ATM là một hệ thống chuyển giao thông tin dạng gói đặc biệt sử dụng kiểu ghép kênh không đồng bộ. Công nghệ ATM xuất hiện với mạng diện rộng, đa dịch vụ băng rộng, tốc độ cao. Nhờ có công nghệ ATM, ta có thể kết hợp các dịch vụ B - ISDN khác nhau, đó là những dịch vụ băng rộng, băng hẹp khác nhau cùng tồn tại trong mạng viễn thông có cùng một kích cỡ tế bào ATM.
ATM cũng chấp nhận loại dịch vụ kết nối trong đó kênh ảo được tạo ra để truyền các thông tin dịch vụ. ID kết nối được chỉ định khi thiết lập kênh và ID được giải phóng khi kết thúc kết nối. Trình tự ATM của các tế bào ATM của kênh ảo được tạo nên bởi chức năng của lớp ATM và thông tin báo hiệu cho việc thiết lập kết nối, được truyền đi theo các tế bào ATM khác nhau.
(i). Cấu trúc tế bào ATM
Về cơ bản, ATM được xem như kiểu chuyển giao thông tin dạng gói hay còn gọi là tế bào ATM. Tế bào ATM có độ dài cố định là 53 byte, trong đó 5 byte dành cho phần mào đầu, 48 byte còn lại dành cho phần thông tin.
Có hai dạng tiêu đề của tế bào ATM là:
• UNI format: Khuôn dạng tiêu đề trên giao diện người dùng – mạng. • NNI format: Khuôn dạng tiêu đề trên giao diện mạng – mạng.
Phần mào đầu bao gồm phần điều khiển luồng chung GFC (General Flow Control), thành phần nhận dạng đường VPI (Virtual Path Identifier), kênh ảo VCI (Virtual Channel Identifier), loại tải PT (Payload Type), ưu tiên tổn thất tế bào CLP (Cell Lost Priority), kiểm tra lỗi tiêu đề HEC (Header Error Check). Số bit dành cho phần giữa mào đầu của UNI (User – Network Interface) và NNI (Network – Network Interface) là khác nhau.
Trường GFC: gồm 4 bit, 2 bit dành cho điều khiển và 2 bit dùng làm tham số. Chức năng này chỉ có tại giao diện UNI, nhằm phục vụ điều khiển luồng tín hiệu từ user vào mạng.
Trường định tuyến VCI/VPI: Đối với UNI gồm 24 bit (8 bit VPI
và 16 bit VCI) và với NNI gồm 28 bit (12 bit VPI và 16 bit VCI). Đặc tính cơ bản của ATM là chuyển mạch trên cơ sở giá trị trường định tuyến của tế bào. Nếu chuyển mạch chỉ dựa trên giá trị VPI thì được gọi là kết nối đường ảo, nếu dựa trên cả VPI/VCI thì được gọi là kết nối kênh ảo.
Trường tải tin PT: Để chỉ thị thông tin truyền tải là của khách hàng hay mạng.
Trường CPL: Có 1 bit phục vụ cho mục đích điều khiển tắc nghẽn. CPL = 0 có mức ưu tiên cao và CPL = 1 có mức ưu tiên thấp hơn. Các tế bào có CPL = 1 sẽ bị loại bỏ khi có tắc nghẽn mạng.
Trường HEC: Được xử lý ở lớp vật lý và có thể được dùng để sửa các lỗi đơn hoặc để phát hiện các khối lỗi.
Trong quá trình định tuyến của ATM, VCI và VPI không mang ý nghĩa đầu cuối – đầu cuối, mà chỉ xác định một đường hoặc một kênh ảo trên đường link mà tế bào được truyền dẫn. Khi tế bào đến node tiếp theo, phần VCI và VPI sẽ được sử dụng để xác định trong bảng định tuyến cổng in/out của tế bào và giá trị VCI và VPI tiếp theo. Bảng chọn tuyến được thiết lập ngay từ khi có liên kết và tồn tại trong suốt quá trình kết nối, đo đó các tế bào luôn có một đường định tuyến giống hệt nhau trong suốt quá trình truyền dẫn, nên sẽ luôn duy trì được thứ tự của tế bào tại đầu thu.