VIỆC THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC HƯỚNG VỀ XUẤT KHẨU.
1. Những thành tựu.
Không còn nghi ngờ gì nữa nền kinh tế Việt Nam đã ra khỏi khủng hoảng. Hội nghị lần thứ 9 của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã khẳng định như vậy 3. Đó là do Việt Nam đã kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, sức mạnh của sự hợp tác liên kết trong xu thế và cục diện chung quốc tế hoá và toàn cầu hoá kinh tế. Đây là yếu tố rất quan trọng không thể thiếu được để Việt Nam tiến lên trên con đường phát triển.
Giờ đây nền kinh tế Việt Nam đang bước vào lằn ranh của đường băng cất cánh. Như một phi thuyền đã sẵn sàng trên bộ phóng và khẩu lệnh xuất phát đang điểm những giây cuối cùng 3-2-1...
Những nguồn lực để nâng tàu cất cánh đã được chuẩn bị từ nhiều năm qua, đặc biệt là trong chiến lược hướng về xuất khẩu được thực hiện gần đây:
* Tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong 2 năm (1996-1997) tăng bình quân trên 9% năm. Nhiều ngành, nhiều lĩnh vực hoạt động sản xuất - kinh doanh tiếp tục đạt được những tiến bộ đáng kể cùng với tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế đã thay đổi theo hướng tiến bộ, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP. Cơ cấu công nghệ- kỹ thuật trong các ngành kinh tế đã có những biến chuyển quan trọng, một số công nghệ tiên tiến đang được ứng dụng và triển khai như công nghệ thông tin, điện tử, tin học... Nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện tăng bình quân 5% diện tích và sản lượng một số cây công nghiệp như chè, cà phê, cao su, hạt điều, rau quả... đều tăng khá. Đánh bắt và nuôi trồng thuỷ hải sản phát triển, sản lượng đánh bắt hàng năm khoảng 1,4 triệu tấn.
Một số lĩnh vực công nghiệp đã được đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị, bước đầu khắc phục được tình trạng yếu kém, lạc hậu về công nghệ, đang ổn định và phát triển nhanh như công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản, may mặc. Những sản phẩm công nghiệp quan trọng của nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao như dầu thô, xi măng, than...
Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng bình quân năm 1996-1997 vào khoảng 9%, trong đó đặc biệt là các ngành dịch vụ như thương mại vận tải, bưu điện... đã tăng khá, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển.
* Xuất khẩu tăng nhanh đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu, thị trường được củng cố và mở rộng, mặt hàng xuất khẩu đa dạng và chất lượng được nâng cao hơn, chênh lệch xuất nhập khẩu đã được khép lại dần.
Kim ngạch xuất khẩu 2 năm 1996-1997 đạt 16,25 tỷ USD tăng bình quân 28,4%/năm, trong đó hàng nông lâm, thuỷ sản đạt 6,76 tỷ USD, hàng công nghiệp nhẹ đạt 5,65 tỷ USD, hàng công nghiệp nặng và khoáng sản đạt 3,9 tỷ USD.
Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng khá như dầu thô, than đá, hàng dệt may, dày dép, gạo, chè, cà phê, cao su... xuất khẩu bình quân đầu người đạt đến 117USD.
Chênh lệch xuất nhập khẩu từng bước được khép lại, năm 1996 mức nhập siêu chiếm 53,6% kim ngạch xuất khẩu và 16,6% GDP, năm 1997 chỉ chiếm khoảng 27,8% kim ngạch xuất khẩu và 9,7% GDP.
* Đầu tư phát triển 2 năm 1996-1997 trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân ước thực hiện 14-15tỷ USD bằng 34-35% mức kế hoạch 5 năm 1996-2000, bình quân một năm tăng gần gấp đôi mức bình quân của 5 năm trước, hướng sử dụng vốn nhìn chung phù hợp với mục tiêu của kế hoạch, nhiều khu chế xuất được xây dựng và đã đi vào hoạt động.
* Các hoạt động giáo dục đào tạo, văn hoá, y tế xã hội... đều có bước tiến mới, song song với sự phát triển kinh tế, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, sự ổn định chính trị trật tự an toàn xã hội được giữ vững, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Hai năm qua có thêm 2,6 triệu lao động được giải quyết việc làm đời sống của các tầng lớp nhân dân ở các vùng đều có được cải thiện, số hộ nghèo giảm, nhiều địa phương đã thanh toán được nạn đói. Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ
em. Các hoạt động bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ, thể dục, thể thao có bước phát triển.
* Về chính sách thị trường. Ta đã chuyển từ việc chia thị trường thanh hai khu vực XHCN và TBCN sang phân chia thị trường thế giới thành nhiều khu vực theo địa lý, theo trình độ phát triển kinh tế với các mức độ thâm nhập thị trường khác nhau nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và nhập khẩu nhiều công nghệ tiên tiến phục vụ sự nghiệp phát triển.
* Về cơ chế chính sách quản lý hoạt động xuất nhập khẩu đã chuyển từ quản lý theo mô hình Nhà nước độc quyền cao độ về ngoại thương, quản lý bằng các biện pháp hành chính mệnh lệnh tập trung sang cơ chế Nhà nước thống nhất, quản lý bằng pháp luật, kế hoạch thông qua sử dụng linh hoạt các công cụ kinh tế. Từng bước chuyển sang tự do hoá thương mại trong nền kinh tế nhiều thành phần, theo cơ chế thị trường cơ sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
* Quan hệ đối ngoại ngày càng được mở rộng và hoàn thiện. Việt Nam trở thành thành viên của tổ chức ASEAN làm cho uy tín và vai trò của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, đặc biệt là trong khu vực. Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 156 nước có quan hệ buôn bán với trên 100 nước, có quan hệ hợp tác đầu tư với 52 nước và lãnh thổ (vốn đăng ký khoảng 20 tỷ đô la) xuất khẩu của Việt Nam tăng đều với nhịp độ 20%/năm. Điều đó tạo ra sự năng động của Việt Nam trong vòng cung Châu Á- Thái Bình Dương và hiện nay đang thu hút được sự chú ý của nhiều người trong giới lãnh đạo và kinh doanh trên thế giới.
2. Những vấn đề còn tồn tại.
Trong quá trình phát triển bao giờ cũng nảy sinh những vấn đề mới những mâu thuẫn mới cần xử lý. Đó là quy luật của sự vận động. Nền kinh tế Việt Nam không nằm ngoài ảnh hưởng của qui luật đó. Trong quá trình thực hiện chiến lược hướng về xuất khẩu, nền kinh tế đã đạt tới trình độ cao hơn, lẽ tất yếu phát sinh những vấn đề và những mâu thuẫn mới, thậm chí cả những yếu tố kìm hãm tăng trưởng. Đó là những hạn chế sau đây:
- Hiệu quả của nền kinh tế còn thấp, khả năng cạnh tranh kém, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực có tăng trưởng nhưng hiệu quả và chất lượng phát triển không cao.
Năng lực sản xuất công nghiệp còn nhỏ bé, chưa đủ sức tự đầu tư phát triển. Cơ cấu công nghiệp chuyển biến chậm, đóng góp cho tăng trưởng công nghiệp những năm qua chủ yếu vẫn là công nghiệp khai thác, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu thô, sơ chế chưa đủ sức cạnh tranh cả về mặt chất lượng, cũng như giá cả sản phẩm cùng loại do nước ngoài sản xuất.
- Chiến lược hướng về xuất khẩu đã dẫn đến khuynh hưóng tập trung quá mức các nguồn lực bên trong và bên ngoài vào những ngành sản xuất để xuất khẩu. Do đó kỹ thuật, công nghệ tiên tiến chỉ đạt được ở các ngành sản xuất hàng xuất khẩu, còn các ngành sản xuất cho tiêu dùng nội địa thì vẫn ở trong tình trạng kỹ thuật công nghệ lạc hậu kéo dài và phát triển trì trệ, giảm sút.
Chính việc hướng sự phát triển quá mức vào các ngành sản xuất hàng xuất khẩu đã dẫn đến tình trạng toàn bộ nền kinh tế quốc dân lệ thuộc sự biến động của những ngành ấy. Nói rộng ra là lệ thuộc vào sự biến động của thị trường thế giới.
- Việc xuất khẩu vào thị trường truyền thống gặp nhiều trắc trở, trong khi đó thâm nhập vào thị trường mới còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó ta chưa có chiến lược nhập khẩu rõ ràng, chưa nhập được những công nghệ cần thiết để đẩy mạnh sản xuất xuất khẩu. Chiến lược thị trường chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, chưa tạo điều kiện đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu trong nước dựa trên lợi thế so sánh của nước ta về lao động, và có khả năng sản xuất nhiều loại hàng hoá xuất khẩu sử dụng nhiều lao động.
- Bộ máy tổ chức hoạt động công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu còn cồng kềnh, kém hiệu lực. Còn thiếu những cán bộ vừa có năng lực hiểu biết về nghiệp vụ, luật pháp, kiến thức khoa học, công nghệ vừa có phẩm chất, tinh thần trách nhiệm để giải quyết những thủ tục hành chính nhanh nhạy, kịp thời. Những tệ nạn về thủ tục hành chính, bệnh quan liêu giấy tờ gây phiền hà, chậm trễ trong việc cấp giấy phép đầu tư.... đang là vấn đề nổi cộm gây ảnh hưởng không lành mạnh đối với tiến trình phát triển.
- Chính sách công nghiệp - thương mại của Nhà nước cũng như trên thực tế vẫn còn mang dấu ấn của việc thay thế nhập khẩu chứ chưa thực sự hướng ngoại. Điều này thể hiện khá rõ qua một số biện pháp được nêu với ý định bảo vệ nền công nghiệp non trẻ (ví dụ điển hình là yêu cầu mới đây của Hiệp hội
máy công nghiệp về tổng thuế nhập khẩu đánh vào máy móc lên 20-30% để bảo vệ sản xuất trong nước).
- Trong hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài, còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết thoả đáng như xác định rõ vai trò chức năng quản lý Nhà nước đối với đầu tư nước ngoài, qui trình xúc tiến đầu tư qui trình thẩm định và cấp giấy phép đầu tư, qui trình quản lý xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
- Thị trường tài chính tiền tệ là vấn đề nóng bỏng của nền kinh tế vì chưa hoàn chỉnh, thị trường chứng khoán chưa hình thành cùng với hệ thống thuế chưa hợp lý và hay thay đổi đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh cũng như việc phát huy nguồn lực của các thành phần kinh tế.
Việc cấp ban ngạch và quản lý bằng hạn ngạch không đúng đối tượng lại thiếu chặt chẽ đã dẫn đến tệ nạn mua bán hạn ngạch nấp dưới nhiều hình thức trước khi bắt tay vào việc thu gom hàng xuất khẩu.
- Chính sách xuất khẩu chưa phát huy hết hiệu lực. Trong hoạt động xuất khẩu chưa giải quyết mối quan hệ thoả đáng giữa các mặt hàng chủ lực với các nhóm hàng khác. Quá chú trọng và ưu tiên cho một số mặt hàng mà không biết tận dụng và bỏ qua nhiều loại hàng hoá khác rất có triển vọng và tiềm năng.
- Vấn đề cấp bách hiện nay là thông tin thương mại phục vụ cho xuất khẩu hàng hoá còn nhiều hạn chế. Từ nhiều năm nay thông tin thương mại của ta thường rất chậm, không đầy đủ, thiếu chính xác nên ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh xuất khẩu trong khi đó nhiều đối tác của doanh nghiệp Việt Nam lại hiểu rất rõ tình hình xuất khẩu của ta. Nhưng chúng ta nắm được rất ít thông tin về bạn hàng, chưa kể các doanh nghiệp trong nước tranh mua, tranh bán, xuất phá giá để hưởng lợi một mình. Cuối cùng chỉ phía ban hành được lợi, cả Nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam đều bị thua thiệt.