Phần Bàn luận (Discussion) là phần cuối của nội dung của một bài báo khoa học, và nó có chức năng giống như là một diễn giải kết quả nghiên cứu. Chúng ta đã biết rằng phần Dẫn nhập trả lời câu hỏi “Tại sao làm nghiên cứu này”; phần Phương pháp trả lời câu hỏi “Đã làm gì và làm ra sao”; phần Kết quả là nhằm trả lời câu hỏi “Đã phát hiện những gì”; và phần Bàn luận tập trung vào trả lời cho được câu hỏi “Những phát hiện đó có ý nghĩa gì”?
Tiếp theo kì trước:
Cách viết một bài báo khoa học (Phần 4 – Kết quả) Cách viết một bài báo khoa học (Phần 3 – Phương pháp) Cách viết một bài báo khoa học (Phần 2 - Dẫn nhập) Cách viết một bài báo khoa học (Phần 1)
Trong bài báo khoa học, phần Bản luận là phần khó viết nhất. Các nghiên cứu sinh khi mới bắt đầu viết thường lúng túng không biết bắt đầu như thế nào, mà đọc những bài báo trong y văn thì cũng không nắm được nội dung và cấu trúc ra sao. Ngay cả nhiều giáo sư có kinh nghiệm cũng có khi cảm thấy khó khăn khi viết phần Bàn luận, vì họ không biết nhấn mạnh vào khía cạnh nào, và viết như thế nào cho thuyết phục. Một trong những khó khăn lớn nhất là phần Bàn luận không có một cấu trúc cụ thể nào. Thật vậy, trong khi phần Phương pháp và Kết quả còn có cấu trúc, còn phần Bàn luận thì tác giả có thể viết bất cứ gì mình thích (nhưng người đọc có thích hay không là chuyện khác!)
Tuy không có qui định cấu trúc cụ thể, nhưng chúng ta có thể học từ bài báo hay để đi đến một qui luật. Kinh nghiệm của tôi cho thấy những bài báo hay thường viết phần bàn luận theo cấu trúc 6 điểm sau đây:
(a) tóm lược giả thuyết, mục tiêu, và phát hiện chính trong đoạn văn đầu tiên; (b) so sánh những kết quả này với các nghiên cứu trước;
(c) giải thích kết quả bằng cách đề ra mô hình mới hay giả thuyết mới; (d) khái quát hóa và ý nghĩa của kết quả;
(f) và sau cùng là một kết luận sao cho người đọc có thể lĩnh hội được một cách dễ dàng. Trong phần thảo luận, tác giả phải giải thích, hay đề nghị một mô hình giải thích, tại sao những dữ kiện thu thập được có xu hướng đã quan sát trong cuộc nghiên cứu. Nếu không giải thích được thì nhà nghiên cứu phải thành thật nói y như thế: không biết. Tác giả còn phải so sánh với kết quả của những nghiên cứu trước và giải thích tại sao chúng (những kết quả) khác nhau, hay tại sao chúng lại giống nhau, và ý nghĩa của chúng là gì. Ngoài ra, nhà nghiên cứu còn phải có trách nhiệm tự mình vạch ra những thiếu sót, những trắc trở, khó khăn trong cuộc nghiên cứu, cùng những ưu điểm của cuộc nghiên cứu, cũng như đưa ra các giải pháp khắc phục hay những đề xuất hướng nghiên cứu trong tương lai. Sơ đồ 2 sau đây có thể dùng để làm dàn bài để viết phần thảo luận.
Sơ đồ cho phần thảo luận
Câu hỏi cần phải trả lời Nội dung
Phát hiện chính là gì? Phát biểu những phát hiện chính; đặt những phát hiện này vào bối cảnh của các nghiên cứu trước đây.
Kết quả có nhất quán (consistent) với nghiên cứu trước?
Giải thích tại sao không nhất quán. Có phải do vấn đề địa phương, bệnh nhân, chẩn đoán, đo lường, phân tích, v.v… Phải suy nghĩ và giải thích.
Giải thích tại sao có kết quả như trong nghiên cứu, mối liên hệ đó có phù hợp với giả thuyết?
Đây là đoạn văn khó nhất, vì tác giả phải suy nghĩ, vận dụng kiến thức hiện hành, và tìm mô hình để giải thích kết quả nghiên cứu của mình. Nếu kết quả là một mối tương quan (như gien và bệnh), phải thuyết phục người đọc rằng mối tương quan này không phải ngẫu nhiên, mà có cơ chế sinh học. Bàn về cơ chế của mối liên hệ một cách thuyết phục bằng cách sử dụng các nghiên cứu trước hay đề ra giả thuyết mới.
Ý nghĩa của kết quả nghiên cứu là gì?
Đây là phần “generalization”, khái quát hóa. Đặt kết quả của nghiên cứu vào bối cảnh lớn hơn, và so sánh với các nghiên cứu trước đây. Suy luận về cơ chế (nhưng không nên quá lời hay quá xa xỉ trong khi suy luận, mà phải nằm trong khuôn khổ của dữ kiện thật).
Phát hiện đó có khả năng sai lầm không? Điểm mạnh và khiếm khuyết của nghiên cứu là gì?
Xem xét những yếu tố sau đây: thiếu khách quan trong đo lường và thu thập số liệu? Số lượng đối tượng ít? Cách chọn mẫu có vấn đề? Các yếu tố khác chưa xem xét đến? Phân tích chưa đầy đủ? Chưa điều chỉnh cho các yếu tố phụ? V.v…
Kết luận có phù hợp với dữ kiện hay không?
Kết luận phải rõ ràng, nhưng không nên đi ra ngoài khuôn khổ của dữ kiện. Chẳng hạn như nếu kết quả cho thấy hút thuốc lá làm tăng ung thư phổi, tác giả không nên kết luận rằng ngưng hút thuốc lá sẽ giảm ung thư phổi.
1. Mở đầu phần bàn luận bằng cách tóm tắt bối cảnh, giả thuyết, mục tiêu và phát hiện chính của nghiên cứu. Đây thực chất là một đoạn văn tóm tắt những ý chính trong phần dẫn nhập và kết quả để một lần nữa nhấn mạnh rằng giả thuyết của tác giả đã được “minh chứng”. Người đọc cảm thấy dễ theo dõi khi những kết quả chính được tóm lược trong phần mở đầu của bàn luận. Do đó, tác giả cần phải viết ra kết quả bằng con số (có thể lặp lại ở phần kết quả) để nhấn mạnh. Chú ý rằng, một bài báo khoa học đôi khi cũng cần “điệp khúc” để nhấn mạnh, nhưng đừng có quá nhiều điệp khúc như nhạc vì sẽ gây phản cảm.
Ví dụ: Đoạn sau đây mở đầu bằng câu văn nói về lí do nghiên cứu, kế đến là câu văn mô tả kết quả chính, và nhấn mạnh đến cái mới của kết quả: "There has been little doubt that BMD measured at various sites is one of the best measureable determinants of fracture risk [28- 30]. BMD is, in turn, regulated by genetic, hormonal, dietary and mechanical factors. The present study addressed a small part of this complex system by using the classical twin design. It was found that (i) both lean mass and fat mass were associated with areal BMD; however, fat mass alone appeared to have an independent effect on BMD/height ratios and volumetric BMD; (ii) both lean mass and fat mass as well as BMD were under strong genetic influence and (iii) the association between fat mass (and lean mass) and BMD were mainly mediated through environmental influences."
2. So sánh kết quả của nghiên cứu với các nghiên cứu trước. Trong đoạn văn này, ngoài so sánh, tác giả còn phải có trách nhiệm phải giải thích tại sao kết quả của nghiên cứu khác (hay không nhất quán) với nghiên cứu trước. Khi bàn luận về kết quả nghiên cứu trước, nếu cần, tác giả có thể trích dẫn con số cụ thể và giải thích kết quả đó có thật sự nằm trong sự kì vọng chung của vấn đề. Khi xem xét đến các yếu tố có thể giải thích sự khác biệt giữa các kết quả nghiên cứu, cần chú ý đến những khác biệt về quần thể nghiên cứu (tuổi, giới tính, đặc tính lâm sàng …), điều kiện địa phương, phương pháp đo lường, phương pháp phân tích, v.v… Nếu không thể giải thích tại sao có sự khác biệt, tác giả có thể thành thật nói như thế: không biết!
Ví dụ: "This study confirms the familial influence on bone density with estimates of
heritability for the lumbar spine, femoral neck and total body BMD of 78%, 76% and 79%, respectively, comparable with previous estimates [12-16]. However, the present study also indicates that a common source of genetic and ... ."
3. Giải thích kết quả và cơ chế của những mối liên hệ phát hiện trong nghiên cứu. Trong phần này, tác giải phải giải thích những kết quả có thể giải thích bằng kiến thức hiện hành. Trong đoạn văn này, tác giả có thể trích dẫn các nghiên cứu khác và hệ thống hóa thông tin để giải thích kết quả của nghiên cứu mình. Tác giả có thể đề ra giả thuyết mới để giải thích. Chẳng hạn như nếu nghiên cứu phát hiện ảnh hưởng của thuốc bisphosphonates và ung thư vú, thì tác giả phải tìm những thông tin nghiên cứu trước về cơ chế của mối liên hệ. Có thể nói rằng đây cũng là đoạn văn khó viết nhất, vì phải hệ thống hóa nhiều kiến thức hiện hành mà không đi ra ngoài phạm vi của nghiên cứu.
nghiên cứu so sánh tác hại của 2 thuốc rosiglitazone và pioglitazone đến bệnh tim mạch. Các tác giả giải thích tại sao sao thuốc rosiglitazone gây tác hại cao hơn thuốc pioglitazone. Thật ra, họ không giải thích được, nhưng họ đề nghị giả thuyết để giải thích:
“The potential mechanism(s) for cardiovascular (CV) harm from rosiglitazone use (and the differences from pioglitazone use) remains to be elucidated, but there are several
reasonable hypotheses. Rosiglitazone therapy increased low-density lipoprotein cholesterol (LDL-C) levels as much as 23% in trials, leading to approval.21 Current FDA guidelines consider a drug that lowers LDL-C levels by at least 15% “approvable” for presumed CV benefits. Although the FDA has not established a level of increase in LDL-C that is
presumed to cause harm, a drug that increases LDL-C levels would reasonably be expected to increase CV adverse events. Interestingly, the lipid effects of the 2 marketed
thiazolidinediones, pioglitazone and rosiglitazone, are markedly different.”
4. Khái quát hóa kết quả nghiên cứu và giải thích ý nghĩa của kết quả. Trong đoạn văn này, tác giả cần phải bàn về khả năng mà những phát hiện của nghiên cứu có thể áp dụng cho một quần thể khác hay không. Nếu áp dụng cho quần thể khác, thì phải dựa vào giả định (assumptions) nào. Nếu là nghiên cứu về tiên lượng và chẩn đoán, tác giả có thể bàn về giá trị kinh tế và lâm sàng của phương pháp chẩn đoán.
Ví dụ: Đoạn văn sau đây cố gắng thuyết phục tại sao mối liên hệ giữa vitamin D và TB là quan trọng và có ý nghĩa lâm sàng: “The finding of high prevalence of vitamin D insufficiency in TB patients has a number of clinical implications. Vitamin D in the form of cod liver oil and sunlight exposure was once a therapy for tuberculosis prior to the Robert Koch’s discovery of the etiology of this disease. The association between vitamin D insufficiency and the risk of tuberculosis suggests that supplementation of vitamin D may help prevent and reduce the severity of tuberculosis. Indeed, a recent randomized controlled trial has shown that the severity of TB at the end of treatment was less for patients with normal vitamin D status at baseline than for those with vitamin D insufficiency, without adverse effects. However, the vitamin D dose used in the intervention (100,000 IU) is probably too low to warrant a clinical effect. These results taken together suggest that low vitamin D status in TB patients, whether cause or effect, might be an important determinant of treatment outcome and comorbidities.”
5. Bàn luận về điểm mạnh và điểm yếu của công trình nghiên cứu. Trong nghiên cứu khoa học, bên cạnh thành công, lúc nào cũng có hạn chế. Một trong những lí do mà người bình duyệt và chủ biên tập san từ chối bài báo là do tác giả không chịu bàn luận về những điểm mạnh và hạn chế của công trình nghiên cứu. Do đó, trong đoạn văn này, tác giải cố gắng suy nghĩ ra những lợi điểm và khuyết điểm của nghiên cứu mình. Những điểm này (cả mạnh và yếu) có thể là cách thiết kế, quần thể nghiên cứu, bệnh nhân, cách đo lường, phương pháp phần tích, v.v… Chẳng hạn như nếu nghiên cứu làm ở quần thể người Việt, thì “điểm yếu” có thể là kết quả này không thể khái quát hóa cho các quần thể người da trắng. Cố nhiên, những kết quả không như dự đoán cũng bên được bàn luận đến nơi đến chốn. Mở đầu đoạn văn này bằng một câu như "The
present findings must be interpreted in the context of a number of potential limitations. The data were obtained from a Caucasian population in Sydney, among whom, cultural
backgrounds and ... ." Chú ý là tác giả dùng chữ “potential limitations”!
Thỉnh thoảng, tác giả có thể dùng kĩ thuật tranh luận “người rơm” (straw man argument). Kĩ thuật này có thể nôm nà mô tả như sau: dựng nên một hình nộm bằng rơm, rồi phê bình hình nộm đó để chứng minh rằng nghiên cứu mình không có vấn đề. Ví dụ: trong đoạn văn sau đây, tác giả đặt ra một vấn đề (mà thật ra không quan trọng) để làm như quan trọng! “A limitation of this study was that we could not measure vitamin D2 (ergocalciferol) and 1,25D in this study; however, the occurrence of this vitamin D (less than 10% of sera) seems not to be a major problem.” Đoạn đầu, tác giả dựng nên “hình nộm” 1,25D, rồi ngay sau đó đánh đổ hình nộm đó bằng cách lí giải rằng không có vấn đề gì cả! Cách bàn luận này chứng tỏ cho người đọc, người bình duyệt thấy rằng tác giả đã suy nghĩ trước mọi tình huống có thể xảy ra, đã xem xét hết những vấn đề có thể ảnh hưởng đến nghiên cứu, nhưng … chẳng có vấn đề nào cả. Cách viết như thế cũng chứng tỏ tác giả suy nghĩ đến kết quả của mình một cách nghiêm chỉnh, và có tính toán đến cách diễn giải khác. Chú ý, để có kĩ thuật này, tác giả phải cẩn thận, chứ nếu không thì dễ gây ra phản tác dụng.
6. Sau cùng là một đoạn văn kết luận, gọi là "big" bottom line. Đây cũng có thể là đoạn văn khó viết nhất vì nó phải mang tính cô động (chỉ vài mươi từ thôi), mà phải chuyển tải được kết quả và ý nghĩa của nghiên cứu. Tôi thường hay nói đùa rằng phải viết làm sao mà khi người ta đọc xong đoạn văn này, ban đêm về ngủ nằm để tay lên trán, họ vẫn nhớ đến công trình nghiên cứu của mình! Tiếng Anh gọi đây là "take home message," tức là thông điệp mà tác giả muốn chuyển tải đến người đọc.
Vì dụ về đoạn văn kết luận: "In conclusion, these data indicate that the clinically relevant association between volumetric BMD and body composition is mediated only through fat mass. Furthermore, lean mass and fat mass, as with .... These data also suggest that
modulation of environmental factors could translate to clinically relevant changes in BMD and presumably fracture risk." Chú ý đoạn văn này có 2 câu: câu đầu (“in conclusion”) tóm lược kết quả, và câu hai (“these data suggest”) có nội dung diễn giải kết quả.
Trong đoạn văn quan trọng này, cố tránh cách viết vô duyên (nhưng rất phổ biến trong các tập san y khoa) như "Further research is needed", vì câu văn này chẳng những thừa, mà còn chẳng có ý nghĩa gì. Đương nhiên là trong khoa học, một nghiên cứu sao khi hoàn tất đều mở ra một cánh cửa mới, một ý tưởng mới, cho nên chắc chắn sẽ có thêm nghiên cứu. Câu văn như thế còn cho thấy tác giả chưa đầu tư thì giờ suy nghĩ đến nơi đến chốn mình muốn nói điều gì!
Một trong những cách viết cũng có thể làm người đọc “bực mình” là cách viết quá bất định trong phần kết luận, như "This seems to suggest ..." (chú ý chữ “seem”) vì nó cho thấy tác giả không chắc chắn về ý nghĩa của nghiên cứu mình. Nếu tác giả không chắc chắn thì tác giả đã làm phí thì giờ người đọc! Một kết quả có nhiều cách diễn giải, và người đọc muốn biết theo quan điểm của tác giả, cách diễn giả là gì, chứ không phải “seem” (dường như là)!
Cảm tạ (Acknowledgments). Thông thường ngay sau phần bàn luận là phần nhỏ để tác giả viết vài dòng cảm tạ. Cảm tạ những đồng nghiệp đã giúp đỡ cho công trình nghiên cứu, nhưng họ không đủ tiêu chuẩn để đứng tên tác giả. Cảm tạ những cơ quan đã tài trợ cho nghiên cứu, hay nhà hảo
tâm giúp đỡ tiền bạc cho tác giả trong quá trình làm việc.
Mấy năm gần đây, một số tập san yêu cầu tác giả phải có sự đồng ý của người được cảm tạ. Sở dĩ có trường hợp này là vì trong quá khứ có tác giả lợi dụng phần này để trưng bày những cái tên lớn trong ngành nhằm tăng giá trị khoa học của bài báo (và một phần nhằm ngầm thuyết phục người bình duyệt rằng “bài báo của chúng tôi có sự ủng hộ của tổ sư”), nhưng các nhân vật được trưng bày không hế biết!