Khả năng thích ứng về công nghệ

Một phần của tài liệu KHẢ NĂNG THÍCH ỨNG CỦA DOANH NGHIỆP (2).doc (Trang 40 - 41)

II. Bối cảnh Việt Nam

3.Khả năng thích ứng về công nghệ

Việc đầu tư, đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam còn chậm, trình độ công nghệ lạc hậu, nhất là chậm ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hoá trong các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Về trình độ cơ khí hoá, tự động hoá, mức thay thế sức lao động phổ thông bằng máy móc thiết bị còn thấp, trong khi bản thân những máy móc, thiết bị cũng cũ kỹ, lạc hậu.

Có thể nói rằng. phần lớn các doanh nghiệp nước ta đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới 2 - 3 thế hệ. 80% - 90% công nghệ nước ta đang sử dụng là công nghệ ngoại nhập. Có 76% máy móc, dây chuyền công nghệ nhập thuộc thế hệ 1950 - 1960, 75% số thiết bị đã hết khấu hao, 50% là đồ tân trang. Rất nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh đang sử dụng máy móc, thiết bị do các doanh nghiệp nước ngoài đã thải bỏ. Tính chung cho các doanh nghiệp, mức độ thiết bị hiện đại chỉ có 10%, trung bình 38% lạc hậu và rất lạc hậu 52%. Đặc biệt ở khu vực sản xuất nhỏ, thiết bị ở mức lạc hậu và rất lạc hậu chiếm 75%. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư đổi mới công nghệ ở mức thấp, chi phí chỉ khoảng 0,2 - 0,3% doanh thu, so với mức 5% ở Ấn Độ hay 10% ở Hàn Quốc. Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ thì đổi mới công nghệ thuộc loại năng lực yếu nhất của các doanh nghiệp Việt Nam.

Sự lạc hậu về công nghệ và kỹ thuật sẽ tạo ra chất lượng sản phẩm thấp và không ổn định làm cho doanh nghiệp khó khăn trong việc lựa chọn mặt hàng kinh doanh, hạn chế khả năng cạnh tranh bằng giá (giá thành các sản phẩm trong nước cao hơn các sản phẩm nhập khẩu từ 20% - 40%). Nhìn chung, thiết bị và công nghệ của các doanh nghiệp trong các ngành sản xuất các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là lạc hậu so với các nước. Ví dụ như trong nhiều doanh nghiệp vẫn còn sử dụng thiết bị và công nghệ của Liên xô, Trung Quốc như chè, dệt…..; ngành dệt - may, da giày chủ yếu là gia công, trong ngành dệt còn sử dụng thiết bị của Trung Quốc từ những năm 60….; ngành điện tử và tin học, mặc dù là ngành mới và có tốc độ phát triển nhanh (khoảng 20%/năm), có điều kiện tiếp cận với công nghệ mới nhưng trình độ công nghệ vẫn còn thấp, chủ yếu là lắp ráp CKD, chưa làm chủ được “kỹ thuật nguồn”. Theo các chuyên gia đánh giá thì công nghệ trong lĩnh vực này lạc hậu so với các nước trong khu vực khoảng 10 năm và một thế hệ 20 năm so với các nước phát triển trên thế giới. Mặc dù nhiều doanh nghiệp cũng đã cố gắng đầu tư đổi mới trang thiết bị và công nghệ cũng như nhận chuyển giao nhiều công nghệ mới nhưng mới ở từng phần, từng công đoạn chứ chưa đồng bộ. Nguyên nhân chính là do thiếu vốn, thêm vào đó cơ chế cho vay vốn chưa phù hợp với đầu tư công nghệ của các doanh nghiệp xuất khẩu như điều kiện thế chấp, mức lãi suất cao, thời hạn cho vay ngắn…. điều này dẫn đến doanh nghiệp không có khả năng đổi mới công nghệ, thiết bị một cách đồng bộ và toàn diện. Đánh giá chung thì trình độ công nghệ của của Việt Nam còn ở mức trung bình thấp, có nhiều lĩnh vực công nghệ lạc hậu từ hai đến ba thế hệ so với thế giới. Các nhà máy có quy mô nhỏ, sản xuất theo quy trình công nghệ khép kín nhưng thiếu sự phân công hợp tác, chuyên môn hoá sản xuất giữa các doanh nghiệp.

Việc nhập khẩu thiết bị máy móc có trình độ công nghệ cao từ các nước tiên tiến tuy tạo khả năng cho các doanh nghiệp nói riêng và ngành công nghiệp của Việt Nam nói chung, nâng cao chất lượng, năng lực và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá, nhưng cùng với khả năng hạn chế về trình độ sử dụng của đội ngũ công nhân và nguồn vốn còn hạn hẹp của các doanh nghiệp Việt Nam thì cũng có thể sẽ tạo nguy cơ gia tăng khả năng lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài của Việt Nam. Và gánh nặng trả nợ vốn vay của các doanh nghiệp ngày càng tăng. Đặc biệt, nếu sản phẩm sản xuất ra mà không giành được thắng lợi trong cạnh tranh quốc tế thì không ít doanh nghiệp Việt Nam sẽ sa vào nguy cơ bị phá sản.

Một phần của tài liệu KHẢ NĂNG THÍCH ỨNG CỦA DOANH NGHIỆP (2).doc (Trang 40 - 41)