• Về thương mại:
- Tăng cường khai thác thế mạnh xuất khẩu, xác định rõ và tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực (gạo, nông sản, đồ gỗ, tiểu thủ công, hàng dệt may, da giày…) đồng thời phải gia tăng hàm lượng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm để sản phẩm có đủ sức cạnh tranh.
- Chính phủ nên thực hiện bảo hộ đối với một số mặt hàng mà trong nước còn yếu kém (hàng điện tử…) để dần dần có thể tự do cạnh tranh, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, giảm lượng phải nhập khẩu.
- Chú trọng đến vấn đề phát triển bền vững để nền kinh tế phát triển lâu dài mà hạn chế đến mức tối đa làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Các cơ quan có thẩm quyền cần phải xem xét thật kỹ trước khi cấp giấy phép khai thác tài nguyên, hạn chế cấp phép, chỉ cấp phép cho những dự án trọng điểm và mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia.
- Tận dụng tối đa vị thế địa lý của mình, đặc biệt cần phát triển các trạm trung chuyển giữa các quốc gia để phát triển thương mại.
• Về đầu tư:
- Mở rộng thêm quan hệ quan hệ đối ngoại với các đối tác lớn để thu hút FDI.
- Tăng cường hơn nữa ưu đãi với các nhà đầu tư nước ngoài (ví dụ như miễn thuế những năm đầu, đánh thuế thấp hơn vào lợi nhuận ở những năm tiếp theo…), tối giản hóa các thủ tục hành chính để quá trình thâm nhập vào thị trường nội địa của nhà đầu tư nước ngoài được nhanh chóng và thuận lợi.
- Đa dạng hóa nền kinh tế, đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau để tránh tình trạng bị phụ thuộc quá lớn vào một ngành.
- Đào tạo nguồn nhân lực có học vấn cao, áp dụng các chương trình khuyến khích việc học lâu dài, mở rộng giáo dục bậc cao và tăng cường đào tạo đội ngũ giáo viên.
- Khuyến khích, hỗ trợ cho người có năng lực ra nước ngoài học tập ở những ngành có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao như hóa sinh, y học, công nghệ thông tin… đồng thời cũng cải thiện môi trường học tập trong nước để thu hút du học sinh nước ngoài.
- Tăng cường liên kết với các đối tác trong khu vực và trên thế giới như Nhật Bản, Singapo, Nga, EU… để hợp tác về mặt khoa học, kỹ thuật, nhập khẩu máy móc công nghệ hiện đại nhằm “đi tắt đón đầu”, tạo ra năng suất cao hơn cho nền kinh tế.
- Đầu tư cho hoạt động nghiên cứu KH – CN trong nước và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với người tài.
• Kinh nghiệm chống tham nhũng trong nền công vụ:
Brunei đã ban hành Luật phòng chống tham nhũng, có hiệu lực từ ngày 1/1/1982 khi Cục chống tham nhũng được thành lập. Theo mong ước của Quốc vương và nguyện vọng của quốc gia, Brunei đã đưa ra những mục tiêu chính như sau: Giữ gìn sự trong sạch của nền công vụ; Đưa ra công lý tất cả những ai có liên quan đến tham nhũng. Luật Phòng chống tham nhũng đã đưa ra những hình phạt rất nghiêm khắc đối với công chức và cả các thành viên trong xã hội có liên quan đến tham nhũng, không chỉ đối với những người đang đương chức mà cả những người đã nghỉ hưu, thậm chí là trước khi ban hành Luật. Việt Nam cần phải học tập tích cực cách xử lý kiên quyết của Brunei, tránh để xảy ra tình trạng có Luật nhưng chỉ là ban hành cho có, xử phạt nghiêm khắc những đối tượng tham nhũng kể cả tại chức và đã về hưu để làm gương cho những đối tượng khác. Và đặc biệt cần xóa bỏ những buổi phê bình và tự phê bình trên tinh thần rút kinh nghiệm là chính rồi đâu vẫn hoàn đó. Có như vậy nền công vụ của nước ta mới có thể đảm bảo sự trong sạch, góp phần phát triển kinh tế vững mạnh.