4. Kết cấu đề tài
3.5 Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng
Về các chế tài do vi phạm hợp đồng, pháp luật Việt Nam và CISG đều quy định về chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, bồi thường thiệt hại và hủy hợp đồng. Công ước Viên không quy định gì về phạt vi phạm hợp đồng do có nhiều quan điểm rất khác nhau giữa các nước Civil Law (Hệ thống luật Châu Âu lục địa) và Common Law (Hệ thống luật Anh – Mỹ) về chế tài này khiến cho việc hài hòa giữa các bên là không thể thực hiện được.
Về chế tài hủy hợp đồng, chế tài này chỉ được áp dụng khi một bên vi phạm nội dung cơ bản hợp đồng. Theo Điều 25 CISG và Khoản 13 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 đưa ra những định nghĩa thống nhất ở một điểm như sau: “Vi phạm cơ bản là vi phạm gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho bên bị vi phạm, làm cho bên này không đạt được mục đích khi giao kết hợp đồng”.
Ngoài ra, theo Khoản 1, Điều 49 và Khoản 1, Điều 64 CISG quy định thêm về một trường hợp được hủy hợp đồng là khi bên vi phạm không thực hiện nghĩa vụ trong thời hạn đã được gia hạn thêm.
Về chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, CISG và Luật Thương mại 2005 quy định cho phép trái chủ có thể lựa chọn một trong hai biện pháp là sửa chữa hay thay thế hàng hóa. Tuy nhiên, Theo Điều 46 và Điều 62 CISG quy định “Trái chủ chỉ được áp dụng biện pháp thay thế hàng hóa khi vi phạm của thụ trái cấu thành vi phạm cơ bản, còn trong các trường hợp khác chỉ trái chủ chỉ được áp dụng biện pháp sửa chữa
hàng hóa, loại trừ khuyết tật của hàng hóa”. Luật Thương mại Việt Nam 2005 không có quy định gì về căn cứ vào đâu để lựa chọn sửa chữa hay thay thế hàng hóa.
Về bồi thường thiệt hại, đều có quy định các thiệt hại được bồi thường do hậu quả của việc vi phạm hợp đồng đó là tổn thất và khoản lợi bị bỏ lỡ mà bên kia đã phải chịu. Trong đó, cả CISG và Luật Thương mại năm 2005 đều ghi nhận nguyên tắc hạn chế tổn thất.
Theo Điều 302 Luật Thương mại năm 2005 nhấn mạnh tính trực tiếp và thực tế trong tính chất của thiệt hại được bồi thường. Đối với CISG nhấn mạnh đến việc có thể dự đoán trước về thiệt hại đối với bên vi phạm.
Về các trường hợp miễn trách nhiệm, CISG và pháp luật Việt Nam có quan điểm tương tự khi quy định về trường hợp bất khả kháng và lỗi của bên bị vi phạm.
Và CISG còn có khá nhiều quy định chi tiết về biện pháp giảm giá hàng (Điều 50), về cách áp dụng chế tài khi hợp đồng giao hàng từng phần (Điều 71), về việc hủy hợp đồng ngay cả khi chưa đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ (Điều 72), về cách tính tiền bồi thường thiệt hại một cách cụ thể khi hợp đồng bị hủy (Điều 75 và 76), về bảo quản hàng hóa đang tranh chấp (từ Điều 85-Điều 88).
Tóm lại, liên quan đến các chế tài do vi phạm hợp đồng mà CISG và pháp luật Việt Nam cùng quy định, CISG có các quy định đầy đủ và cụ thể hơn so với pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, có vấn đề luật Việt Nam có quy định nhưng CISG lại không quy định (như chế tài phạt) và ngược lại. Một số điểm khác biệt khác cũng cần được lưu ý, như quy định về việc thay thế hàng hóa không phù hợp.
Tuy vậy, cần khẳng định là những sự khác biệt này không tạo nên mâu thuẫn đối kháng giữa CISG và pháp luật Việt Nam về mua bán hàng hóa (bởi hai hệ thống này bổ sung cho nhau, mỗi hệ thống được áp dụng cho một loại hợp đồng riêng).
KẾT LUẬN
Đi cùng với sự phát triển giao thương thế giới, các doanh nghiệp không chỉ giao dịch hàng hóa trong lãnh thổ mà có thể giao dịch ngoài lãnh thổ của mình nhờ có Công ước Viên, các giao dịch thương mại diễn ra dễ dàng và thuận lợi hơn. Đặc biệt khi xảy ra tranh chấp, việc áp dụng CISG để giải quyết thể hiện sự công bằng, bình đẳng với tất cả mọi doanh nghiệp trên thế giới, đồng thời các doanh nghiệp cũng an tâm về quyền lợi của mình khi giao dịch. Nhờ đó, việc mua bán quốc tế diễn ra linh hoạt, thúc đẩy nền kinh tế thế giới ngày càng phát triển. Ngoài ra, Công ước Viên cũng đóng vai trò quan trọng trong việc lập pháp và góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia.
Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập CISG, các doanh nghiệp Việt Nam cần trang bị sẵn những kiến thức cần thiết về CISG nhằm sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả và hợp lí. Đề tài mang đến những kiến thức chung nhất, cơ bản nhất về CISG như một nền tảng để các doanh nghiệp Việt Nam, các nhà làm luật có thể tham khảo và cập nhật thông tin chính xác.
Việt Nam đang trên con đường hội nhập một cách chủ động và tích cực vào nền kinh tế thế giới, đẩy mạnh các hoạt động thương mại quốc tế, trong đó thương mại hàng hóa vẫn là hoạt động sôi động nhất. Trong quá trình tiến hành mua bán trao đổi hàng hóa với các đối tác nước ngoài, việc áp dụng các văn bản luật quốc gia sẽ gây nhiều khó khăn, bất lợi, làm phát sinh những xung đột pháp luật với các nước khác và khi giải quyết tranh chấp cũng khó khăn. Từ khi gia nhập Công ước Viên 1980, Việt Nam đã thống nhất nguồn luật áp dụng trong mua bán hàng hóa quốc tế với các nước đối tác khi ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Khi đó, các thương nhân Việt Nam và thương nhân nước ngoài đã cùng chung “tiếng nói”, cùng chung một cơ sở pháp lý và các mối quan hệ mua bán hàng hóa sẽ chặt chẽ và rộng mở hơn nữa, tránh được tranh chấp phát sinh,tránh được việc phải sử dụng đến quy phạm xung đột trong tư pháp quốc tế để xác định luật áp dụng cho hợp đồng. Khi các bên trong hợp đồng không lựa chọn, hoặc không thể lựa chọn được luật áp dụng cho hợp đồng, cơ quan giải quyết tranh chấp (tòa án, trọng tài) dẫn chiếu đến quy phạm luật xung đột để chọn một nguồn luật nhằm giải quyết tranh chấp có liên quan. Quy phạm luật xung đột thường là khác nhau ở các quốc gia, vì thế, việc áp dụng các quy phạm này thường dẫn
đến tính khó dự đoán trước được về nguồn luật áp dụng, gây khó khăn đáng kể cho các bên tranh chấp.
Có thể thấy, kinh tế Việt Nam đang trong quá trình hội nhập với sự phát triển của kinh tế thế giới, việc mở rộng ngoại thương không chỉ mang đến nguồn lợi lớn cho doanh nghiệp Việt Nam mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, việc gia nhập CISG đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các đối tác doanh nghiệp nước ngoài có thể tự do lựa chọn luật áp dụng, tự do lựa chọn các điều khoản quy định trong hợp đồng giao dịch quốc tế,… Nhìn chung, CISG và Luật Thương mại Việt Nam có nhiều nét tương đồng cơ bản trong những quy định về mua bán hàng hóa quốc tế. Tuy nhiên, CISG cũng quy định về những vấn đề mà hiện nay luật nước ta chưa đề cập, do đó, việc gia nhập CISG giúp nền pháp luật Việt Nam ngày càng chặt chẽ, cụ thể, chi tiết hơn về các nghĩa vụ và quyền lợi giữa các bên trong giao dịch quốc tế.
Trong tương lai, chúng ta sẽ càng cần nhiều hơn những đề tài nghiên cứu chuyên sâu về các nội dung được quy định trong CISG, các án lệ và những bài học cho các doanh nghiệp sau này. Không những thế, Chính Phủ có thể hỗ trợ tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm phổ biến kiến thức về Công ước Viên trên phạm vi toàn quốc hay phát hành các ấn phẩm giới thiệu về Công ước Viên và cung cấp tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Từ đó, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam về Công ước Viên để họ có sự thương lượng thích hợp trong các bản điều khoản hợp đồng giao dịch quốc tế; đồng thời, có thể hạn chế các phát sinh tranh chấp pháp lí trong quá trình hợp tác.
TÀI LIỆU THAM KHẢO http://baochinhphu.vn/Hoi-dap/Lich-su-va-noi-dung-co-ban-cua-Cong-uoc- Vienna-1980/293717.vgp https://trungtamwto.vn/chuyen-de/1158-nhung-loi-ich-cua-viec-viet-nam-gia-nhap-cisg https://trungtamwto.vn/chuyen-de/1154-nhung-diem-bat-cap-cua-cong-uoc-vien-1980-ma- viet-nam-can-luu-y https://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2009/07/08/3273/ https://thuvienphapluat.vn/van-ban/quyen-dan-su/Bo-luat-dan-su-2015- 296215.aspx https://thuvienphapluat.vn/van-ban/thuong-mai/Cong-uoc-vien-Lien-Hop-quoc- mua-ban-hang-hoa-quoc-te-11-04-1980-90153.aspx https://thuvienphapluat.vn/van-ban/thuong-mai/Luat-Thuong-mai-2005-36-2005- QH11-2633.aspx