II. Thực trạng hoạt động tín dụng và rủi ro tín dụng tại Sở
2. Thực trạng hoạt động tín dụng tại Sở giao dịch
- Đối với những doanh nghiệp đủ điều kiện để cho vay không có bảo đảm bằng tài sản thì chi nhánh chỉ cho vay ngắn hạn không có bảo đảm bằng tài sản sau khi doanh nghiệp đã sử dụng hết tài sản để cầm cố, thế chấp cho Ngân hàng.
- Mức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với một doanh nghiệp không vượt quá 1 lần vốn tự có của doanh nghiệp đó.
- Có trụ sở làm việc (đối với pháp nhân) hoặc hộ khẩu thường trú cùng địa bàn tỉnh, thành phố nơi Ngân hàng đóng trụ sở.
- Các trường hợp khác phải được sự đồng ý của giám đốc Sở Giao Dịch.
2. Thực trạng hoạt động tín dụng tại Sở giao dịch I - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam: Phát triển Việt Nam:
Trong những năm vừa qua, tình hình hoạt động tín dụng tại Sở giao dịch I - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã có những bước đi tích cực, cơ cấu tín dụng đã có sự thay đổi qua từng năm, dần đạt đến cơ cấu hợp lý. Doanh số cho vay tăng dần qua mỗi năm và đạt tốc độ tăng trưởng khá cao.
Để hiểu rõ tình hình hoạt động tín dụng tại Sở giao dịch, có thể phân tích qua một số chỉ tiêu về cơ cấu tín dụng như cơ cấu tín dụng theo loại cho vay, cơ cấu tín dụng theo thành phần kinh tế và cơ cấu tín dụng theo tính chất bảo đảm.
2.1. Cơ cấu tín dụng theo loại cho vay:
Trong năm 2001, tổng dư nợ kể cả ngoại tệ quy ra VND đến ngày 31/12/2001 là 5.223.826 triệu VND tăng so với năm 2000 là 324.664 triệu VND, đạt tốc độ tăng trưởng 6.63%. Nhìn chung, mỗi năm tổng dư nợ đều tăng lên, tăng chủ yếu ở cho vay trung và dài hạn, dư nợ cho vay ngắn hạn cũng tăng đáng kể. Điều này được thể hiện rõ qua bảng 5.
Chỉ tiêu
Năm 1999 Năm 2000 Năm 2001
So sánh % (00/99) So sánh % (01/00) Dư nợ Tỷ trọng % Dư nợ Tỷ trọng % Dư nợ Tỷ trọng % Ngắn hạn 565 13,92 938 19,15 1.310 25,08 166,02 139,66 Trung dài hạn TM 547 13,48 726 14,82 1.813 34,70 132,72 249,72 Trung dài hạn theo KHNN 2.147 52,89 2.490 50,82 1.027 19,66 115,98 41,24 Tài trợ, uỷ thác, cho vay khác 800 19,71 745 15,21 1.074 20,56 93,13 144,16 Tổng 4.059 100 4.899 100 5.224 100 120,69 106,63
Nguồn: Phòng nguồn vốn kinh doanh Đối với tín dụng ngắn hạn: dư nợ cho vay ngắn hạn tăng lên qua các năm, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng dư nợ.
Năm 1999, dư nợ cho vay ngắn hạn là 565 tỷ đồng chiếm 13,92% trong tổng dư nợ. Đến năm 2000, dư nợ cho vay ngắn hạn đã tăng lên đáng kể, đạt 938 tỷ đồng, tăng 373 tỷ đồng so với năm 1999 và đạt tốc độ tăng trưởng là 66,02%. Tuy nhiên, tỷ trọng dư nợ ngắn hạn trên tổng dư nợ chỉ chiếm 19,15% nguyên nhân là do tổng dư nợ trong năm 2000 đã tăng trưởng cao hơn so với năm 1999.
Sang năm 2001, do Sở giao dịch đã đặc biệt chú trọng đến công tác Marketing, phục vụ tốt khách hàng sẵn có, mở rộng tìm kiếm khách hàng mới, chú trọng các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Đến 31/12/2001 dư nợ tín dụng ngắn hạn đạt 1310 tỷ đồng, tăng 372 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2000, đạt tốc độ tăng trưởng 39,66%.
Thực hiện chính sách khách hàng trên cơ sở các chỉ tiêu phân loại đánh giá khách hàng, xây dựng và thực hiện cho vay theo hợp đồng khung, hợp đồng hạn mức tín dụng thường xuyên cả bằng VND và ngoại tệ đối với các tổng công ty, các khách hàng có quan hệ thường xuyên, giảm thiểu hồ sơ thủ tục vay vốn nhưng vẫn bảo đảm an toàn tín dụng, áp dụng nhiều hình thức cho vay linh hoạt, cải tiến và nâng cao chất lượng giao dịch. Kết quả là Sở giao dịch đã có nhiều khách hàng có doanh số và dư nợ thường xuyên lớn như: PETROLIMEX, Công ty dệt Hà nội, Công ty FPT, LILAMA, Tổng công ty cơ khí xây dựng, trung tâm kinh doanh VINACONEX, Công ty Cầu 12, Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ, công ty phá dỡ tàu cũ - XNK - VINASIN, Dệt Hà nội, các Công ty thuộc tổng công ty xây dựng Sông đà, Công ty đèn huỳnh quang ORION - HANEL...
Đối với tín dụng trung và dài hạn: cho vay trung và dài hạn là hoạt động thường xuyên của Sở giao dịch. Có thể nói đây là một thế mạnh, một lợi thế so sánh của Sở so với các ngân hàng khác. Điều này được thể hiện ở hai mặt:
- Thứ nhất, với đặc thù của một ngân hàng chuyên xử lý các dự án tín dụng trung, dài hạn, được Chính phủ giao trọng trách cung cấp vốn tín dụng cho các doanh nghiệp quốc doanh phục vụ sản xuất kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời cung cấp vốn cho xây dựng phát triển các dự án lớn nên hoạt động tín dụng trung và dài hạn tại Sở chiếm tỷ trọng rất cao đặc biệt là tín dụng trung dài hạn theo kế hoạch nhà nước.
- Thứ hai, với cơ cấu nguồn vốn huy động đa dạng, tập trung phục vụ mục đích cho vay trung và dài hạn nên có thể nói lãi suất đối với cho vay trung và dài hạn tại Sở nói riêng cũng như các chi nhánh trong hệ thống Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam nói chung có ưu thế cạnh tranh hơn rất nhiều so với các ngân hàng khác. Đây cũng là một lý do khiến cho tín dụng trung và dài hạn của Sở luôn chiếm một tỷ trọng cao trong tổng dư nợ.
Năm 1999, dư nợ tín dụng trung dài hạn thương mại tại Sở đạt 574 tỷ đồng chiếm 13,48% trong tổng dư nợ. Sang năm 2000, con số này là 726 tỷ đồng tăng 152 tỷ đồng so với năm 1999, đạt tốc độ tăng trưởng 32,72% và chiếm tỷ trọng 14,82% trong tổng dư nợ. Điều này cho thấy, tín dụng trung dài hạn thương mại đã được Sở quan tâm phát triển, đạt tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2000.
Đến năm 2001, đối với tín dụng trung và dài hạn thương mại, Sở đã xác định đây là hoạt động chủ yếu của Sở Giao Dịch khi tín dụng KHNN được điều chuyển sang cho Quỹ đầu tư phụ trách. Ngay từ đầu năm 2001, Sở giao dịch đã triển khai tích cực công tác tín dụng đầu tư, chủ động tìm kiếm các dự án khả thi, tiếp xúc và làm việc với các doanh nghiệp nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để có thể ký hợp đồng tín dụng.
Dư nợ trong năm 2001 đạt 1.813 tỷ VND, trong đó doanh số cho vay bằng đồng VND đạt gấp 3 lần và doanh số cho vay ngoại tệ đạt gấp 4 lần doanh số cho vay trong năm 2000 đưa số dư nợ tín dụng trung và dài hạn thương mại chiếm 34,72% tổng dư nợ, đạt tốc độ tăng trưởng 49,72% so với năm 2000. Trong năm Sở giao dịch đã ký kết được 44 hợp đồng tín dụng thương mại đầu tư trung và dài hạn với tổng số vốn 705 tỷ VND và trên 80 triệu USD, trong đó có một số dự án lớn với vốn vay đồng tài trợ như: nhà máy xi măng Chinfon Hải phòng, Tổng công ty Sông đà, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam - ký hợp đồng bổ sung 25 triệu USD, Tổng công ty công nghiệp tàu thuỷ, liên hiệp đường sắt Việt Nam, Tổng công ty xăng dầu... Đây là một kết quả rất đáng khích lệ thể hiện
tinh thần quyết tâm tăng tỷ trọng tín dụng trung dài hạn thương mại của Sở giao dịch.
Đối với tín dụng trung dài hạn theo kế hoạch Nhà nước, năm 1999, dư nợ là 2.147 tỷ đồng chiếm 52,89% tổng dư nợ, đây là một con số rất lớn. Sang năm 2000, dư nợ tín dụng trung dài hạn theo kế hoạch Nhà nước có tăng thêm nhưng không đáng kể, đạt 2.490 tỷ đồng, tăng 15,98% so với năm 1999 nhưng tỷ trọng trong tổng dư nợ thì đã giảm đi chỉ đạt 50,82%. Điều này là do tổng dư nợ trong năm 2000 tăng cao hơn so với năm 1999, tốc độ tăng của tín dụng trung dài hạn theo kế hoạch Nhà nước thấp hơn tốc độ tăng tổng dư nợ.
Sang năm 2001, tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn theo kế hoạch Nhà nước đã giảm đáng kể, chỉ còn 19,65% tương ứng với 1.027 tỷ đồng. Nhìn vào biểu đồ ta có thể thấy rất rõ sự sụt giảm đó. So với năm 2000, tín dụng trung và dài hạn theo kế hoạch Nhà nước chỉ còn 41,24%. Điều này là do những dự án đầu tư phát triển đã được Chính phủ chủ trương chuyển sang cho Quỹ đầu tư và phát triển thực hiện, kể cả những khoản tín dụng mà Sở đang thực hiện giải ngân cũng được chuyển sang Quỹ đầu tư. Vì vậy, trong tương lai khi tỷ trọng của loại tín dụng này giảm đi thì tín dụng trung và dài hạn thương mại sẽ là loại hình chủ chốt trong tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn tại Sở. Qua biểu đồ có thể thấy tín dụng trung - dài hạn thương mại đang thay thế dần tín dụng trung - dài hạn theo kế hoạch Nhà nước.
2.2. Cơ cấu tín dụng theo thành phần kinh tế:
Thực hiện chủ trương đổi mới kinh tế của Đảng và Nhà nước, nền kinh tế nước ta có những chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng ổn định (7%/năm), đời sống nhân dân được cải thiện. Theo đà này, kinh tế ngoài quốc doanh phát triển rất nhanh, số công ty TNHH, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, hộ sản xuất cá thể... ngày càng tăng. Các thành phần kinh tế này xuất hiện đang mang lại một thị trường rộng lớn cho ngân hàng.
Thực tế cho thấy, hoạt động tín dụng của ngân hàng đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đang có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, số lượng khách hàng là doanh nghiệp quốc doanh vẫn chiếm một số lượng lớn, với tỷ trọng dư nợ chiếm tới hơn 90% trong tổng dư nợ của ngân hàng. Trong khi đó, cho vay kinh tế ngoài quốc doanh lại chiếm một tỷ trọng nhỏ, không tương xứng với khả năng vốn có của nó.
Mặc dù việc mở rộng cho vay đối với khu vực này là cần thiết, phù hợp với xu thế chung của ngành ngân hàng nhưng tại Sở giao dịch, việc thực hiện mở rộng cho vay đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh trong những năm vừa qua chưa được chú trọng. Điều này có thể thấy rõ qua bảng 6.
Bảng 6: Cơ cấu tín dụng theo thành phần kinh tế Đơn vị triệu đồng Chỉ tiêu Năm 1999 Tỷ trọng (%) Năm 2000 Tỷ trọng (%) Năm 2001 Tỷ trọng (%) So sánh % (00/99) So sánh % (01/00) Kinh tế QD 3.856.256 95.00 4.634.607 94.60 4.910.396 94.00 120,18 105,95 Kinh tế NQD 203.015 5.00 264.555 5.40 313.430 6.00 130,31 118,47 Tổng 4.059.271 100.00 4.899.162 100.00 5.223.826 100.00 120,69 106,62
Nguồn: Phòng nguồn vốn kinh doanh
Nhìn vào bảng số liệu trên ta thấy, ngân hàng cho vay đối với kinh tế ngoài quốc doanh tăng dần lên theo các năm nhưng sự tăng là không đáng kể. Tỷ trọng cho vay là quá bé so với tổng dư nợ, điều này đã làm cho khu vực kinh tế ngoài quốc doanh thiếu đi một nguồn tài trợ đáng kể. Đối với khu vực kinh tế quốc doanh thì tỷ trọng cho vay lại rất lớn, dư nợ cho vay tăng lên qua mỗi năm tuy nhiên, tốc độ tăng có giảm đi.
Năm 1999, dư nợ cho vay khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 203.015 triệu đồng, chỉ chiếm có 5% tổng dư nợ. Sang năm 2000, con số này là 264.555 triệu đồng tăng thêm 42.537 triệu đồng tương ứng với tốc độ tăng trưởng là 30,31%. Tuy nhiên, về tỷ trọng trong tổng dư nợ thì vẫn chỉ đạt ở mức 5,4%, vẫn rất thấp so với tỷ trọng khu vực kinh tế quốc doanh. Điều này có thể lý giải là do sang năm 2000, tổng dư nợ tại Sở đã tăng cao đạt 4.899.162 triệu đồng, tăng 20,69% so với cùng kỳ năm 1999. Chính vì thế, mặc dù dư nợ đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh có tăng đáng kể nhưng về tỷ trọng thì vẫn còn rất thấp.
Đến năm 2001, Sở giao dịch đã cho vay đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh với doanh số 313.430 triệu đồng tăng 48.875 triệu đồng tương ứng với 18,47%, chiếm 6% trong tổng dư nợ. Những con số này đã khẳng định một điều, việc cho vay ngoài quốc doanh tại ngân hàng chưa được mở rộng, doanh số cho vay chủ yếu tập trung vào khu vực kinh tế quốc doanh. Có thể giải thích thực trạng này như sau:
Thứ nhất, kinh tế quốc doanh là khu vực kinh tế được nhà nước bảo trợ, được ưu tiên phát triển theo chủ trương của nhà nước, nếu cho vay doanh nghiệp nhà nước có vấn đề thì có thể dễ dàng được phép khoanh nợ, xoá nợ. Ngoài ra, kinh tế quốc doanh là khu vực lâu đời nên tâm lý của ngân hàng không dễ gì thay đổi được. Bên cạnh đó, cán bộ trong khu vực này được đào tạo quy củ, năng lực tài chính vững mạnh, có phương hướng kinh doanh rõ ràng. Hơn nữa,
khách hàng của ngân hàng đa số là là các tổng công ty trong các lĩnh vực hàng đầu, quan trọng như dầu khí, bưu chính viễn thông, xăng dầu, hàng hải, điện lực, xây dựng, giao thông, xi măng... làm ăn có hiệu quả, sử dụng vốn đúng mục đích và an toàn nên việc cho vay của ngân hàng đối với họ cũng thường có thủ tục dễ dàng, nhanh gọn hơn. Nhiều công ty có quan hệ lâu dài với ngân hàng khi vay vốn không cần tài sản đảm bảo. Khối lượng vốn vay mỗi lần của các tổng công ty thường lớn hơn rất nhiều so với kinh tế ngoài quốc doanh.
Thứ hai, việc cho vay kinh tế ngoài quốc doanh ở Sở chiếm một tỷ trọng rất nhỏ cũng là do nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Về phía ngân hàng, các thủ tục, chế độ cho vay ngoài quốc doanh quá cứng nhắc, chặt chẽ mà khu vực kinh tế này không đáp ứng được. Thêm vào đó, các quy chế về bảo đảm tiền vay của Chính phủ dẫn đến ngân hàng thận trọng hơn trong cho vay ngoài quốc doanh. Còn về phía các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, nhiều khi do khả năng hạn chế, lại rất sôi nổi và nhiệt tình dẫn đến việc làm ăn thua lỗ, không trả được nợ ngân hàng. Trong các năm 1997 - 1999, bình quân có gần 100 vụ án về doanh nghiệp tư nhân bị đưa ra xét xử như: Tamexco, Epco Minh Phụng, Namdo,... đã làm cho ngân hàng ngại hơn khi cho vay thành phần kinh tế ngoài quốc doanh.
Như vậy, qua phân tích trên, có thể thấy cơ cấu cho vay theo thành phần kinh tế tại Sở giao dịch đã có những thay đổi tích cực tuy nhiên còn chậm. Tỷ trọng cho vay đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh còn quá nhỏ chưa tương xứng với một ngân hàng có quy mô lớn như Sở giao dịch, mặc dù tiềm năng của khu vực kinh tế này là rất cao.
Tất nhiên, việc mở rộng cho vay đối với khu vực kinh tế này cũng cần phải xem xét đến yếu tố rủi ro có thể xảy ra bởi lẽ cho vay các doanh nghiệp ngoài quốc doanh bao giờ cũng có nhiều khả năng dẫn đến rủi ro hơn. Nhưng nếu ngân hàng có quy trình thẩm định tốt, đánh giá, sàng lọc khách hàng ngay từ giai đoạn xét duyệt thì chắc chắn sẽ tìm ra được những khách hàng có khả năng và tiềm lực tài chính để cho vay. Đồng thời về phía các doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng phải có thái độ tích cực để tạo ấn tượng tốt đối với các ngân hàng nói chung và đối với Sở giao dịch nói riêng, góp phần tăng tỷ trọng cho vay khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tại Sở