Câu chuyện báo chí về bình đẳng giớ

Một phần của tài liệu vấn đề bình đẳng giới trên báo phụ nữ việt nam (Trang 30 - 32)

Câu chuyện báo chí là một nét đặc trưng và phổ biến trên báo Phụ nữ Việt Nam. Đây là nội dung luôn chiếm khoảng 25 – 30% dung lượng bài của toàn tờ báo với chuyên trang Hôn nhân – Gia đình, được bố trí trong trang 8 và trang 9 của mỗi số báo.

Những câu chuyện báo chí thường đề cập và để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống hôn nhân - gia đình hàng ngày có liên quan đến cả người vợ và chồng, chủ yếu xoay quanh các vấn đề của cuộc sống sinh hoạt gia đình hàng ngày; đưa ra những tình huống, sự kiện, những câu chuyện là nguyên nhân dẫn đến sự rạn nứt trong hôn nhân… Những câu chuyện báo chí này xuất phát từ những câu chuyện, tình huống có thật đã được tác giả biến tấu ở một mức độ nhất định để đưa ra những khuyến cáo, những lời khuyên bổ ích đối với tất cả mọi người trong việc xây dựng và vun đắp hạnh phúc gia đình. Tình huống trong câu chuyện rất thật, rất gần với mọi người, khiến cho mỗi người khi đọc đều thấy có mình trong đó. Sau đây là một vài ví dụ cụ thể:

Báo Phụ nữ Việt Nam số 97, ra ngày 13/8/2007 nêu lên những câu chuyện “Trả thù hậu ly hôn thời công nghệ” với hàng loạt các kiểu trả thù vợ cũ của những ông chồng sau khi ly hôn. Ví dụ như tung ảnh khoả thân (tự sáng tác) của vợ lên mạng, khủng bố điện thoại vợ cũ bằng những lời lẽ, hình ảnh thô tục, bệnh hoạn…

Báo Phụ nữ Việt Nam số 101, ra ngày 22/8/2007 đưa câu chuyện

“Chồng tôi là… game thủ” (Trang HMD), kể về những ông chồng mê game

online, không để ý gì đến gia đình, vợ con. Mọi công việc gia đình dồn hết lên vai người vợ, đi làm đầu tắt mặt tối về phải lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái trong khi chồng ngồi chơi game…

Báo Phụ nữ Việt Nam số 117, ra ngày 28/9/2007, tác phẩm “Những ông chồng tầm gửi” (Thanh Thuỷ), kể về những ông chồng dựa vào bóng vợ để ăn bám, cưới vợ để có người… bảo trợ về vật chất.

Báo Phụ nữ Việt Nam, số 112, ra ngày 17/9/2007 đăng bài viết “Những

cô vợ kỳ quặc” (Thu Hiền) kể về những cô vợ lười nhác, ỷ hết công việc gia

đình và việc kiếm tiền lại cho chồng, có thái độ ghét bỏ, thù hằn với gia đình nhà chồng, có hành vi mắng chửi đối với những ông chồng hiền lành, hay nhường nhịn vợ… Thậm chí còn nhiều bài viết kể về những người vợ cậy vào điều kiện kinh tế hơn chồng đã lấn át chồng, ức hiếp chồng bằng bạo lực, tuy nhiên những trường hợp này không nhiều.

Những câu chuyện báo chí về vấn đề Hôn nhân – Gia đình có nội dung rất phong phú, đa dạng, có liên quan đến cả người vợ và người chồng. Nạn nhân không chỉ là những người vợ mà thậm chí là những người con gái khi còn đang yêu cũng bị bạo hành bởi chính người yêu. Trong bài viết “Bạo hành… người yêu” của tác giả Thanh Thuỷ (đăng trên số 105, ra ngày 31/8/2007) đã phản ánh nhiều trường hợp các cô gái bị bạo hành khi còn đang yêu đương. Ví dụ như câu chuyện của Bích và Hữu (hai nhân vật trong truyện), khi phát hiện ra Hữu là người đàn ông “ích kỷ và gia trưởng đến mức quái gở”, Bích đã chia tay với Hữu, nhưng vì sợ mang tiếng là “bị người yêu đá”, Hữu đã đe doạ, khủng bố Bích bằng nhiều cách khiến cô bị khủng hoảng tinh thần…

Những câu chuyện về hôn nhân – gia đình bao giờ cũng được công chúng nhiệt tình đón đọc, bởi lẽ đó là những câu chuyện phản ánh rất chân thực, rất gần gũi và đúng với vô vàn tình huống có thực đang diễn ra hàng ngày trong mỗi gia đình, nếu không đủ tỉnh táo và sáng suốt để giải quyết êm đẹp sẽ dẫn đến tình trạng ly hôn, con cái rơi vào cảnh ly tán cùng cha mẹ, gia đình tan đàn xẻ nghé. Thông qua những câu chuyện đó, mỗi người tự rút ra cho mình lối sống, cách ứng xử phù hợp trong mỗi hoàn cảnh và quan trọng hơn là bảo vệ được tình yêu, bảo vệ được hạnh phúc gia đình trước những nguy cơ tan vỡ. Và đây cũng chính là chức năng phát triển nhận thức, điều chỉnh hành vi mà báo chí muốn hướng tới nhiều nhất.

Một phần của tài liệu vấn đề bình đẳng giới trên báo phụ nữ việt nam (Trang 30 - 32)