3.3.1 Các nhân tố chính:
Theo nghiên cứu, cuộc chiến tiền tệ giai đoạn hiện nay được châm ngòi từ ba nhân tố. Thứ nhất là việc Trung Quốc không sẵn lòng để cho Nhân dân tệ tăng giá nhanh hơn, khiến cho Chính phủ các nước Mỹ và châu Âu phải lên tiếng chỉ trích về việc định giá thấp đồng Nhân dân tệ. Trên thực tế, việc định giá thấp này sẽ không chỉ ảnh hưởng tới nền kinh tế phương Tây mà cả các nền kinh tế mới nổi, nhất là những nước thực hiện chính sách tỷ giá thả nổi. Đề tài Nhân dân tệ trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết tại Quốc hội Mỹ và buộc Hạ viện nước này phải thông qua một dự luật cho phép các công ty trong nước được hưởng quyền bảo hộ trong quan hệ mậu dịch với các nước định giá tiền tệ thấp, nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Thứ hai là chính sách tiền tệ của các nước phát triển, đặc biệt là triển vọng các Ngân hàng Trung ương có thể sớm tái khởi động việc in tiền để mua trái phiếu chính phủ. Đôla Mỹ giảm giá đáng kể do thị trường tài chính đặt nhiều kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng cường hành động và đưa ra nhiều biện pháp cấp bách hơn đối với nền kinh tế nước này. Trong khi đó, đồng Euro lại tăng giá do giới chức Ngân hàng Trung ương Châu Âu chần chừ trong việc bơm tiền. Ngược lại, theo quan điểm của Trung Quốc, cũng như nhiều nền kinh tế mới nổi khác, chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ tạo thặng dư tăng trưởng cho kinh tế toàn cầu vì nó kích thích giới đầu tư đổ vốn nhiều hơn vào các nền kinh tế mới nổi nhằm thỏa mãn tỷ suất sinh lợi kỳ vọng cao.
Thứ ba là hầu hết các nước đang phát triển chưa phản ứng kịp với sự di chuyển ồ ạt các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào trong nước. Chính quyền nhiều nước đã chọn lựa việc can thiệp bằng cách mua ngoại tệ hay áp thuế lên dòng vốn nước ngoài hơn là để cho tỷ giá hối đoái tăng. Gần đây, Thái Lan thông báo áp mức thuế 15% đánh trên thu nhập từ trái phiếu mà cổ đông là các nhà đầu tư nước ngoài chuyển qua biên giới. Ba nhân tố trên, cùng với một loạt nhân tố khác như sự phân hóa về chính sách kinh tế, sức tăng trưởng chậm, các biện pháp tài khóa hà khắc, các biện pháp bảo hộ mậu dịch,… càng tăng cao nguy cơ xảy ra một cuộc chiến “không tuyên mà chiến” hơn bao giờ hết.
TCNHĐ2_N0 NGUY CƠ BÙNG NỔ CHIẾN TRANH TIỀN TỆ GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
3.3.2 Một số giải pháp đề xuất:
Để tránh nguy cơ chiến tranh tiền tệ và sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, theo các nhà kinh tế, cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các chính phủ và các cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, những vấn đề lãi suất, tỷ giá phải được điều phối sao cho vừa phục vụ tốt nhất lợi ích của các quốc gia riêng rẽ vừa không gây thiệt hại cho các nền kinh tế khác.
Thúc đẩy hình thành một hệ thống mới nhằm điều phối tiền tệ toàn cầu, giống như cách mà các nước phát triển đã làm những năm 1970, trước khi công cuộc toàn cầu hóa bắt đầu. Tuy nhiên, triển vọng thực hiện chưa thực sự lạc quan khi các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc vẫn đang bị áp lực chính trị phải phục hồi kinh tế (Mỹ) hay duy trì tăng trưởng cao (Trung Quốc) bằng cách thực hiện các chính sách tiền tệ cục bộ như hiện nay. Và dĩ nhiên khi mỗi quốc gia chỉ nhắm bảo vệ lợi ích riêng tư thì lợi ích chung của thế giới bị kiệt quệ và cùng với nó là lợi ích riêng tư của mọi người.
Phải có một giải pháp đa phương, trong đó những định chế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế hay nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G-20) cần thúc đẩy sự đồng thuận giữa các nền kinh tế lớn, thúc đẩy sự tham gia của các quốc gia mới nổi bị ảnh hưởng bởi chính sách tỷ giá của các nước phá giá nội tệ, ví dụ như Brazil và một số nước khác đã bắt đầu lên tiếng. Những sự kiện như Hội nghị cấp cao G20 nên được tận dụng như một cơ hội để làm sáng tỏ cuộc tranh cãi về tỷ giá và gia tăng áp lực đối với quốc gia phá giá nội tệ.
Tóm lại, với xu thế hội nhập tài chính quốc tế như hiện nay, nền kinh tế riêng rẽ của các quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhau nhưng mỗi quốc gia lại hành động vì lợi ích cục bộ, điều này về lâu dài rất dễ xảy ra mâu thuẫn và một cuộc chiến tranh tiền tệ như những năm 1930 hay các cuộc tấn công tiền tệ những năm 1985, 1997 sẽ quay trở lại là điều khó có thể tránh khỏi. Hơn thế nữa, với hoạt động tài chính ngày càng tinh vi, sản phẩm tài chính ngày càng đa dạng thì hậu quả do các cuộc chiến tranh tiền tệ để lại chắc chắn sẽ còn nghiêm trọng hơn so với trước đây, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế toàn cầu. Do đó, Chính phủ các nước cần nhận thức rõ nguy cơ và hậu quả của cuộc chiến tranh tiền tệ giai đoạn hiện nay để có những hành động thích hợp trên thương trường quốc tế, đảm bảo lợi ích hợp lý cho tất cả các quốc gia tham gia mậu dịch toàn cầu.
TCNHĐ2_N0 NGUY CƠ BÙNG NỔ CHIẾN TRANH TIỀN TỆ GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Trang tin điện tử của IMF, Word Bank;
- Thời báo Kinh tế Sài Gòn năm 2013;
- Tạp chí tài chính thế giới World Journal;
- Một số bài nghiên cứu thuộc nhóm bài ssrn;
- Thời báo Ngân hàng, các bài có liên quan năm 2013;