Một số kiến nghị

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng tại Chi nhánh NHCT Đống Đa.doc (Trang 77 - 83)

GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG TẠI CHI NHÁNH NHCT ĐỐNG ĐA

3.3 Một số kiến nghị

3.3.1 Kiến nghị đối với Chính phủ và các ban ngành liên quan

Hoạt động của hệ thống ngân hàng liên quan đến hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Do đó, Chính phủ và các ban ngành liên quan cần tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động của ngân hàng. Cụ thể:

 Luật NHNN và luật các TCTD đã ban hành đến nay gần 10 năm, năm 2003 – 2004 hai luật này cũng đã được sửa đổi. Tuy nhiên trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập, nền kinh tế đã có nhiều đổi thay, hai luật trên tỏ ra có nhiều bất cập với tình hình hiện nay. Để phù hợp với nhu cầu thực tiễn, các luật trên cần được sửa đổi theo quan điểm:

+ Ngoài những quan điểm chung về tính hiện đại, tính minh bạch, tính ổn định và bổ sung đầy đủ đối tượng điều chỉnh thì phương pháp điều chỉnh trong luật mới phải hướng vào điều chỉnh hành vi và đưa ra chế tài cụ thể để giảm đến tối thiểu các văn bản hướng dẫn luật đi kèm.

+ Luật mới phải phải phù hợp với thực tiễn nền kinh tế thị trường Việt Nam đã ra nhập AFTA, WTO và lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế khác.

+ Luật mới phải sửa đổi những điều xung đột pháp lý với các luật khác theo hướng ưu tiên luật quốc tế và các luật khác phải tôn trọng luật chuyên ngành.

+ Nội dung điều chỉnh của luật mới phải dựa trên nguyên tắc tách bạch tín dụng chính sách với tín dụng thương mại và nguyên tắc bình đẳng trong mọi thành phần kinh tế.

 Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời và phát triển thị trường mua bán nợ, thị trường bảo hiểm tín dụng để có thể giảm thiểu phòng ngừa và phân tán rủi ro tín dụng, cần có chính sách thích hợp để thị trường chứng khoán nước ta phát triển mạnh mẽ và sôi động trở lại nhằm làm giảm sức ép lên ngân hàng trong việc cấp vốn hoạt động cho doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho ngân hàng tham gia kinh doanh, tìm kiếm thông tin về khách hàng trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra, cần tổ chức thiết lập hệ thống các tiêu chuẩn để đánh giá về hiệu quả kinh tế của các ngành kinh tế, tạo cơ sở thuận lợi cho ngân hàng thẩm định, đánh giá khách hàng, chu trình đầu tư… một cách thích đáng.

 Các ngành chức năng cần tạo điều kiện hỗ trợ ngân hàng thu hồi nợ, nếu có xảy ra tranh chấp thì sử dụng luật dân sự, không nên hình sự hoá các quan hệ tín dụng, giảm bớt thời gian xử lý các vụ kiện tranh chấp từ hợp đồng tín dụng. Luật các TCTD là hành lang pháp lý cao nhất buộc các TCTD phải tuân thủ, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của các TCTD theo đúng pháp luật.

3.3.2 Kiến nghị đối với NHNN Việt Nam

 NHNN cần rà soát lại các văn bản chồng chéo, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tế để hệ thống các văn bản của ngành mang tính pháp lý cao.

 Tổ chức đánh giá tín dụng độc lập: Hiện tại ở Việt Nam đã có trung tâm tín dụng CIC của NHNN và một số đơn vị khác như các công ty chứng khoán đã làm công tác để xếp loại khách hàng. Tuy nhiên độ tin cậy của các thông tin là chưa cao, số liệu chưa mang tín cập nhật khiến NHTM và các tổ chức tín dụng ít sử dụng thông tin do CIC cung cấp. Do đó, NHNN cần chú trọng tới việc nâng cao tính hiệu quả của CIC bằng cách:

+ Phương pháp đánh giá tín dụng cần phải chặt chẽ, có hệ thống và phải căn cứ vào các số liệu quá khứ theo một phương pháp đánh giá nào đó. Ngoài ra, các kết quả đánh giá cần phải liên tục được rà soát và điều chỉnh kịp thời theo những thay đổi về tính hình tài chính.

+ Phương pháp luận chung để đánh giá tín dụng cần phải được công khai, hầu hết các dự án cho vay vốn từ WB hoặc ADB đều công khai trên web rõ ràng phương pháp luận cụ thể để đánh giá một dự án, điều này sẽ tránh được những che đậy thông tin từ bên phía khách hàng đặt mục tiêu có nguồn tín dụng bằng mọi giá.

+ Trung tâm cần cung cấp các thông tin về phương pháp đánh giá, bao gồm các khái niệm về khả năng không trả được nợ, khoảng thời gian đánh giá, ý nghĩa

của mỗi bậc xếp hạng, tỷ lệ không trả được nợ trong thực tế ứng với mỗi nhóm xếp hạng và xu hướng thay đổi các kết quả đánh giá.

+ Có đủ các nguồn lực cần thiết để thực hiện việc đánh giá với chất lượng cao. Các nguồn lực này cho phép CIC tiếp xúc thường xuyên với cán bộ quản lý và nghiệp vụ tại các tổ chức đang được đánh giá tín dụng để bổ sung các thông tin quan trọng cho việc đánh giá tín dụng. Các kết quả đánh giá phải dựa trên sự kết hợp các phương pháp định tính và định lượng.

 Công ty mua bán nợ đã được thành lập, song công ty này hoạt động vẫn chưa có hiệu quả, chưa thực hiện được nhiệm vụ xử lý nợ tồn đọng của các ngân hàng. Do đó NHNN cần có những biện pháp kịp thời để nâng cao hiệu quả trong hoạt động của công ty.

 NHNN cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, NHNN cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào việc kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện kịp thời và xử lý các sai phạm, góp phần phòng ngừa và hạn chế rủi ro.

3.3.3 Kiến nghị đối với NHCT Việt Nam

Với vai trò là người quản lý, NHCT Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tuy nhiên NHCT Việt Nam cũng nên có một số điều chỉnh để phát huy hơn nữa tính năng động tự chủ của các chi nhánh nói chung và chi nhánh NHCT Đống Đa nói riêng. Cụ thể:

 NHCT Việt Nam cần triển khai kịp thời hơn nữa việc hướng dẫn cụ thể các văn bản về hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động tín dụng nói riêng tạo điều kiện cho chi nhánh hoạt động có hiệu quả hơn.

 NHCT Việt Nam nên tổ chức các buổi hội thảo, chuyên đề tín dụng để các cán bộ tín dụng của chi nhánh có điều kiện trao đổi kinh nghiệm công tác, nâng cao trình độ nghiệp vụ.

 NHCT Việt Nam nên nghiên cứu thành lập công ty mua bán khai thác tài sản đảm bảo. Căn cứ vào tình hình giá trị tài sản tồn đọng và khả năng của công ty, giúp các chi nhánh chuyển giao tài sản tồn đọng cho công ty dưới hình thức uỷ thác hoặc trên cơ sở hợp đồng chuyển nhượng theo thoả thuận, giúp các chi nhánh nhanh chóng thu hồi vốn và khai thác sử dụng tài sản tồn đọng có hiệu quả, giải toả nhanh tài sản bảo đảm đang đóng băng, từ đó nâng cao hiệu suất sử dụng vốn tại các chi nhánh.

 Cuối cùng, NHCT Việt Nam cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện các sai sót, vi phạm trong quá trình thẩm định và cho vay, góp phần hạn chế rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng cho các chi nhánh.

KẾT LUẬN

Cùng với quá trình hội nhập của nền kinh tế thì hoạt động tín dụng tại các NHTM ngày càng khẳng định được vai trò của mình trong việc tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ cho tất cả các ngành, các thành phần kinh tế. Nhận thức được vai trò vô cùng quan trọng của hoạt động tín dụng, là một trong những chi nhánh tốt nhất của NHCT Việt Nam, chi nhánh NHCT Đống Đa luôn tìm cách nâng cao chất lượng tín dụng để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vốn của nền kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh cũng như vị thế trên thị trường. Cho đến nay, trong công tác tín dụng, chi nhánh đã đạt được những thành tựu đáng kể, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những hạn chế. Vì vậy, thông qua khoá luận tốt nghiệp, em xin mạnh dạn trình bày một số biện pháp và kiến nghị cụ thể nhằm nâng cao chất lưọng tín dụng tại chi nhánh NHCT Đống Đa căn cứ vào những lý luận chung về chất lượng tín dụng ngân hàng và thực trạng chất lượng tín dụng tại chi nhánh NHCT Đống Đa trong thời gian qua. Tuy nhiên, hoạt động tín dụng là một vấn đề phức tạp đòi hỏi quá trình nghiên cứu và thực tế tiếp cận trực tiếp nghiệp vụ. Do đó, khoá luận của em không tránh khỏi những thiếu sót. Em mong nhận được sự góp ý của thầy cô và các bạn. Em xin chân thành cảm ơn!

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng tại Chi nhánh NHCT Đống Đa.doc (Trang 77 - 83)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(86 trang)
w