Kết luận:
Trong luận văn này, chúng tôi đã khảo sát phân bố suất liều xung quanh đầu bóng X quang và đánh giá an toàn bức xạ cho phòng chụp X-quang của phòng thí nghiệm kiểm chuẩn các thiết bị X-quang thuộc Trung tâm An toàn Bức xạ, Viện Khoa học Kỹ thuật Hạt nhân Hà Nội, từ đó rút ra được những kết luận như sau:
- Khi tiến hành các hoạt động nghiên cứu, kiểm chuẩn hay sử dụng các thiết bị X- quang trong y tế, người vận hành máy cần hiểu rõ các nguyên lý cơ bản của thiết bị mình đang thao tác, sự tạo thành cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng liều ra.
- Người vận hành thiết bị và cơ quan chủ quản phải nắm rõ các quy định về an toàn bức xạ trong X-quang chẩn đoán y tế, từ đó có những phương án xây dựng phòng chụp X-quang và điều hành hoạt động một cách thích hợp nhằm đảm bảo sức khỏe của kỹ thuật viên, bệnh nhân và những người khác xung quanh phòng chụp.
- Đối với phòng chụp mà luận văn đang khảo sát, với kết quả mô phỏng suất liều trong và ngoài phòng khi thay đổi diện tích phòng và vật liệu tường, chúng tôi nhận thấy: Ngoài bệnh nhân ra, những người khác không được đứng trong phòng để đảm bảo an toàn đối với cả 2 chế độ chụp (chụp phổi và chụp cột sống nghiêng). Phòng chụp hiện tại đã đảm bảo về an toàn che chắn cho người di chuyển bên ngoài. Bên cạnh đó, về mặt thực tế, để vừa đảm an toàn cho người di chuyển bên ngoài và vừa tiết kiệm chi phí xây dựng, ta vẫn có thể tham khảo việc xây dựng phòng với diện tích là 12 m2 và vật liệu tường là gạch thẻ với bề dày 15 - 20 cm.
Kiến nghị:
Luận văn vẫn chưa khảo sát được ảnh hưởng của sự tán xạ của chùm photon khi có giường bệnh nhân và các thiết bị vỏ kim loại khác có trong phòng, chưa khảo sát được ảnh hưởng của liều chiếu lên bệnh nhân qua việc đưa phantom thích hợp vào, chưa khảo sát được sự ảnh hưởng của bucky phổi đối với suất liều của khu vực phía ngoài bức tường nằm trên phương phát. Những hạn chế trên có thể là mục tiêu tiếp theo của những luận văn tiếp tục nghiên cứu về đề tài này.