THUYẾT
THANH HỒNG
Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, triều đại nhà Trần kéo dài 175 năm, từ năm 1225 đến năm 1440 và trải qua 14 đời vua. Trần Nhân Tông (1258 - 1308) là đời Vua thứ ba, sau ông nội là vua Trần Thái Tông và vua cha là Trần Thánh Tông.
Sử sách viết rằng năm Mậu ngọ 1258, quân Nguyên tiến hành xâm lược nước ta lần thứ nhất. Với thái độ ngạo mạn, chúa Mông Cổ là Mông Kha ra lệnh cho Ngột Lương Hợp Thai,một tên tướng được mệnh danh là "bách chiến bách thắng" đem một đạo quân ngót 3 vạn từ thượng nguồn sông Hồng (phía Lào Cai) tiến sang nước ta. Với ý chí quật cường, triều Trần do vua Trần Thái Tông đứng đầu nhanh chóng tổ chức chống giặc, giữ nước. Quân Mông Cổ hung hãn tiến vào Thăng Long. Trong triều có người lo sợ khuyên nhà vua nên "nhập Tống" (ý muốn nói nên dự vào Tống, vì lúc này Tống chưa bị diệt). Trần Thái Tông kể chuyện đó với thái sư Trần Thủ Độ. Với khí phách hào hùng, thái sư Trần Thủ Độ đã khẳng khái tâu trình: "đầu tôi chưa rơi, bệ hạ không có gì phải lo!". Sau đó, nhà Trần tổ chức phản công, đánh tan quân giặc ở Đông Bộ đầu (phía nam kinh thành Thăng Long). Quân giặc đại bại phải tháo chạy. Đó là ngày 24 tháng Chạp năm ấy.
Trong lễ mừng chiến thắng, vua Trần Thái Tông đã truyền ngôi cho con là Thái tử Hoảng, còn mình trở thành Thái thượng hoàng. Thái tử Hoảng lấy vương hiệu là Trần Thánh Tông, công chúa Thiên Cảm thành hoàng hậu. Ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ, thái tử Trần Khâm cất tiếng khóc chào đời. Tương truyền khi Trần Khâm mới sinh là một cậu bé tai dài, trán rộng, sắc mặt có ánh vàng nên sau đó được vua cha gọi yêu là "Kim Phật" nghĩa là đức Phật bằng vàng.
Lớn lên, thái tử Trần Khâm thông minh, lanh lợi, học đâu hiểu đó, văn võ song toàn. Thái tử thường được ông bà nội cho đi lễ Phật trong nội điện và các chùa trong kinh thành, ngoài ra còn nghiên cứu một số kinh sách về đạo Phật,do đó tính cách ngay từ nhỏ đã tỏ ra rất nhân từ.
Tới năm Kỷ Mão (1279), Trần Khâm 20 tuổi, được cha truyền ngôi, lấy vương hiệu Trần Nhân Tông. Là người nổi tiếng khoan hòa và nhân ái, Trần Nhân tông đã thực hiện một chính sách đại đoàn kết từ trong hoàng tộc đến ngoài muôn dân, chăm lo bồi dưỡng sức dân, tuyển dụng và đề bạt người có tài bằng thi cử thay cho chế độ
quý tộc cha truyền con nối, nới rộng tinh thần dân chủ. Ông nổi tiếng là một ông vua rất nghiêm minh và có tài trị quốc an dân. Có chuyện kể rằng ông đã từng phạt tượng tên quan Châu Diễn là Phí Mạnh về tội tham ô. Nhưng sau khi Phí Mạnh chịu tội và tỏ ra ăn năn, vua đã cho về nhiệm sở, Phí Mạnh đã trở lại thanh liêm, được dân chúng ca ngợi. Sử sách cũng chép lại chuyện tướng quân Trần Khánh Dư do phạm tội với triều đình đã bị tước quyền, phải về vùng núi Chí Linh làm nghề sơn tràng, bán than làm kế sinh nhai. Khi đất nước bị xâm lược, vua Trần Nhân Tông vẫn nhớ đến ông, cho vời ra và giao cho ông chỉ huy một đạo quân đánh giặc. Cảm ân nghĩa ấy, Trần Khánh Dư đã anh dũng xông pha nơi chiến trận, lập nhiều công lớn.
Có một lần, trên đường hành quân, dân vùng nọ đã cử nhiều bô lão tới dâng vua gạo, rượu, lợn và hoa quả để khao thưởng tướng sĩ, trong đó có mâm quả xoài rất quý. Vua Trần Nhân Tông ban thưởng cho các tướng lĩnh gần đó. Không rõ sao tướng quân Hoàng Cự Đà lại không có phần. Sau đó, giữa lúc quân Nguyên đuổi cánh quân của Hoàng Cự Đà rất gấp thì gặp thái tử, thái tử hỏi: "Có biết giặc Nguyên ở hướng nào không?", Cự Đà ngoái lại nói: "Đi mà hỏi cái bọn ăn xoài hôm qua ấy" rồi bỏ đi mất khiến cho thái tử suýt bị sa vào tay giặc. Sau khi giành thắng lợi, nhà vua mở triều, bình công luận tội. Thái tử kể chuyện trên và đề nghị triều đình khép Cự Đà trọng hình, nhưng trước bá quan văn võ, Trần Nhân Tông phán: "Tội Cự Đà đáng chết, nhưng xét cho cùng cũng là lỗi tại trẫm: chia lộc nước mà không công bằng. Thôi tha cho, để Cự Đà lập công chuộc tội. Tất nhiên, Cự Đà xấu hổ vô cùng "chỉ vì một miếng ăn mà quên việc nước, suýt hại cả đến thân mình".
Đối với dân, Trần Nhân Tông đã tin tưởng ở họ và từng nói về những người nô tì: "Ngày thường thì bao nhiêu người hầu hạ chung quanh, đến khi nước nhà gặp nạn thì chỉ có họ thôi!" Sử cũ nhận xét: "vua nói thế là vì cảm động việc họ đã một lòng đi theo trong buổi lầm cát bụi". Vì thế nên sau khi "muôn thuở vững âu vàng", người đã khen thưởng các gia đồng có công diệt giặc cứu nước, và cho các nô tì được phép chuộc mình.
Dưới triều đại ông, hai cuộc hội nghị nổi tiếng được ghi vào sử sách là hội nghị các vương hầu tướng lĩnh ở bến Bình Than và hội nghị các bô lão cả nước ở điện Diên Hồng để bàn mưu kế, thống nhất ý chí chống giặc. Ông được xem là vị vua có tinh thần "thân dân" nhất đời Trần. Ông đã cùng với vua cha lãnh đạo quân dân Đại Việt, giành thắng lợi rực rỡ trong hai lần đọ sức với 50 vạn quân Nguyên Mông, lập nên chiến công lừng lẫy trong lịch sử dân tộc.
Không những là một vị vua anh minh, Trần Nhân Tông còn là một nhà văn hóa, một nhà thơ xuất sắc của thế kỷ XIII. Trong thơ ông có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư duy triết học và cảm quan thế sự, có tinh thần lạc quan yêu đời, tấm lòng vị tha của một nhân cách lớn và sự rung động tinh tế, lòng yêu tự do, phóng khoáng của một tâm hồn nghệ sỹ. Điều đặc biệt là ở thơ văn Trần Nhân Tông có sự hòa hợp khó chia tách giữa một ngòi bút vừa nghiêm cách cung đình, vừa bình dị dân dã; có cả những kiến thức sách vở uyên bác lẫn với sự từng trải lịch lãm và tính hồn nhiên, trong sáng, chân thành.
Năm quý Tỵ (1293), sau khi truyền ngôi cho con là Trần nh Tông, Trần Nhân Tông lui về hành cung Thiên Trường làm Thái thượng hoàng. Ngoài việc tham gia triều chính khi cần thiết, ông còn dành nhiều thời gian nghiên cứu văn học, triết học và Phật học. Tới tháng 8 năm Kỷ Hợi (1299), Trần Nhân Tông lên núi Yên Tử tu
hành, sáng lập thiền phái Trúc Lâm và trở thành đệ nhất Tổ. Ông đi tu không phải để trốn đời, yếm thế mà đi tu để nhập thế, cứu đời.
Chính Trần Minh Tông, cháu của Trần Nhân ông trong lời đề tựa tập thơ "đại hương hải án" của Trần Nhân Tông đã từng ca ngợi: "Thế Tôn (chỉ đức Phật Thích Ca) bỏ ngai vàng quý bái, nửa đêm vượt thành, bỏ áo rồng cao sang, non xanh cắt tóc. Mặc chim thước làm tổ trên đàu, cho con nhện chăng tơ trên vai cánh, tu phép tịch diệt, để tỏ đạo chân như, dứt cõi trần duyên mà thành bậc chính giác. Đức Tổ ta là Điều NGự Nhân Tông hoàng đế, ra khỏi cõi trần, thoát vòng lụy tục, bỏ chốn cung vua, ra giữ sơn môn. Nghiễm nhiên đến nay, vẫn như còn đó, tiếng thơm bất hủ, dấu cũ còn twoi!"
Sau này, danh nho nhà Lê Ngô Thời Nhậm (thế kỷ XVIII) đã viết:
"Trần Nhân Tông đi tu là để giữ nước, là xây dựng một giáo lý đúng đắn đê duy trì nền độc lập lâu dài cho đất nước".
"Trung tâm học thuyết của Phật giáo Trúc Lâm là: Thiền tại tâm, lấy giáo lỹ để củng cố tinh thần, Trần Nhân Tông rất coi trọng chữ TÂM"
Việc Trần Nhân Tông lên Yên Tử tu hành đã để lại nhiều truyền thuyết đáng nhớ và gắn bó chặt chẽ với những di tích và danh thắng nổi tiếng trên núi Yên Tử.
Tục truyền rằng sau khi vượt dốc vào Yên Tử, thầy trò Trần Nhân Tông gặp mộ dòng Suối Tắm. Trong trưa hè oi ả, tiếng suối mùa mưa réo rắt hòa với tiếng chim rừng lảnh lót, hoa rừng muôn sắc tỏa hương theo gió thơm ngào ngạt. Vua Trần đóng khố, nhoài mình nơi dòng nước trong xanh. Dòng suối cuốn trôi bụi trần ra sông biển. Để người sau tắm suối dưới bóng cây râm mát, nhà vua trồng cây đa bên bờ suối, kể từ dịp ấy, suối được đặt tên là Suối Vua Tắm.
sau khi tắm suối xong, thầy trò tiếp tục lên đường, đến một quả núi tròn như mâm xôi. Bấy giờ đang là buổi trưa, Bảo Sái mở túi lục tìm cơm chay cho thầy mới giật mình sực nhớ là suất ăn của hai thầy trò đã đưa cho 3 tên cướp ở cửa rừng.Vua Trần vui vẻ cùng Bảo Sái uống nước suối trừ cơm rồi nằm nghỉ trưa trên núi mâm xôi này. Về sau, nơi đây dựng chùa mang tên Cấm Thực (không ăn) như thể khắc ghi hành động quên mình cứu độ chúng sinh của vị hoàng đế tu hành thuở ấy.
Khi Trần Nhân Tôn lên Yên Tử, vua Anh Tông vì không yên tâm nên đã sai các cung tần mỹ nữ đi theo hầu hạ. Trần Nhân Tông khuyên họ trở lại triều đình hoặc trở về quê cũ làm ăn, song các cung nữ đã trẫm mình xuống suối Hồ Khê để tỏ lòng trung trinh. Trần Nhân Tông xót thương, cho lập đàn tràng làm lễ giải oan những linh hồn cung nữ. Nơi lập đàn tràng sau dựng chùa Giải Oan và suối Hổ Khê cũng được đổi tên thành suối Giải Oan từ thuở ấy.
Truyền thuyết còn kể rằng niên hiệu Long Hưng thứ 16, ngày mông 5 tháng 10, chị gái của vua Trần Nhân Tông là công chúa Thiên Thụy cho người lên núi, tâu rằng: "Công chúa bệnh tình nguy kịch, muốn được trông thấy điều ngự lần cuối". Trần Nhân Tông liền chống gậy xuống núi, chỉ có một người đi theo. Ngày mồng 10 tới kinh đô, ngày 16 dặn dò xong lại trở về núi. Trên đường về, người như linh cảm thấy số mệnh mình nên đã qua một số chùa để giã từ tăng hữu. Tối hôm ấy, người nghỉ chân ở chùa Siêu Loại (huyện Thuận Thành). Sáng hôm sau, người đi đến chùa Cổ Pháp (huyện Nam Sách). Ngày 17, người nghỉ chân ở chùa Sùng Nghiêm (huyện Chí Linh). Ngày 18, người đến chùa Tú Lâm gần đó. Thấy đau đầu, người liền nói với hai
nhà sư Tử Nan và Hoàng Trung rằng: "Ta muốn lên am Ngoa Vân, nhưng chân không bước nổi, biết làm sao đây?". Hai nhà sư thưa: "Đệ tử xin hết sức giúp đỡ". Tới quá chiều mới lên được đỉnh núi Ngoạ Vân (đây là ngọn núi cao nhất vùng thuộc làng Yên Sinh, huyện Đông Triều, quê gốc họ Trần. Trong thời gian tu ở Yên Tử, Trần Nhân Tông đã cho lập một am ở nơi đây, đặt tên là Ngọa Vân (nằm trên mây), từ đó thành tên núi. Đôi khi người dừng chân nơi đây đọc sách và tham thiền, nên đã có lối mòn đi tắt sang Yên Tử, Trần Nhân Tông cảm ơn hai nhà sư và bảo: "Thôi xuống núi ngay đi, chăm chỉ việc tu hành, chớ coi sinh tử là chuyện chơi"
Ngày 19, Trần Nhân Tông sai người hầu là Pháp Không lên núi Yên Tử gọi là Bảo Sái. Bảo Sái tới suối Doanh, trông thấy một đám mây đen từ phía Ngoạ Vân bay qua núi Lỗi, đến chỗ suối thì nước dâng cao mấy trượng rồi lại phẳng lặng như thường. Bỗng thấy hai con rồng, đầu to như đầu ngựa cùng nghển cổ lên cao đến một trượng, hai mắt sáng như sao, một lúc thì biến mất. Ngày 21, Bảo Sái tới Ngọa Vân. Trần Nhân Tông cười nói: "Ta sắp đi đây, sao ngươi tới muộn thế? Trong pháp thuật có chỗ nào chưa hiểu thì hỏi ngay đi"
Mấy ngày liền, trời đất tối tăm, gió gào dữ dội, mưa như trút nước. Bỗng đêm ngàymồng hai, rạng ngày mồng ba tháng 11, trời quang mây tạnh. Vua hỏi: "giờ này là giờ gì?". Bảo Sái thưa: "Bây giờ là giờ Tý". Vua đẩy cửa sổ ra và nói: "giờ của ta đó!". Nói xong, người nằm dáng sư tử, rồi tịch ngay trong am trên núi. Đó là ngày mồng ba tháng mười một năm Mậu Thân (1308). Trần Nhân Tông hưởng thọ 51 tuổi.
Có sự tích còn kể rằng trước khi tịch diệt về cõi niết bàn, người bảo mọi người hãy xuống núi, sau đúng một trăm ngày mới đến được đến gần, thấy núi thơm thì hãy tới để hỏa táng thi hài, nếu không thì thôi. Mọi người tuân theo, đúng một trăm ngày sau tới lưng chừng núi đã thấy thoang thoảng mùi thơm. Khi tới nơi thấy người vẫn nằm nghiêng dáng sư tử một mầm trúc non xanh mọc xuyên qua đùi trái. Đời sau còn lưu luyến trong dân gian bài thơ về hình ảnh này, trong đó có câu: "Thân Tổ nằm nghiêng, trúc một mầm...". Tuên theo di chúc, Pháp Loa đã hỏa thiêu thi hài người, sau đó lấy tro thi hài viên thành một ngàn viên xã lỵ, một số đưa về táng ở cung vua, một số táng ở vườn Huệ Quang trên Yên Tử.
(Tạp chí Thăng Long Hà Nội ngàn năm - Số 5/2002)