3. Các phương pháp kiểm tra thống kê chất lượng sản phẩm.
3.4 Kiểm tra thống kê chất lượng toàn diện
Trong những năm gần đây, sự ra đời của nhiều kỹ thuật quản lý mới, góp phần nâng cao hoạt động quản lý chất lượng, như hệ thống “vừa đúng lúc” (Just in time) đã là cơ sở cho lý thuyết quản lý chất lượng toàn diện TQM. Quản lý chất lượng toàn diện được nảy sinh từ các nước phương Tây với tên tuổi của Deming, Crosby và Juran.
Mục tiêu của TQM là cải tiến chất lượng sản phẩm và thoả mãn khách hàng ở mức tốt nhất cho phép. Đặc điểm nổi bật nhất của TQM so với phương pháp quản lý chất lượng trước đây là nó cung cấp một hệ thống toàn diện cho công tác quản lý và cải tiến mọi khía cạnh có liên quan đến chất lượng và huy động sự tham gia của mọi bộ phận và mọi cá nhân để đạt được mục tiêu chất lượng đã đề ra.
Các đặc điểm của TQM trong quá trình triển khai thực tế hiện nay tại các công ty có thể được tóm tắt như sau:
- Chất lượng định hướng bởi khách hàng. - Vai trò lãnh đạo trong công ty.
- Cải tiến chất lượng liên tục. - Tính nhất thể và tính hệ thống.
- Sự tham gia của mọi cấp, mọi bộ phận, mọi nhân viên. - Coi trọng con người.
- Sử dụng các phương pháp tư duy khoa học như kỹ thuật thống kê.
ISO 9000 là bộ phận tiêu chuẩn quốc tế được tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế (International Organization for Standarddization – ISO) ban hành năm 1987.
Quản lý chất lượng theo ISO 9000 là coi trọng việc xây dựng và thực hiện tiêu chuẩn (quốc tế, quốc gia, ngành, cơ sở…) nhằm đảm bảo, nâng cao chất lượng đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Thấy rõ lợi ích và tác dụng
của việc áp dụng ISO 9000, nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu đã phấn đấu để đạt được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 9000.
ISO 9000 là một bộ phận hợp thành của TQM. ISO 9000 và TQM là hai hệ thống quản lý chất lượng về thực chất cùng áp dụng phương pháp quản lý chất lượng toàn diện. Một doanh nghiệp có thể áp dụng hoặc ISO 9000 hoặc TQM hoặc cả hai hệ thống tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của doanh nghiệp. Một công ty nếu không có áp lực của sự sống còn là phải áp dụng ISO 9000 thì họ có thể không cần áp dụng. Nhưng TQM thì lại khác, đó là phương pháp quản trị hàng ngày để không ngừng cải tiến chất lượng mà bất kỳ công ty nào cũng cần và có thể áp dụng. Nếu doanh nghiệp đã được chứng nhận ISO 9000 rồi thì lại càng thuận lợi cho việc áp dụng TQM.