0
Tải bản đầy đủ (.doc) (67 trang)

Nhóm giải pháp tổ chức thực hiện của chính quyền Tỉnh 1 Tổ chức quản lí và thực hiện qui hoạch

Một phần của tài liệu ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NGÀNH DU LỊCH TỈNH NINH BÌNH. THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP.DOC (Trang 51 -56 )

III. Nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển du lịch Ninh Bình

3. Nhóm giải pháp tổ chức thực hiện của chính quyền Tỉnh 1 Tổ chức quản lí và thực hiện qui hoạch

3.1. Tổ chức quản lí và thực hiện qui hoạch

3.1.1. Công tác tổ chức quản lí qui hoạch

- Kiện toàn bộ máy của Sở Du lịch Ninh Bình để tăng cường hiệu lực quản lí Nhà nước đối với mọi hoạt động du lịch, bao gồm cả công tác tư vấn giúp UBND các cấp xét duyệt các dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

- Thành lập hội đồng “ Xúc tiến phát triển du lịch” tỉnh Ninh Bình để quản lý, tổ chức và thực hiện qui hoạch du lịch trên địa bàn các địa phương trong tỉnh phù hợp với qui hoạch tổng thể phát triển du lịch thời kì 2007 – 2015 và định hướng đến 2020 được UBND tỉnh phê duyệt.

Đây là một trong những định hướng đầu tư quan trọng để tạo ra những điều kiện thuận lợi cho công tác đầu tư phát triển ở địa phương, đặc biệt là các khu vực ưu tiên đầu tư phát triển du lịch của Ninh Bình. Ngoài ra, việc thành lập trung tâm sẽ cho phép quản lí có hiệu quả hơn các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực du lịch.

Trung tâm này được thành lập trên cơ sở nòng cốt của phòng nghiệp vụ quản lí du lịch, có tư cách pháp nhân trong hoạt động và trực thuộc sự quản lí của Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Ninh Bình.

3.1.2. Công tác thực hiện qui hoạch

- Tiến hành việc xác định ranh giới qui hoạch du lịch trên địa bàn các trọng điểm (cụm) du lịch đã được xác định, sau khi đã có sự bàn bạc thống nhất với Cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh về quản lí qui hoạch.

- UBND tỉnh chỉ đạo các chính quyền cấp huyện, xã thực hiện quản lí chặt chẽ lãnh thổ được qui hoạch. Trước mắt nghiêm cấm việc xây mới hoặc cơi nới cải tạo các công trình trên phạm vi lãnh thổ được qui hoạch để phát triển du lịch.

- UBND chỉ đạo và có biện pháp thích hợp để chấm dứt tình trạng “ chia ô” trong đầu tư xây dựng các khu du lịch đã được xác định, đặc biệt đối với các khu mới phát triển như Tràng An, Vân Long.

Cần tập trung đầu tư hoàn chỉnh khu du lịch quốc gia Tam Cốc – Bích Động trong mối quan hệ chặt chẽ với Hoa Lư và Tràng An tạo thành một quần thể du lịch có khả năng cạnh tranh không chỉ trong nước mà còn trong khu vực

Có sự chỉ đạo để phát triển khu du lịch sinh thái Vân Long ngang tầm với tiềm năng giá trị theo hướng trở thành khu du lịch sinh thái cấp quốc gia, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao.

- Nhanh chóng thiết lập mối quan hệ mật thiết về hoạt động du lịch giữa các địa phương trong tỉnh, qua đó sẽ tạo được những sản phẩm du lịch mới có sức hấp dẫn lớn đối với du khách, tạo ra sức thúc đẩy tương hỗ nhằm phát triển du lịch các trọng điểm du lịch nói riêng và toàn tỉnh Ninh Bình nói chung.

- UBND tỉnh chỉ đạo sắp xếp lại các doanh nghiệp du lịch theo hướng chuyên môn hóa (khách sạn, lữ hành, vận chuyển…) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh.

- Xây dựng những dự án có khả năng thực thi cao nhằm bảo vệ, tôn tạo và khai thác có hiệu quả các tiềm năng du lịch của Ninh Bình. Sớm hình thành các cụm du lịch và tuyến du lịch với nhiều loại hình, sản phẩm du lịch đặc sắc và hấp dẫn, mang bản sắc riêng của Ninh Bình.

- Thường xuyên mở lớp nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ du lịch của địa phương, đặc biệt là đội ngũ lao động ở các trọng điểm du lịch. Chú trọng việc đào tạo nghiệp vụ và khả năng giao tiếp cho cộng đồng tham gia vào các hoạt động dịch vụ tạo các khu du lịch.

- Có chính sách đầu tư thỏa đáng từ ngân sách địa phương kết hợp với sự hỗ trợ của ngân sách trung ương nhằm hoàn thiện việc nâng cấp và xây mới cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội. Cần có sự quan tâm đặc biệt đối với việc nâng cấp giao thông nối các điểm khu vực Tam Điệp và đường nối TP. Ninh Bình với huyện Kim Sơn.

3.2. Quản lí về cơ cấu đầu tư

Trong các điều kiện phát triển hiện nay ở Ninh Bình, đầu tư phát triển là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để phát triển du lịch, một ngành kinh tế quan trọng với tiềm năng to lớn. Tuy nhiên phải đầu tư như thế nào để có hiệu quả nhất là một vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu kĩ lưỡng, căn cứ vào đặc thù và nhu cầu phát triển của ngành, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh theo định hướng được xác định trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để từng bước vươn lên hội nhập với trào lưu phát triển du lịch chung của vùng và du lịch cả nước.

Đầu tư phát triển du lịch là một hướng đầu tư có hiệu quả không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt xã hội. Tuy nhiên do đặc thù riêng của ngành cũng như trong điều kiện cụ thể của du lich tỉnh Ninh Bình và cơ cấu đầu tư phát triển du lịch ở Ninh Bình bao gồm những nội dung sau:

- Đầu tư xây dựng các khu du lịch: Đây là một hướng đầu tư hết sức quan trọng tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động phát triển du lịch. Cần tập trung đầu tư xây dựng phát triển các khu du lịch có ý nghĩa quốc gia và quốc tế.

- Đầu tư phát triển hệ thống khách sạn và các công trình dịch vụ du lịch: Trong xu thế du lịch Việt Nam hội nhập với du lịch khu vực và thế giới thì các tiêu chuẩn về dịch vụ khách du lịch phải được nâng cao phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Chính vì vậy việc đầu tư nâng cấp và xây mới hệ thống khách sạn và các công trình dịch vụ như tổ hợp thể thao, khu hội chợ, hội nghị, hội thảo, các nhà hàng là hết sức quan trọng. Cần ưu tiên xem xét các dự án đầu tư khách sạn cao cấp thương mại ở những đô thị lớn, trung tâm du lịch quan trọng trong đó có TP.Ninh Bình và các khu du lịch có ý nghĩa quốc gia, quốc tế.

- Đầu tư phát triển hệ thống các công trình vui chơi giải trí: Sự hạn chế của du lịch Ninh Bình là sự nghèo nàn của hệ thống các công trình vui chơi giải trí. Điều này làm giảm đáng kể thời gian lưu trú của khách và hiệu quả kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. - Đầu tư bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa và phát triển các lễ hội truyền thống phục vụ du lịch.

- Đầu tư cho công tác đào tạo nâng cao trình độ quản lí và nghiệp vụ du lịch của đội ngũ cán bộ và lao động trong ngành du lịch.

3.3. Giải pháp về vốn

٭ Huy động vốn từ nguồn tích lũy trong tỉnh: với tỉ lệ 25% GDP du lịch. Như vậy khả năng đáp ứng nhu cầu vốn cần thiết là khoảng 60%. Đây thực sự là giải pháp tích cực về vốn, mở ra một khả năng cho phép ngành du lịch của tỉnh chủ động phối hợp cùng với các ngành chức năng xây dựng các kế hoạch phát triển cụ thể trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển du lịch được duyệt.

٭ Vay ngân hàng: với tỉ lệ lãi xuất ưu đãi nhằm khuyến khích các doanh nghiệp du lịch sử dụng vốn này vào việc đầu tư tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng. Bên cạnh đó phải cải thiện các thủ tục cho vay bảo đảm rút ngắn thời gian xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các hạng mục công trình dịch vụ.

٭ Vay từ các nguồn vốn ODA: Các nhà tài trợ chủ yếu của nguồn vốn này là Nhật Bản, Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á. Dự kiến nguồn vốn này có thể đáp ứng khoảng 25% nguồn vốn còn thiếu sau khi đã có số vốn tích lũy đầu tư từ GDP ngành du lịch tỉnh.

٭ Thu hút vốn đầu tư trong nước: bằng việc tăng cường liên doanh trong nước trên cơ sở Luật đầu tư để xây dựng khách sạn, nhà hàng, mua sắm các phương tiện vận chuyển… thông qua các dự án đầu tư. Đây được coi là nguồn vốn ưu tiên, dự kiến số vốn có thể thu hút được chiếm khoảng 30% số vốn còn thiếu sau khi đã có số vốn tích lũy đầu tư từ GDP ngành du lịch tỉnh.

٭ Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài: Cần hướng đầu tư nước ngoài vào các dự án lớn như xây dựng khách sạn cao cấp qui mô lớn ở các trọng điểm du lịch của tỉnh, phát triển các khu du lịch có ý nghĩa quốc gia và quốc tế, các cơ sở vui chơi giải trí hiện đại lớn,… Dự kiến số vốn từ nguồn này có thể đạt tới 25% số vốn còn thiếu.

٭ Tạo nguồn vốn: Giải pháp này thực sự có ý nghĩa khi hiện nay nước ta còn có sự hạn chế các nguồn vốn cơ bản. Cụ thể:

- Cổ phần hóa một số khách sạn, các cơ sở dịch vụ của Nhà nước hoạt động kém hiệu quả.

- Dùng quĩ đất để tạo nguồn vốn thông qua hình thức cho thuê đất trả tiền trước, đổi lấy cơ sở hạ tầng có giới hạn thời gian,…

٭ Vốn ngân sách Nhà nước: Tập trung vốn ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát triển du lịch vào các công tác cơ bản sau:

- Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng

- Bảo vệ và tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng. Cần tập trung ưu tiên đầu tư đối với các di tích đặc biệt quan trọng có ý nghĩa quốc gia và quốc tế, các làng nghề truyền thống và đặc trưng.

- Đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch, chú trọng đối với việc nâng cao trình độ nghiệp vụ nghề, góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng sản phẩm du lịch.

- Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, tuyên truyền quảng cáo du lịch.

- Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nội bộ tại các khu du lịch lớn có ý nghĩa quốc gia và quốc tế.

3.4. Giải pháp về cơ chế chính sách

- Cơ chế chính sách về thuế: phải phù hợp đặc thù địa phương trong đó có sự ưu tiên, miễn giảm thuế, không thu thuế có giới hạn nhằm thay đổi cơ cấu đầu tư vào các khu vực còn hoang sơ, đặc biệt là Kim Sơn, Tam Điệp, các hình thức và kinh doanh du lịch mới mẻ có khả năng tăng thời gian lưu trú của khách, tăng vốn đầu tư, hấp dẫn với cộng đồng dân cư.

- Cơ chế và chính sách đầu tư: Cần có chính sách khuyến khích đảm bảo an toàn về vốn cho người đầu tư và đơn giản hóa các thủ tục hành chính để thu hút được các nhà đầu tư. Đảm bảo sự công bằng và điều hòa quyền lợi trong quá trình đầu tư khai thác kinh doanh giữa các chủ đầu tư, chủ thể quản lí lãnh thổ hành chính, chủ thể có quyền sử dụng tài nguyên du lịch, tài nguyên đất, rừng… và cộng đồng dân cư địa phương đảm bảo được sự thống nhất về quản lí khai thác tài nguyên theo qui hoạch du lịch đã được phê duyệt.

Một phần của tài liệu ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NGÀNH DU LỊCH TỈNH NINH BÌNH. THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP.DOC (Trang 51 -56 )

×