Triển vọng hợp tác Việt Nam–Hàn Quốc

Một phần của tài liệu Luận văn đề tài hoạt động xuất nhập khẩu của Hàn Quốc và quan hệ xuất nhập khẩu giữa Hàn Quốc - Việt Nam (Trang 35 - 37)

III. HOẠT ĐỘNG XUẤT NHẬP KHẨU GIỮA HÀN QUỐC VÀ VIỆT NAM Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, quan hệ giữa Việt Nam và Hàn

3. Triển vọng hợp tác Việt Nam–Hàn Quốc

Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng về địa lý, lịch sử và văn hoá, đều là thuộc châu Á, nằm ở phía Tây Thái Bình Dương, có vị trí chiến lược quan trọng ở khu vực Đông Á, từng bị ngoại bang đô hộ và cùng cảnh ngộ đất nước bị chia cắt, đều có truyền thống giữ gìn và kế thừa nền văn hoá dân tộc trong lịch sử lâu dài hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước và tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hoá nhân loại. Những điều kiện trên đã từng thúc đẩy kinh tế Việt- Hàn trong quá khứ nay vẫn tiếp tục là cơ sở vững chắc cho sự phát triển của quan hệ của hai nước trong hiện tại và tương lai.

Mặc dù trong quan hệ hai nước còn tồn tại nhiều vấn đề, nhưng triển vọng quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc là sáng sủa bởi nó được xây dựng trên những cơ sở vững chắc. Trong quan hệ đối ngoại, một trong những nhiệm vụ của Chính phủ Hàn Quốc là tăng cường ngoại giao kinh tế và thương mại để vượt qua khủng hoảng tài chính. Theo chủ trương mới, các cơ quan đại diện ngoại giao của Hàn Quốc ở nước ngoài sẽ chuyển mạnh theo hướng phục vụ nhiệm vụ kinh tế. Về phía Việt Nam, với mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta chủ trương đưa các quan hệ hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, nhất là với các đối tác quan trọng trong đó có Hàn Quốc.

Kim ngạch buôn bán giữa hai nước chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị xuất nhập khẩu của mỗi nước với thế giới. Vì vậy giữa hai nước còn nhiều tiềm năng để phát triển quan hệ thương mại. Do sự khác biệt về điều kiện tự nhiên và mức độ phát triển kinh tế, hai nước có nhiều điều kiện để bổ sung cho nhau. Việt Nam là một thị trường tương đối lớn với dân số hơn 86 triệu người và kinh tế Việt Nam đang có tốc độ phát triển cao. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế của mình, Việt Nam cần nhập khẩu nhiều máy móc thiết bị hiện đại, các loại nguyên liệu vật liệu cho sản xuất. Ngược lại Hàn Quốc là nước phát triển, sản xuất và cung cấp được những máy móc, trang thiết bị hiện đại phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam và giá cả hợp lý. Việt Nam có vị trí địa lý ở trung tâm vùng Đông Nam Á. Do vậy khi làm ăn với Việt Nam,

các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể mở rộng hoạt động của mình sang khu vực lân cận như Lào, Đông Bắc Thái Lan và đặc biệt là khu vực Tây Nam Trung Quốc- một khu vực chậm phát triển nhất của Trung Quốc với dân số khoảng 500 triệu người, nơi mà đường ra biển được rút ngắn một nửa nếu đi qua Việt Nam. Ngoài ra Việt Nam cũng cần nhập khẩu từ Hàn Quốc những công nghệ sản xuất tiên tiến, các loại hình dịch vụ như tư vấn, thiết kế mẫu mã...

Việc thực hiện cam kết về tự do hoá thương mại trong phạm vi WTO, APEC, đặc biệt khi Chương trình làm việc Doha đã được thông qua, trong đó đề cập đến việc xoá bỏ mọi rào cản đối với thương mại hàng nông sản, sẽ tạo thuận lợi cho mở rộng quan hệ Việt Nam- Hàn Quốc

Trên cơ sở định hướng chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam và Hàn Quốc có thể nhận thấy rằng trong tương lai, xu hướng chuyển dịch cơ cấu của hai nước tiếp tục thể hiện tính bổ sung cho nhau rõ rệt. Việt Nam chú trọng đến phát triển nông nghiệp tạo nên những giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao. Còn Hàn Quốc thông qua đầu tư vào công nghệ để có được các sản phẩm mới có tính năng bảo vệ môi trường, tạo nên các ngành dịch vụ mới để phục vụ nhu cầu ngày càng gia tăng .

Hàn Quốc có thể nhập khẩu từ Việt Nam nhiều mặt hàng như khoáng sản, nông lâm thủy sản, rau quả nhiệt đới, hàng thủ công mỹ nghệ...là những mặt hàng mà Hàn Quốc còn thiếu hoặc không tự sản xuất được.

Việt Nam luôn coi Hàn Quốc là đối tác thương mại hàng đầu ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Hiện nay Việt Nam đang cùng với 10 nước ASEAN đàm phán với Hàn Quốc về Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA) và sơ bộ đã ký được một số văn kiện như Hiệp định khung, Hiệp định thương mại hàng hóa. Việc Hàn Quốc và các nước ASEAN trong đó có Việt Nam tạo lập khu vực mậu dịch tự do sẽ tạo điều kiện thúc đẩy hơn nữa trao đổi kinh tế-thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng cường thu hút đầu tư giữa hai nước.

Trong thời gian chuyến thăm Hàn Quốc vào cuối tháng 3 năm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc hội đàm với Tổng thống Li Miêng Pắc và Thủ tướng Kim Hwang-sik, 2 bên đã khẳng định lại quyết tâm sớm hoàn thành mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên mức 20 tỷ USD trước năm 2015 và hướng tới mục tiêu 30 tỷ USD vào thời gian tới. Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác vì sự cân bằng và mở rộng quan hệ thương mại song phương. Nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế cùng có lợi, hai bên sẽ tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương Việt Nam-Hàn Quốc sau khi hoàn tất các thủ tục nội bộ cần thiết ở hai nước. Cùng với đó, phía Hàn Quốc nhất trí sẽ xem xét nghiêm túc những đề nghị của Việt Nam về việc tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc cũng như giúp Việt Nam trong việc phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ phù hợp với kế hoạch phát triển của Việt Nam.

Trên nền tảng vững chắc đó, theo đà phát triển mạnh mẽ của quan hệ hai nước trong 20 năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc được tin chắc rằng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và sâu sắc hơn nữa trong thời gian tới theo khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược./.

Một phần của tài liệu Luận văn đề tài hoạt động xuất nhập khẩu của Hàn Quốc và quan hệ xuất nhập khẩu giữa Hàn Quốc - Việt Nam (Trang 35 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(38 trang)
w