CHƯƠNG 4: BÀN LUẬN

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI MÔ HÌNH BỆNH TẬT (Trang 25 - 29)

Trong năm 2015, có 18615 bệnh nhân nội trú, bằng với số bệnh nhân năm 2014 (18672 bệnh nhân) nhưng cao hơn so với các năm từ 2011 đến 2013 (15539-18096 bệnh nhân). Tỉ lệ nữ cao hơn nam trong trong các bệnh nội trú (1/0.8), tỉ lệ này cũng phù hợp trong cơ cấu bệnh theo các nghiên cứu khác [3,4].

Về phân bố theo tuổi, bệnh dưới 6 tuổi chiếm đa số (40,8%), trong đó dưới 12 tháng chiếm 16,9%. Bệnh lớn tuổi (>= 60 tuổi) chiếm 17,8%. Điều này cũng phù hợp các mô hình bệnh tật khác được nghiên cứu tại Việt nam [3,4]. Từ đó thấy rằng, cần đầu tư nhân lực cũng như trang thiết bị thích hợp để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho 2 đối tượng này.

Đa số các bệnh nhân đến khám và có chỉ định nhập viện từ phòng khám ngoại chẩn, không cấp cứu (chiếm 90%), có nghĩa là có tới 1/10 số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cấp cứu (thường do các chấn thương ngoại hay các bệnh cấp cứu tim mạch, chảy máu đường tiêu hóa…), đây là một con số không nhỏ. Bệnh viện ĐKKV La Gi là một bệnh viện tuyến tỉnh mới thành lập (năm 2015), cách xa bệnh viện tỉnh Bình Thuận (70km) và các bệnh viện lớn tại thành phố Hồ Chí Minh (170km), do đó, việc chuyển kịp thời các bệnh nặng lên tuyến trên còn gặp khó khăn và mất nhiều thời gian. Ban lãnh đạo bệnh viện đã có kế hoạch đầu tư xây dựng các quy trình cấp cứu với đầy đủ các chuyên khoa nội, ngoại để đáp ứng việc cấp cứu kịp thời các bệnh nặng, tránh để mất thời gian vàng cứu sống bệnh nhân. Hiện chúng tôi đã có kế hoạch triển khai phẫu thuật ngoại thần kinh, xây dựng khoa cấp cứu trung tâm trong thời gian tới.

Về phân bố bệnh theo phân loại ICD10 thì nhóm bệnh của hệ hô hấp (Chương X) và bệnh nhiễm khuẩn và kí sinh vật (Chương I) chiếm tỉ lệ cao nhất (22% và 18% theo thứ tự trên); tiếp theo là bệnh của hệ tuần hoàn (Chương IX) và bệnh của hệ tiêu hóa (Chương XI) cũng khá cao (cả hai đều 11%). Kết quả này cũng phù hợp với các mô hình bệnh đã được công bố. Với mô hình bệnh như vậy, chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của công tác phòng chống bệnh, mà quan trọng nhất là nhận thức của người dân về cách phòng một số bệnh cơ bản (như nhiễm khuẩn đường hô hấp, đường tiêu hóa…). Chính vì vậy chúng tôi cũng đẩy mạnh việc phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng thị xã trong việc hướng dẫn người dân phòng tránh bệnh.

Các bệnh liên quan chấn thương và các bệnh nhiễm siêu vi (bao gồm cả sốt xuất huyết) chiếm tỉ lệ cao nhất trong 10 bệnh thường gặp (8,7% và 8,4% theo thứ tự trên). Mô hình bệnh này phù hợp ở các nước đang phát triển như Việt nam.

Trong nghiên cứu này, tai nạn thương tích chiếm tỉ lệ khá cao (12,78%). Trong đó, tai nạn giao thông chiếm đa số ((31,4%), tai nạn khác gồm tai nạn xã hội, tai nạn sinh hoạt cũng chiếm tỉ lệ cao trong số tai nạn thương tích (60,1%). Với số lượng bệnh tai nạn thương tích lớn như vậy, đây thực sự là một áp lực lớn cho bệnh viện trong việc cấp cứu bệnh nhân.

Tỉ lệ chuyển tuyến của chúng tôi còn cao, chiếm 5,08%. Trong đó, nhóm bệnh hô hấp dẫn đầu với 28,4%. Trong nhóm này, chiếm tỉ lệ cao nhất là các bệnh viêm phổi có các bệnh lý kèm theo không đáp ứng điều trị (33%) và các bệnh nghi do lao mà chưa được xác định (28%). Sếp thứ hai là các bệnh của hệ thần kinh (16,3%) mà chủ yếu liên quan các bệnh chấn thương như chấn thương sọ não, chấn thương cột sống và các bệnh tai biến mạch máu não. Nhóm bệnh đứng thứ 3 trong số các bệnh chuyển viện là bệnh tim mạch, chủ yếu là các bệnh liên quan mạch vành (nhồi máu cơ tim…). Ngoài một số bệnh phải chuyển tuyến do vượt quá khả năng chuyên môn của bệnh viện, chúng tôi còn phải chuyển một số lớn bệnh theo yêu cầu (như các bệnh đang được theo dõi và điều trị tại tuyến trên cũng như một số bệnh nhân, thân nhân chưa thật sự tin tưởng vào chuyên môn tuyến dưới).

Về kết quả ra viện chúng tôi có 94,57% số bệnh nhân nội trú khỏi bệnh hoặc đỡ/ giảm bệnh và 5,4% không giảm bệnh hay nặng hơn (thường trong nhóm bệnh nhân phải chuyển viện hay xin về).

Ngày điều trị trung bình là 4,7 ngày/ bệnh nhân/ lần nằm viện. Kết quả này tương đương các năm trước (Từ 2011 đến 2015, chỉ số này dao động từ 4,4 đến 4,7 ngày). Trong 2 năm qua, chúng tôi đã cố gắng nâng cao chất lượng điều trị, mở rộng các dịch vụ chuyên môn kỹ thuật, đồng nghĩa với việc nhiều mặt bệnh nằm lại điều trị tại tuyến Bệnh viện ĐKKV La Gi, nhưng số ngày điều trị trung bình chỉ tăng nhẹ. Đây là một cố gắng lớn của tập thể nhân viên Bệnh viện.

Tỉ lệ tử vong trong nghiên cứu này thấp, chiếm 0.03%, do một số ca tình trạng nặng xin về và số khác đã được chuyển lên tuyến trên vì vượt quá khả năng điều trị.

KẾT LUẬN

Trong năm 2015, tại Bệnh viện ĐKKV La Gi có 18615 trường hợp điều trị nội trú, đa số là trẻ em dưới 6 tuổi (40,8%) và trên 60 tuổi (17,8%). Tỉ lệ bệnh nữ gặp nhiều hơn nam (56% nữ so với 44% nam).

Các bệnh thường gặp nhất là các bệnh hệ hô hấp và nhiễm khuẩn, tiếp theo là bệnh của hệ tuần hoàn và hệ tiêu hóa (tỉ lệ lần lượt theo thứ tự là 22%, 18%, 11% và 11%).

Bệnh thường gặp nhất tại Bệnh viện ĐKKV La Gi là chấn thương các loại và các bệnh nhiễm siêu vi (bao gồm cả sốt xuất huyết) (8,7% và 8,4% theo thứ tự trên).

Có 5,08% bệnh nhân nội trú phải chuyển lên tuyến trên vì vượt quá khả năng điều trị, thường nhất là các bệnh của hệ hô hấp như lao phổi chưa xác định, viêm phổi với nhiều bệnh lý đi kèm; các bệnh hệ thần kinh như chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim…

Tỉ lệ tử vong là 0,03% (6 trường hợp) chủ yếu do choáng chấn thương nặng với tổn thương đa cơ quan và các bệnh lý người cao tuổi có suy đa cơ quan.

KIẾN NGHỊ

Bệnh viện ĐKKV La Gi là một bệnh viện mới được nâng lên hạng 2, là bệnh viện tuyến tỉnh (từ 7/2015), phải chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong vùng La Gi, Hàm Tân, một phần Hàm Thuận Nam, Tánh Linh. Tuy nhiên, cơ sở vật chất cũng như nhân lực còn thiếu nhiều (hiện tại gần như chỉ hơn một bệnh viện tuyến huyện chút ít). Do đó kiến nghị xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị cũng như hoàn thiện nguồn nhân lực xứng tầm một bệnh viện khu vực của tỉnh.

Công tác lưu trữ hồ sơ cần đầy đủ các thông tin cần thiết, tiến dần đến việc quản lý người bệnh bằng bệnh án điện tử. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu phục vụ tốt cho bệnh nhân cũng như giúp cho công tác nghiên cứu dễ dàng và nhanh chóng.

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI MÔ HÌNH BỆNH TẬT (Trang 25 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(29 trang)
w