KẾT LUẬN
Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 có một ý nghĩa lịch sử sâu sắc, không chỉ mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam mà còn khởi nguồn các cuộc đấu tranh giải phóng khỏi ách thống trị thực dân của các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới. Giáo sư người Jamaica Horet Compel, người từng nghiên cứu nhiều về lịch sử Việt Nam đã nhận xét: “Thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam không thể không nhắc tới vai trò lãnh đạo to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người anh hùng dân tộc của Việt Nam và một nhà lãnh đạo kiệt xuất của thế giới, đã đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam”. Và chính thắng lợi của cuộc cách mạng đó đã chứng minh một cách sinh động những tư tưởng đặc sắc, mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh về con đường giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa nửa phong kiến.
Đường lối đó thể hiện tính quy luật của sự phát triển lịch sử xã hội nước ta - cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn. Đó cũng chính là nét đặc sắc và sự khác biệt căn bản về con đường cứu nước của Hồ Chí Minh với các con đường của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học ở Việt Nam; khác biệt với con đường cứu nước của M.Ganđi, G.Nêru ở Ấn Độ, A.Xucacnô ở Inđônêxia, Natxe ở Ai Cập, H. Bumêđiêng ở Angiêri và nhiều nhân vật khác trên thế giới.
Vạch ra con đường cứu nước đúng đắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khai thông bế tắc đường lối giải phóng dân tộc, mà còn giải quyết đúng đắn, sáng tạo và lãnh đạo thực hiện thắng lợi các vấn đề trọng yếu nhất của cách mạng nước ta. Đó là sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước để xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc. Đó là việc xây dựng thành công lực lượng cách mạng với Mặt trận đoàn kết dân tộc rộng rãi lấy liên minh công nông làm nòng cốt, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân anh hùng, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân đầu tiên ở nước ta. Đó là việc xác định chính xác phương pháp cách mạng phù hợp với thực tiễn đất nước để thực hiện thành công các nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trước các biến động hết sức phức tạp trong các quan hệ quốc tế.
Tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt từng được thử thách của đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất định thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng vĩ đại đã được lịch sử dân tộc lựa chọn. Cách mạng là sáng tạo, là sự thống nhất biện chứng giữa những quy luật phổ biến với tính đặc thù của từng dân tộc. Không có mô hình duy nhất trong thực tiễn cho các quốc gia. Chủ nghĩa giáo điều, dù cũ hay mới, cũng như chủ nghĩa xét lại đều trái với con đường cách mạng và phát triển Việt Nam.
Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh “dĩ bất biến ứng vạn biến”, kết hợp nhuần nhuyễn, khôn khéo và thông minh tính kiên định về nguyên tắc và mục tiêu không thay đổi với đầu óc uyển chuyển, tinh thần và khả năng thường xuyên đổi mới, sáng tạo phù hợp, đáp ứng tình hình quốc tế và đất nước giai đoạn đầy biến động nhanh và khôn lường hiện nay - đó là bí quyết thành công trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng ta và dân tộc ta. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã khẳng định: “ Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.”
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, (2013), Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB: Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.
2. Chương trình môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành (QĐ 52/2008).
3. Trần Dân Tiến, (2004), Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh, NXB. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.