QUÁN SÁT TẤT CẢ KHỔ NÃO CỦA CHÚNG SANH, BẰNG LÒNG HÓA THÂN TRỞ VÀO VƯỜN SANH TỬ, RỪNG PHIỀN NÃO, HIỂN LỘ THẦN THÔNG, ÐẾN CHỖ GIÁO HÓA, DÙNG SỨC BỔN NGUYỆN RA TAY NÊN GỌI RA MÔN THỨ NĂM.
Ðại thừa Bồ Tát phải có tâm khắp độ tất cả chúng sanh, ở đâu có nhu yếu cần là có Bồ Tát đến giúp đỡ. Kẻ phàm phu tâm cầu vui, tu các pháp nhơn thiên như ngũ giới, thập thiện liền được thọ dụng an vui của trời người. Hàng nhị thừa lòng họ chỉ biết tự lợi, tu theo pháp tứ đế, thập nhị nhơn duyên chỉ mong tự lợi không cần phát tâm đại bồ đề. Pháp môn tịnh độ là chủng tánh giới của Ðại Thừa. Vì thế người tu tịnh độ phải phát tâm Ðại Thừa Bồ Tát. Ðã có tâm Ðại Thừa, Bồ Tát sẵn sàng vào tất cả thế giới khổ não, phổ độ chúng sanh. Nên Bồ Tát trước tu bốn môn sau đó hồi hướng. Hồi hướng này là hạnh độ sanh. Bồ Tát phải đến địa vị thượng phẩm thượng sanh mới có thể làm nổi. Vì Bồ Tát địa thượng mới có đủ năng lực trở về thế giới khổ, phổ độ chúng sanh. Còn Bồ Tát không ở địa vị thượng phẩm thượng sanh cần phải ở lại thế giới Cực Lạc, nghe Phật pháp, tự tu công đức đầy đủ mới phát nguyện hồi hướng.
Tâm Từ Bi là vì việc chung, vì mỗi người mà làm, việc làm không có hạn lượng, không có ngằn mé, phục vụ công chúng đó là lòng từ bi. Ðem lòng đại từ bi này mà phát nguyện vãng sanh, đã được vãng sanh rồi tu hạnh từ bi, như thầy thuốc đi học thuốc vì muốn trị bịnh chho người, nếu không có người bịnh để trị thì việc học thuốc của thầy cũng trở thành vô ích. Bồ Tát cũng thế, nếu không độ chúng sanh thì diệu dụng của Bồ Tát cũng trở thành vô ích, dù có diệu dụng cũng chỉ bằng không. Vì thế, Báo thân của Bồ Tát tuy thường bất động ở thế giới Liên Hoa Tạng, nhưng vẫn dùng ứng hóa thân vào vườn sanh tử, rừng phiền não, làm cho chúng sanh mau đoạn phiền não khỏi khổ sanh tử, đồng sanh Cực Lạc, đồng chứng Bồ Ðề. Các Ngài dùng thần thông dạo chơi, đến chỗ giáo hóa, hiện tướng thành đạo, hiện tướng phàm phu, Nhị thừa, Bồ Tát. Tóm lại tất cả chỗ phiền não, sanh tử đều là nơi giáo hóa của Bồ Tát.