Hoàn thiện nội dung thẩm định tài chính dự án

Một phần của tài liệu Thẩm định tài chính dự án đầu tư vay vốn tại Sở giao dịch I Ngân Hàng Công Thương Việt Nam (2).DOC (Trang 83 - 88)

2.2.3.1. Thẩm định tổng mức vốn đầu tư và cơ cấu vốn đầu tư

• Thẩm định tổng vốn đầu tư

Thông thường khi tiến hành thẩm định tổng vốn đầu tư các cán bộ thường đồng ý với các con số mà chủ đầu tư đưa ra tuy nhiên việc làm như vậy là mang tính chủ quan của chủ đầu tư và số liệu đôi khi thiếu chính xác. Để có thể khắc phục được vấn đề này các cán bộ thẩm định cần tích cực hơn nữa trong việc tìm hiểu thị trường, căn cứ vào các định mức kỹ thuật của từng ngành và theo các đơn giá của nhà nước và trên thị trường, xem xét kỹ các đề án nghiên cứu khả thi để dự toán được các khoản chi phí, xác định đúng quy mô và đưa ra mức vốn đầu tư hợp lý.

Ngoài ra còn cần tích cực tìm hiểu và lưu trữ cá thông tin về dự án để tạo ra một cơ sở dữ liệu về các dự án ở ngân hàng do đối với thẩm định tổng vốn đầu tư thường được áp dụng phương pháp so sánh đối chiếu, đây là một phương pháp cần phải có nguồn, cơ sở để so sánh, cơ sở đó chính là những dự án thuộc cùng ngành nghề, lĩnh vực và có quy mô gần tương tự như nhau. Chính vì vậy việc lưu trữ các dự án là hết sức cần thiết

• Thẩm định cơ cấu vốn đầu tư

Khi thẩm định cơ cấu vốn đầu tư các cán bộ thẩm định cần quan tâm nhiều hơn tới thẩm định vốn lưu động ròng cần thiết cho dự án. Hầu hết các dự án đều cần sự đầu tư thích hợp vào tài sản cố định và tài sản lưu động ròng. Nếu chỉ tập trung vào thẩm định vốn đầu tư cho tài sản cố định thì sẽ không đảm bảo được các nguyên tắc khi xác định dòng tiền của dự án. Tài sản lưu động ròng là loại tài sản không được khấu hao và thường được thu hồi khi

dự án kết thúc. Bởi vậy khi tiến hành một dự án mới cần tài trợ thêm tài sản lưu động ròng trong những năm đầu và thu hồi khi dự án kết thúc.

• Thẩm định nguồn tài trợ cho dự án

Trên cơ sở phân tích tài tình hình tài chính của dự án các cán bộ thẩm định cần thẩm định kỹ lưỡng nguồn vốn tự có của doanh nghiệp khi tham gia vào dự án để đảm bảo doanh nghiệp không quá phụ thuộc vào nguồn vốn vay, vẫn có sự chủ động khi tiến hành đầu tư, và cũng tránh được các rủi ro vỡ nợ, từ đó các cán bộ thẩm định cũng có thể xác định được chính xác dòng tiền của dự án. Cần có sự kết hợp hợp lý giữa các phương thức tài trợ để đảm bảo mức chi phí vốn bình quân thấp nhất ( WACC) mà vẫn đem lại hiệu quả cao cho dự án.

2.2.3.2. Thẩm định tỷ suất chiết khấu ” r” của dự án

Hệ thống NHCT Việt Nam nói chung cũng như Sở giao dịch I nói riêng cần thống nhất các quan điểm về việc tính toán lãi suất chiết khấu để có một tiêu chuẩn chung áp dụng cho các dự án. Để tăng tính chính xác cho việc xác định tỷ suất r của dự án khi tiến hành thẩm định các cán bộ thẩm định cần tính đến cả tác động của thuế khi tính chi phí vốn bình quân WACC, tức là khi tính chi phí vốn vay cần nhân thêm với (1-T). Ngoài ra khi xác định tỷ suát chiết khấu r cũng có thể sử dụng mô hình CAPM. Khi sử dụng mô hình CAPM mức lãi suất chiết khấu có thể được xác định bằng mức lãi suất tiết kiệm VND 12 tháng trả lãi sau của ngân hàng Công thương Việt Nam cộng với phần bù rủi ro, mức bù rủi ro này có thể dao động từ 3-5% tùy thuộc vào tính chất của từng dự án cụ thể. Sở giao dịch I có thể áp dụng một trong hai cách để đưa ra cách xác định mức lãi suất chiết khấu chung và hợp lý cho mọi dự án.

2.2.3.3 Thẩm định doanh thu, chi phí của dự án

• Thẩm định doanh thu của dự án

Doanh thu của dự án được xác định trên cơ sở số lượng và giá cả của sản phẩm sau này của dự án mà những yếu tố này rất khó có thể thẩm định chính xác nếu như chỉ căn cứ vào hồ sơ của dự án. Để đảm bảo thẩm định chính xác các cán bộ thẩm định cần phải thâm nhập thị trường tìm hiểu về thông tin của các sản phẩm cùng loại hiện đang được lưu hành, khả năng cạnh tranh của sản phẩm khi được tung ra thị trường, nhu cầu đối với các loại sản phẩm đó….Các cán bộ thẩm định cũng có thể so sánh thêm với các dự án khác cũng lĩnh vực để xác định doanh thu của dự án. Trên cơ sở đó mới xác định được đâu là mức sản lượng hợp lý cho dự án và giá cả như thế nào để đảm bảo sản phẩm có chỗ đứng và có khả năng cạnh tranh cao. Qua đó mới có thể xác định được chính xác doanh thu của dự án. Ngoài ra các cán bộ thẩm định cũng phải thường xuyên chú trọng đến các nguồn doanh thu khác của dự án ngoài việc bán sản phẩm để đảm bảo tính chính xác trong việc xác định dòng tiền của dự án.

• Thẩm định chi phí của dự án:

Để thẩm định được chính xác các khoản chi phí của dự án các cán bộ thẩm định cần phải quan tâm nhiều đến các chi phí đầu vào như: chi phí nguyên nhiên liệu, chi phí nhân công, chi phí quản lý, chi phí tư vấn, bảo hiểm… Cần kiểm tra tính chính xác của các khoản chi phí và để làm được điều đó các cán bộ thẩm định cũng phải thâm nhập thị trường để xác định được mức giá hợp lý cho từng khoản mục với những dự án có tính chất kỹ thuật phức tạp cần phải thuê thêm tư vấn để xác định sự hợp lý của các khoản mục nguyên vật liệu đầu vào.

Ngoài ra cũng cần chú ý đến chi phí khấu hao bởi nó trực tiếp ảnh hưởng đến việc xác định dòng tiền của dự án. Nhiều doanh nghiệp đã tăng chi phí mua máy móc để làm tăng chi phí khấu hao sau này làm cho vừa giảm được thuế thu nhập và vừa tăng khả năng trả nợ của dự án do khấu hao cũng là một nguồn để trả nợ. Do đó các ngân hàng cần thẩm định chặt chẽ việc tính khấu hao của doanh nghiệp, xác định rõ cách thức tính khấu hao và chi phí thực tế của các tài sản được khấu hao.

2.2.3.4 . Thẩm định dòng tiền hàng năm

Dòng tiền dự án là một nội dung thẩm định vô cùng quan trọng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ tiêu hiệu quả tài chính cũng như khả năng trả nợ của dự án chính vì vậy các cán bộ thẩm định cần hết sức chú trọng và cẩn thận khi tiến hành thẩm định dòng tiền hàng năm của dự án. Để xác định được dòng tiền một cách chính xác các cán bộ thẩm định cần phải xác định được các khoản thu chi hợp lý của dự án, khi tính toán cũng cần đưa các yếu tố như chi phí cơ hội, giá trị thanh lý tài sản và vốn lưu động ròng …Đây là các yếu tố thường bị bỏ đi trong quá trình thẩm định dòng tiền vì vậy các cán bộ thẩm định cần phải lưu tâm hơn.

Dòng tiền của dự án là sự kết hợp của ba dòng tiền dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, từ hoạt động đầu tư và từ hoạt động tài chính và đều được thể hiện rất rõ trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ do đó việc yêu cầu khách hàng cung cấp đầy đủ báo cáo lưu chuyển cũng như thẩm định sự chính xác của loại báo cáo này là một khâu không thể thiếu trong quá trình thẩm định dòng tiền của dự án.

Ngoài ra khi thẩm định các cán bộ thẩm định thường coi như vốn đầu tư thường được bỏ ra một lần vào năm đầu tiên của dự án tuy nhiên thực chất nhu cầu vốn đầu tư tùy thuộc vào từng thời kỳ nên các cán bộ thẩm định cần xem xét việc chia vốn đầu tư thành các giai đoạn thích hợp trong toàn bộ

dòng đời của dự án để giảm bớt những sai số không cần thiết. Bên cạnh đó khi thẩm định dòng tiền của dự án cũng nên đề cập thêm đến các khoản mục như các khoản thu khác của dự án hay giá trị đầu tư bổ sung tài sản để đảm bảo dòng tiền từ hoạt động kinh doanh được xác định bằng

Dòng tiền = - Vốn đầu tư ban đầu + Lợi nhuận sau thuế + khấu hao + lãi vay dài hạn + các khoản thu khác – giá trị đầu tư bổ sung tài sản.

2.2.3. 5. Thẩm định các chỉ tiêu hiệu quả tài chính

Hiện tại các chỉ tiêu hiệu quả tài chính được chú trọng tính toán trong quá trình thẩm định ở Sở giao dịch I NHCT Việt Nam là các chỉ tiêu NPV, IRR và T. Đây mới chỉ là 3 trong số 6 các chỉ tiêu hiệu quả tài chính. Tuy nhiên mỗi chỉ tiêu đều có ưu nhược điểm riêng và ưu điểm của chi tiêu này lại có thể bổ sung cho nhược điểm của chỉ tiêu kia vì vậy để tăng chất lượng cho công tác thẩm định các cán bộ thẩm định có thể đưa thêm vào thẩm định các chỉ tiêu như tỷ suât hoàn vốn (RR), tỷ số lợi ích – chi phí (B/C), lợi nhuận thuần ( W) và điểm hòa vốn của dự án. Để giảm thời gian thẩm định các cán bộ thẩm định cần sử dụng các phần mềm sẵn có để tính toán thêm các chỉ tiêu tài chính này như vậy càng đảm bảo tính chắc chắn và mức độ khả thi của các khoản vay.

2.2.3.6 . Thẩm định khả năng trả nợ

Đối với nhiều ngân hàng, thẩm định khả năng trả nợ của dự án có thể được xem là nội dung quan trọng bậc nhất.

Khả năng trả nợ của dự án thường được tính theo công thức sau: DSCR = Lợi nhuận sau thuế + Khấu hao + Lãi vay trung, dài hạn

Nợ gốc trung, dài hạn phải trả + Lãi vay trung, dài hạn

Như vậy chỉ số DSCR này càng lớn thì khả năng trả nợ dài hạn của dự án là càng cao, đầu tư vào dự án được an tòan hơn.

Trên thực tế lợi nhuận sau thuế không thể dùng toàn bộ để trả nợ mà chỉ có thể huy động được 50-70%, phần còn lại phải phân bổ vào các quỹ theo quy định và một phần dùng để tái đầu tư.

Để làm tăng khả năng trả nợ của dự án, chủ đầu tư thường nâng mức khấu hao trong những năm đầu dự án đi vào hoạt động. Do đó, để xác định chính xác khả năng trả nợ thực tế của dự án, các cán bộ thẩm định cần kiểm tra, thẩm định để bảo đảm mức trích khấu hao được thực hiện theo đúng quy định của Bộ Tài chính.

Sau khi đã xác định được nguồn trả nợ của dự án, các cán bộ thẩm định cần xây dựng bảng kế hoạch trả nợ từng năm của dự án. Nợ phải trả hàng năm bao gồm đầy đủ các khoản phải trả đối với ngân hàng cũng như đối với các tổ chức tín dụng khác. Từ đó cán bộ thẩm định sẽ tính toán được khả năng trả nợ thực tế của dự án thông qua mức chênh lệch giữa nguồn trả nợ với nợ phải trả.

Một phần của tài liệu Thẩm định tài chính dự án đầu tư vay vốn tại Sở giao dịch I Ngân Hàng Công Thương Việt Nam (2).DOC (Trang 83 - 88)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(97 trang)
w