Lễ cúng vào nhà mới

Một phần của tài liệu bảo tồn làng truyền thống dân tộc mông, chuyên đề “lễ dựng nhà và vào nhà mới của người mông ở cát cát (Trang 25 - 28)

2. Phong tục làm nhà và vào nhà mới của người Môn gở Cát Cát

2.4.2.Lễ cúng vào nhà mới

Theo phong tục truyền thống của người Mông ở Cát Cát, ngôi nhà sau khi được dựng xong thì người ta phải sắp một mâm lễ có cơm, có rượu, có thịt để gọi hồn của tổ tiên về ăn cơm, uống rượu thì mới được xem là đúng lý.

Thịt dùng trong lễ cúng vào nhà mới của người Mông ở Cát Cát là thịt lợn. Thông thường, một lễ cúng vào nhà mới phải thịt một con lợn ít nhất cũng khoảng 40 kg. Nhà nào có điều kiện còn thịt con lợn khoảng 1 tạ vừa để cúng tổ tiên, vừa để lấy thịt mời anh em, bạn bè về cùng chung vui mừng cho gia chủ có ngôi nhà mới.

Lễ cúng vào nhà mới diễn ra 2 lần, một lần cúng đồ sống (hiến sinh) và một lần cúng đồ chín (dâng lễ). Người ta phải tính toán làm sao để khi ngôi nhà được dựng xong là đã phải có thịt chín để cúng. Do đó, lễ cúng đồ sống thường được tiến hành trước khi ngôi nhà được dựng xong khoảng 6 – 7 giờ đồng hồ. Theo đó, lễ cúng đồ sống diễn ra vào khoảng gần trưa, để đến chiều là có thịt chín cúng lần thứ hai.

Việc cúng đồ sống diễn ra đơn giản, không thắp hương, không khấn. Lễ cúng chỉ là việc cắt tiết lợn tại nơi cúng (giữa lòng ngôi nhà đang dựng) để tổ tiên chứng giám. Một đám thanh niên giúp gia chủ khiêng lợn đặt ở nơi qui định. Con lợn bị trói chân, buộc mõm rồi một người thay mặt gia chủ cắt tiết lợn. Khi lợn chết hẳn, người ta khiêng lợn vào bếp để cho đám người lo việc hậu cần chế biến. Lễ cúng đồ sống đến đó là kết thúc.

Lễ cúng đồ chín diễn ra ngay sau khi ngôi nhà được dựng xong. Người ta bày đồ cúng lên mặt bàn (ván gỗ dài dùng thay bàn để có đủ chỗ bày rượu thịt liên hoan) ở vị trí gần sát với chính giữa vách hậu gian giữa. Tùy từng dòng họ mà cách bày đồ cúng khác nhau. Theo quan sát của chúng tôi ở đám làm nhà mới của gia đình ông Má A Dũng ở đội 1, làng Cát Cát thì đồ cũng bày lên mâm có 1 rổ cơm tẻ trắng, 1 bát thịt lợn sào, 1 bát nội tạng lợn (tim, lòng, gan, phổi), 1 bát nước sáo lợn và 1 chén rượu. Gia chủ hoặc bố đẻ của gia chủ (trường hợp gia chủ có bố đẻ còn sống và vẫn khỏe mạnh) chủ trì lễ cúng. Trong lễ cúng này, gia chủ ngồi trước mâm cúng, tay cầm thìa xúc một thìa cơm, bỏ lên đó 1 miếng thịt, 1 miếng nội tạng lợn, chan ít canh rồi cứ cầm thìa cơm canh như thế mà khấn gọi các đời tổ tiên về ăn cơm, uống rượu. Gọi đến mỗi đời, ông đều phải nêu lý do buổi làm cúng hôm nay, mời tổ tiên về hưởng lễ và phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi. Sau đó, gia chủ đổ thìa cơm canh, thịt xuống mặt bàn trước mặt, lại cầm chén rượu rót vào chỗ cơm canh đó, coi như đời tổ tiên được mời về đã nhận lễ. Sau đó, gia chủ lại gọi đến đời tổ tiên tiếp theo lần lượt từ cao đến thấp với cách làm như trên.

Sau khi đã “mời” cơm, canh, rượu, thịt đủ các đời tổ tiên, gia chủ phải ăn vài thìa cơm, thịt, uống vài hớp rượu làm lý như thể đang ngồi ăn cùng và hầu rượu tổ tiên. Sau đó, mâm cúng mới được dẹp bỏ.

Bữa liên hoan mừng nhà mới được tổ chức ngay sau lễ cúng vào nhà mới. Bữa liên hoan này nhằm mục đích để gia chủ bày tỏ lòng biết ơn của mình tới những người đã tham gia giúp mình làm nhà. Cơ cấu các món ăn trong bữa liên hoan đơn giản, thường chỉ gồm có thịt lợn sào, nội tạng lợn luộc, canh sáo lợn, cơm và rượu.

Tham gia vào bữa liên hoan là toàn bộ gia đình gia chủ, gia đình các anh em ruột và những người tham gia giúp làm nhà (khoảng 40 – 50 người, có đám đông lên tới gần 100 người). Người ta kê cao các ván gỗ cách đất một khoảng vừa phải, thường cách đất 10 – 15 cm để thay bàn. Tùy theo số lượng người tham gia vào bữa liên hoan đông hay ít mà sắp đặt số lượng ván kê phù hợp.

Trên mặt “bàn”, người ta đặt các bát, đĩa thức ăn ở dãy giữa – nơi dành cho các vị cao niên và đàn ông con trai. Ở các dãy “bàn” khác, người ta rải lót lá chuối rồi đổ cơm và thức ăn lên đó. Việc phân định thứ bậc, vai vế theo vị trí trong không gian bữa liên hoan giống với cách phân vai vế trong các bữa liên hoan cộng đồng khác. Theo đó, gia chủ và các vị cao niên, khách quý ngồi ở hai bên dãy bàn giữa, gần với với vách thờ tổ tiên. Đám đàn ông con trai cũng theo thứ bậc mà ngồi ở hai bên dãy bàn đó nhưng đổ dần về phía dưới (phía cửa chính). Phụ nữ, trẻ em thì tùy thích ngồi ở các dãy bàn kê ở các gian hồi.

Bữa liên hoan mừng nhà mới của người Mông diễn ra đơn giản, không có các thủ tục lễ nghi, không có quà mừng cho gia chủ, không có đàn hát văn nghệ. Sau vài lời bộc bạch cảm ơn của gia chủ, mọi người cùng nhau nâng chén chúc mừng gia chủ đã có ngôi nhà tốt, nhà đẹp rồi cùng nhau uống cạn bát rượu đầu, sau đó, mọi người tự do ăn uống, mời mọc nhau theo tình cảm riêng. Bữa liên hoan kéo dài đến tối mới tàn.

KẾT LUẬN

Phong tục dựng nhà và vào nhà mới là một sắc thái văn hóa cổ truyền và độc đáo của nhiều dân tộc cư trú ở vùng cao nói chung, người Mông ở Cát Cát nói riêng. Nó vừa góp phần bảo lưu dạng quan hệ xã hội theo kiểu cộng đồng công xã truyền thống, vừa là một dạng sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc, một tài nguyên nhân văn cần được bảo tồn và phát huy.

Cùng với những biến đổi của môi trường sống, phong tục làm nhà và vào nhà mới của người Mông ở Cát Cát cho đến nay đã có nhiều thay đổi. Do gỗ pơ mu không còn nhiều, việc khai thác gỗ không được tự do như trước. Các gia đình chỉ được khai thác gỗ trong khu vực diện tích rừng mà mình nhận trông coi nên gỗ làm nhà hiện nay hầu hết được thay bằng các loại gỗ lim, dổi, lát thơm, xoan… Bộ mái nhà được thay bằng ngói pro-ximăng, các viên ngói được cố định với đòn nóc và đòn tay bằng đinh sắt. Kết cấu khung nhà đã chuyển từ vì cột sang vì kèo, nhiều gia đình đã dùng xi măng láng nền. Nhân lực làm nhà ngày nay đã xuất hiện việc thuê thợ mộc người Kinh hay người Giáy về làm với giá 6.000.000 đồng tiền công đục, bào và dựng nhà.

Do diện tích không gian cư trú ở làng Cát Cát hiện nay không còn nhiều, việc chọn đất bằng phương pháp bói hố thóc truyền thống đã không còn được áp dụng. Thay vào đó là các gia đình phân chia đất ở cũng như đất canh tác cho con cháu trên cơ sở quĩ đất đã được nhà nước cấp sổ đỏ. Khuôn viên chật hẹp, người ta cũng không còn làm hàng rào như trước. Các công trình phụ như kho lương thực, chuồng ngựa, chuồng trâu cũng đã vắng bóng trong hầu hết các ngôi nhà ở làng Cát Cát, nhất là những ngôi nhà dọc theo tuyến đường đá dẫn xuống thác. Thay vào đó, nhiều nhà đã làm công trình vệ sinh tự hoại đủ tiêu chuẩn, chuồng nuôi lợn đã được chuyển ra xa nhà.

Việc bài trí không gian, ngoại trừ sự xuất hiện của những đồ dùng tiện nghi của cuộc sống hiện đại thì ít có sự biến đổi. Các vị trí thiêng liêng trong ngôi nhà vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn, cùng với đó là những nghi lễ tín ngưỡng vẫn được tổ chức thường xuyên theo định kỳ hàng năm. Đó là cơ sở quan trọng để các nhà quản lý, các nhà khoa học căn cứ nhằm gạn đục, khơi trong, phát huy những tinh hoa văn hóa truyền thống của đồng bào.

Một phần của tài liệu bảo tồn làng truyền thống dân tộc mông, chuyên đề “lễ dựng nhà và vào nhà mới của người mông ở cát cát (Trang 25 - 28)