KIẾN NGHỊ VÀ KẾT LUẬN

Một phần của tài liệu vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng theo BLHS việt nam (Trang 42 - 48)

Qua nhiều năm áp dụng, các quy định của pháp luật hình sự về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung, các văn bản hướng dẫn chưa thỏa đáng. Chính vì vậy, việc áp dụng các quy định này còn mắc phải nhiều bất cập.

Điều 175 BLHS năm 1999 còn có những điểm chưa được hiểu thống nhất, việc áp dụng Điều 175 BLHS trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, các quy định về bảo vệ và phát triển rừng trong pháp luật chuyên ngành cũng như các văn bản hướng dẫn pháp luật do được ban hành ở các thời điểm khác nhau nên còn có nhiều quy định, nhiều đánh giá về mức độ hậu quả của hành vi vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng còn chưa thống nhất.

Trước yêu cầu đó, việc hoàn thiện pháp luật hình sự về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng và việc đảm bảo tổ chức thực hiện các quy định này trên thực tế được đặt ra khá cấp thiết.

Kiến nghị thứ nhất liên quan đến hành vi khách quan của tội Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng.

Như đã phân tích hành vi khách quan của tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng không được mô tả một cách cụ thể mà được quy định một cách khái quát, kết hợp với quy định viện dẫn. Vì vậy, để truy cứu TNHS đối với người vi phạm, các nhà áp dụng luật không những phải dựa vào các văn bản hướng dẫn dưới luật mà còn phải dựa vào các quy định trong một số điều luật có liên quan trong BLHS như: Điều 189, Điều 153 và Điều 154. Như vậy, có thể nhận thấy rằng các quy định này chưa thực sự khoa học và vì thế mà ít nhiều cũng gây khó khăn cho các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử trong quá trình xử lý người phạm tội. Để khắc phục tồn

tại này, các nhà làm luật nên quy định hành vi phạm tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng dưới dạng quy định mô tả cụ thể. Như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý người phạm tội, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống nhóm tội phạm nguy hiểm này.

Kiến nghị thứ hai liên quan đến mặt chủ quan của tội phạm.

Qua nghiên cứu Điều 175 BLHS năm 1999 có thể thấy tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng có thể xảy ra hai hình thức lỗi là lỗi cố ý và lỗi vô ý. Đây là điều ít thấy và mâu thuẫn với lý luận. Bởi lẽ, “là biểu hiện cuả mặt chủ quan, lỗi luôn luôn là lỗi đối với tất cả các tình tiết khách quan được phản ánh trong CTTP cơ bản. Do vậy, không thể có những loại lỗi khác nhau trong cùng một cấu thành tội phạm cơ bản”. Hơn nữa, nếu lỗi vô ý được quy định trong cùng một tội thì cũng có thể bị xử lý như lỗi cố ý. Đây là điều bất hợp lý, không thể hiện được nguyên tác phân hóa TNHS.

Để giải quyết tình trạng bất cập trên đây, thiết nghĩ các nhà làm luật nêntách riêng hành viphạm tội với lỗi cố ý và hành vi phạm tội với lỗi vô ý và quy định trong các tội phạm độc lập. Những tội mới này có thể là: “Tội khai thác, buôn bán, vận chuyển trái phép lâm sản, cố ý vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” (tội cố ý) với hình phạt quy định như Điều 175 BLHS hiện hành và “Tội vô ý vi phạm các quy định về bảo vệ rừng” (tội vô ý) với hình phạt nhẹ hơn tội cố ý nói trên. Và khi tách làm hai tội thì các nhà làm luật nên để tội “vô ý vi phạm các quy định về bảo vệ rừng” trong chương các tội phạm về môi trường chứ không nên để trong chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.

Kiến nghị thứ ba liên quan đến chủ thể của tội phạm

Bộ luật hình sự mới chỉ ghi nhận chủ thể của tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng là cá nhân. Trong khi đó, các tổ chức thực hiện hành vi vi phạm xảy ra không ít trên thực tế. Chính vì vậy, Luật hình sự nên ghi nhận chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Theo đó, cơ quan, tổ chức cũng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có hành vi vi

phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng với tính chất và mức độ nguy hiểm “đáng kể” cho xã hội. Hình phạt đối với pháp nhân có thể là phạt tiền, giải thể, cấm hoạt động..v..v…

Kiến nghị thứ tư liên quan đến hình phạt được quy định đối với tội phạm.

Mức phạt tiền theo quy định tại Điều 175 BLHS năm 1999 không còn phù hợp với tình hình giá cả thị trường hiện nay. Hơn nữa, hiện nay, việc khai thác,vận chuyển, buôn bán các loại gỗ trái phép có những loại gỗ như: lim, sến, táu, gỗ sưa có giá trị kinh tế rất cao, nếu áp dụng khung hình phạt như vậy là chưa thỏa đáng. Vậy nên cần nâng giới hạn mức tối thiểu và mức tối đa của hình phạt tiền quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 175 BLHS để hình phạt có tính răn đe hơn. Theo tác giả, cần nâng mức phạt tiền quy định tại khoản 1 là “…..thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng……”; và nâng mức phạt tiền quy định tại khoản 3 là “người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một trăm triệu đồng đến một tỷ đồng”.

Kiến nghị thứ năm liên quan đến kỹ thuật lập pháp trong việc thiết kế các khung hình phạt đối với tội phạm này.

Qua nghiên cứu, tìm hiểu tác giả nhận thấy khoản 2 Điều 175 BLHS năm 1999 có ba điểm chưa hợp lý:

Thứ nhất, hai tình tiết định khung tăng nặng khác xa nhau về tính

nguy hiểm cho xã hội là “phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng” và “phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng” nhưng lại được quy định trong cùng một điều khoản.

Thứ hai, vì sự bất hợp lý trên, nên các nhà làm luật đã xây dựng loại

và mức hình phạt tương ứng với cả hai trường hợp phạm tội đó. Vì vậy mà khung hình phạt trở nên quá rộng. Hạn chế này có thể dẫn đến tình trạng áp dụng luật không thống nhất.

Thứ ba, mặc dù khoản 2 quy định “phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” là tình tiết định khung tăng nặng

nhưng khoản 1 lại quy định “phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng” là dấu hiệu để phân biệt tội phạm với hành vi vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Điều này cho thấy sự không thống nhất trong các quy định tại khoản 1 và khoản 2.

Để khắc phục những hạn chế trên. Khoản 2 nên được sửa như sau : 1/ sửa cụm từ “phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng ” thành “phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”; 2/ tách thành hai khoản (khoản 2 và khoản 3) tương ứng với mỗi khoản là một tình tiết định khung tăng nặng: khoản 2 có tình tiết định khung tăng nặng “phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng”; khoản 3 có tình tiết định khung tăng nặng “phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Hình phạt trong hai khoản này được ấn định trên cơ sở kế thừa quy định tại khoản 2. Và như vậy, khoản 2 sẽ được sửa đổi thành khoản mới như sau:

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

Với việc sửa đổi như trên Điều 175 BLHS năm 1999 sẽ thể hiện được rõ hơn nguyên tắc phân hóa TNHS và giảm được khoảng cách tính nguy hiểm của tội phạm được phản ánh.

Việt Nam có niềm tự hào về truyền thống cây rừng. Đã hình thành tập quán tốt đẹp gần nửa thế kỷ qua. Cứ mỗi độ xuân về, cả nước lại sôi nổi bước vào tết trồng cây theo lời Bác Hồ dạy. Tết trồng cây mở đầu cho năm sản xuất mới, tạo ra phong trào xây dựng và bảo vệ vốn rừng rộng lớn trong cả nước, đem lại những lợi ích thiết thực về kinh tế, xã hội và môi trường ở từng vùng miền trong cả nước.

Cây rừng là lá phổi xanh của trái đất, có vai trò quan trọng tất yếu đối với con người và động vật. Chính vì vậy mà ngay sau thành công của cách mạng tháng 8 năm 1945, cùng với quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã sớm có chính sách bảo vệ và phát triển rừng, khai thác rừng một cách hiệu quả và chính sách này từng bước được thể chế hoá thành pháp luật trong đó có pháp luật hình sự. Đó là công cụ sắc bén để ngăn chặn các hành vi khai thác, vận chuyển và buôn bán lâm sản trái phép.

Việt Nam tuy là một nước nông nghiệp, hơn nữa sự phát triển của xã hội ta hiện nay vẫn chưa vượt ra khỏi trình độ của nền văn minh công nghiệp, thế nhưng điều đó không có nghĩa là không có hiểm họa môi trường đe dọa. Ở các nước phát triển, hiểm họa môi trường là do sự phát triển của kỹ thuật công nghệ, do sự phát triển tự phát của nền văn minh công nghiệp, thì ở Việt Nam hiểm họa sinh thái là do sự kết hợp giữa phát triển và lạc hậu, do ảnh hưởng nặng nề của nếp suy nghĩ, nếp làm của người sản xuất nhỏ và lối sống công nghiệp còn chưa ổn định, chưa hoàn thiện. Thêm vào đó là nạn chặt phá rừng trái phép với mục đích lợi nhuận luôn luôn diễn ra từng ngày, từng giờ.

nNhận thức được lợi ích và tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên rừng nên hoạt động phòng chống tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng ở Việt Nam và các quốc gia trên thế giới luôn luôn được chú trọng, đề cao. Cùng với BLHS, các văn bản pháp luật chuyên ngành cũng như các Điều ước quốc tế mà mỗi nước ký kết hoặc tham gia là những công cụ hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về khai thác và bảo vệ rừng.

Về cơ bản, BLHS năm 1999 đã đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm về khai thác và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, Điều 175 BLHS cũng như các văn bản pháp luật liên quan đến việc (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

áp dụng Điều 175 vẫn còn những hạn chế nhất định. Việc hoàn thiện pháp luật hình sự về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa. Chính vì vậy tác giả đã đưa ra một số kiến nghị với mong muốn góp phần hoàn thiện pháp luật về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Cụ thể là những kiến nghị sau:

Kiến nghị thứ nhất liên quan đến hành vi khách quan của tội Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng;

Kiến nghị thứ hai liên quan đến mặt chủ quan của tội phạm; Kiến nghị thứ ba liên quan đến chủ thể của tội phạm;

Kiến nghị thứ tư liên quan đến hình phạt được quy định đối với tội phạm;

Kiến nghị thứ năm liên quan đến kỹ thuật lập pháp trong việc thiết kế các khung hình phạt đối với tội phạm này.

Trên đây là toàn bộ nội dung của khóa luận. Bài viết còn nhiều thiếu sót, rất mong được sự góp ý từ phía thầy cô và các bạn.

Một phần của tài liệu vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng theo BLHS việt nam (Trang 42 - 48)