THỜI HIỆU Điều 154. Thời hiệu
Thời hiệu là thời hạn do pháp luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự, được miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc mất quyền khởi kiện vụ án dân sự, quyền yêu cầu giải quyết việc dân sự.
Điều 155. Các loại thời hiệu
1. Thời hiệu hưởng quyền dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự.
2. Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn việc thực hiện nghĩa vụ.
3. Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.
4. Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu.
Điều 156. Cách tính thời hiệu
Thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu.
Điều 157. Hiệu lực của thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân
sự
1. Trong trường hợp pháp luật quy định cho các chủ thể được hưởng quyền dân sự hoặc được miễn trừ nghĩa vụ dân sự theo thời hiệu thì chỉ sau khi thời hiệu đó kết thúc, việc hưởng quyền dân sự hoặc miễn trừ nghĩa vụ dân sự mới có hiệu lực.
2. Thời hiệu hưởng quyền dân sự không áp dụng trong các trường hợp sau đây: a) Chiếm hữu tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước không có căn cứ pháp luật; b) Việc hưởng quyền nhân thân không gắn với tài sản.
3. Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự không áp dụng trong việc thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với Nhà nước, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Điều 158. Tính liên tục của thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ
dân sự
1. Thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự có tính liên tục từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc; nếu có sự kiện làm gián đoạn thì thời hiệu phải được tính lại từ đầu, sau khi sự kiện làm gián đoạn chấm dứt.
2. Thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự bị gián đoạn khi có một trong các sự kiện sau đây:
a) Có sự giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với quyền, nghĩa vụ dân sự đang được áp dụng thời hiệu;
b) Quyền, nghĩa vụ dân sự đang được áp dụng thời hiệu mà bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan tranh chấp.
3. Thời hiệu cũng được tính liên tục trong trường hợp việc hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự được chuyển giao hợp pháp cho người khác.
Điều 159. Bắt đầu thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải
quyết việc dân sự
1. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được tính từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Điều 160. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự
Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự không áp dụng trong những trường hợp sau đây: 1. Yêu cầu hoàn trả tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước;
2. Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
3. Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
Điều 161. Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời
hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự
Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:
1. Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.
Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền hoặc nghĩa vụ dân sự của mình;
2. Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
3. Chưa có người đại diện khác thay thế hoặc vì lý do chính đáng khác mà không thể tiếp tục đại diện được trong trường hợp người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chết.
Điều 162. Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự
1. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây:
a) Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
b) Bên có nghĩa vụ thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
c) Các bên đã tự hoà giải với nhau.
2. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện quy định tại khoản 1 Điều này.