II. THỰC TIỄN ĐIỀU HÀNH CHÍNH SÁCH THUẾ CỦA VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN QUA (2008-2009)
2.2.2 Phát huy vai trò đòn bẩy của chính sách thuế
Thực tế cho thấy, việc triển khai các chính sách thuế như giảm thuế, gia hạn nộp thuế cho một số đối tượng với một số sắc thuế - nhằm ngăn chặn đà suy giảm kinh tế
được thực thi thời gian qua đã thu hút nhiều sự quan tâm và các ý kiến trao đổi, tranh luận của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu. Cho dù có khá nhiều ý kiến khác nhau về những biện pháp này, song nhiều ý kiến cho rằng, đây là những biện pháp đúng đắn cả về lý thuyết và thực tiễn. Tuy nhiên, để những biện pháp này phát huy hiệu quả, thúc đẩy nền kinh tế phát triển thì phải đồng thời thực hiện các giải pháp khác có liên quan một cách đồng bộ.
Các giải pháp về thuế nhằm ngăn chặn đà suy giảm kinh tế chỉ có thể phát huy tác dụng nếu chúng ta nhận thức đầy đủ những tình huống không mong đợi có thể xảy ra và tìm cách khắc phục, phòng ngừa, loại bỏ những nguyên nhân dẫn đến những tình huống không mong đợi này. Theo các nhà nghiên cứu, tình huống cơ bản của diễn biến kinh tế không mong đợi khi thực hiện các biện pháp giảm và gia hạn nộp thuế nhằm ngăn chặn đà suy giảm kinh tế có thể xuất phát từ các hành vi của các chủ thể kinh tế, làm cho các giải pháp này không phát huy tác dụng thúc đẩy kinh tế phát triển. Những biểu hiện cụ thể như sau:
Thứ nhất, dù được giảm thuế giá trị gia tăng nhưng doanh nghiệp vẫn không giảm
giá, do vậy, không kích thích được cầu tiêu dùng. Về nguyên tắc, việc giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số mặt hàng tạo điều kiện để doanh nghiệp giảm giá bán nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể không giảm giá bán. Hệ quả là mục tiêu kích cầu tiêu dùng không được thực hiện. Nếu quyết định không giảm giá bán của doanh nghiệp không phù hợp với tín hiệu thị trường, nghĩa là trong điều kiện cầu nhỏ hơn cung thì bản thân doanh nghiệp bất lợi và mục tiêu kích cầu của Nhà nước cũng không được thực hiện;
Thứ hai, mức độ giảm giá không đủ để kích thích cầu tiêu dùng. Mặc dù doanh
nghiệp đã tận dụng tối đa việc giảm thuế giá trị gia tăng để giảm giá (nghĩa là giảm giá tương ứng với mức độ giảm thuế giá trị gia tăng), thậm chí đối với những doanh nghiệp được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, có thể giảm giá thấp hơn nữa bằng việc hi sinh lợi nhuận của mình thì vẫn không đủ sức kích cầu tiêu dùng. Lý do cơ bản là kỳ vọng vào thu nhập tương lai của người dân thấp nên họ có xu hướng tăng tiết kiệm để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng tương lai. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra trong bối cảnh những dự báo ảm đạm về kinh tế liên tục được đưa ra, đồng thời, việc cắt giảm lương hoặc giảm bớt nhân công của các doanh nghiệp liên tiếp diễn ra;
Thứ ba, thu nhập gia tăng không sử dụng vào tiêu dùng hàng hoá nội địa mà sử dụng vào tiêu dùng hàng hoá nhập khẩu. Biện pháp giảm thuế giá trị gia tăng có thể góp phần trực tiếp kích cầu nội địa vì nó tạo điều kiện giảm giá cho hàng hoá sản xuất trong nước. Tuy nhiên, biện pháp giãn nộp thuế thu nhập cá nhân nhằm mục tiêu gia tăng thu nhập cho dân cư để kích cầu có thể không đạt được mục tiêu mong đợi nếu người dân sử dụng khoản thu nhập gia tăng đó vào việc mua hàng hoá nhập khẩu;
Thứ tư, luồng tiền tiết kiệm không được sử dụng vào các kênh đầu tư tạo vốn cho
nền kinh tế mà sử dụng vào hoạt động đầu cơ hoặc tích trữ đơn thuần. Với các biện pháp giảm và giãn nộp thuế, Nhà nước mong muốn hoặc là người dân gia tăng tiêu dùng, hoặc là gia tăng tiết kiệm. Cả hai khả năng này đều có lợi cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nếu các yếu tố kinh tế khác không thuận lợi cho việc tiết kiệm, người dân có thể sử dụng số tiền gia tăng từ giảm hoặc giãn nộp thuế vào việc đầu cơ hoặc tích trữ đơn thuần, chẳng hạn như đầu cơ vàng, kim loại quý… Việc đầu cơ, tích trữ đơn thuần này khiến cho những đồng vốn bị “chết”, và như vậy, tất nhiên không có lợi cho phát triển kinh tế.