Theo Chế độ Kế toán Việt Nam đồng tiền sử dụng cho hạch toán kế toán là tiền đồng (VNĐ). Tuy nhiên, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được phép lựa chọn một loại ngoại tệ để hạch toán kế toán và soạn lập Báo cáo tài chính (“BCTC”) nếu đáp ứng một số tiêu chí nhất định được quy định trong Thông tư 244/2009/TT-BTC được ban hành bởi Bộ Tài chính (“BTC”). Hạch toán kế toán phải bằng tiếng Việt, mặc dù một ngoại ngữ thông dụng có thể được sử dụng đồng thời với tiếng Việt. Vào cuối năm tài chính, doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê tài sản cố định, tiền mặt và hàng tồn kho.
Các công ty hoạt động ở Việt Nam phải tuân thủ Chế độ kế toán Việt Nam (“CĐKT VN”). Các công ty có thể không phải hoàn toàn tuân thủ đúng theo CĐKT VN nhưng phải được sự chấp thuận của Bộ Tài chính. Cơ quan thuế sử dụng việc không tuân thủ đúng CĐKT VN làm cơ chế để thu thêm thuế và sẽ xử phạt, ví dụ như không cho doanh nghiệp hưởng các ưu đãi thuế TNDN, không cho phép tính các chi phí được trừ để tính thuế TNDN, không cho phép khấu trừ thuế GTGT đầu vào/hoàn thuế GTGT, v.v...
BCTC hàng năm của tất cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải được một công ty kiểm toán độc lập hoạt động tại Việt Nam kiểm toán. Việc kiểm toán phải được hoàn tất trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Doanh nghiệp phải nộp BCTC đã được kiểm toán cho cơ quan cấp giấy phép, BTC, Cơ quan thuế địa phương, Cục Thống kê, và các cơ quan khác theo yêu cầu của pháp luật.
Việt Nam đã ban hành 26 chuẩn mực kế toán và 37 chuẩn mực kiểm toán, về cơ bản là dựa trên các chuẩn mực quốc tế nhưng có sửa đổi cho phù hợp với Việt Nam.
37