LêNnin, tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển con người, về vai trò chủ thể sáng tạo lịch sử của con người, và vai trò của nguồn lực con người trong quá trình phát triển kinh tế xã hội làm cơ sở lí luận, chúng ta cần phải khẳng định rằng để thực hiện được mục tiêu tổng quát ấy của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, điều kiện tiên quyết không thể thiếu là phải xây dựng và phát triển một nguồn lực đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, mạnh mẽ về chất lượng.

Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta luôn kiên định chủ nghĩa Mác- LêNin. Mục tiêu của Đảng xét đến cùng là triệt để giải phóng con người. Đại hội Đảng IX đã khẳng định “ Để đưa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đi tới thắng lợi cần phải phát triển mạnh giáo dục đào tạo, phát huy nguồn lực con người với tư cách là yếu tố cơ bản, là nguồn lực nội sinh cho sự phát triển nhanh và bền vững”[10, 20].

Nhận thức rõ vai trò quyết định của sự phát triển nguồn lực con người Việt Nam so với các nguồn lực khác trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng ta đã khẳng định “Nguồn lực con người là quý báu nhất, có vai trò quyết định đặc biệt đối với nước ta khi nguồn tài chính, nguồn vật chất còn hạn hẹp”. Bởi lẽ các nguồn lực khác: vốn, tài nguyên

thiên nhiên, vị trí địa lí, kỹ thuật, công nghệ dù có bao nhiêu cũng là hữu hạn, chúng không có sức mạnh, và tự thân sẽ cạn kiệt dần trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do vậy chỉ có nguồn nhân lực với những con người có thể lực, trí tuệ, nhân cách tài năng, năng lực của họ mới là vô tận, không bao giờ cạn kiệt, và có khả năng tái sinh nếu chúng ta biết nuôi dưỡng thúc đẩy nó phát triển. Và chỉ khi nào tạo ra được nguồn nhân lực bao gồm những “con người có năng lực phát triển toàn diện, đủ sức tinh thông” và “ nắm vững khoa học kỹ thuật” đáp ứng nhu cầu cần khai thác và sử dụng các nguồn lực tự nhiên cho sự phát triển của xã hôi chúng ta mới có thể đưa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đi tới thắng lợi.

Công nghiệp hóa ở nước ta hiện nay là một quá trình phức tạp rộng lớn, được triển khai đồng thời với quá trình hiện đại hóa. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa với mục tiêu tổng quát là xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần nhân dân được nâng cao, quốc phòng an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh chỉ có thể thắng lợi khi chúng ta có được nguồn nhân lực có chất lượng với những con người Việt Nam có truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo, có nền tảng văn hóa, giáo dục, có khả năng nắm bắt nhanh khoa học và công nghệ. Có thể nói rằng phát triển nguồn lực con người có chất lượng cao trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hội nhập kinh tế là khâu đột phá quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội 2010-2020, tạo ra bước phát triển thần kỳ của Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI.

Tất cả những lí do trên đã cho ta thấy tính tất yếu phải phát triển nguồn lực con người trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Một phần của tài liệu Thực trạng nguồn lực con người ở huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc trong giai đoạn hiện nay (Trang 26 - 29)