Trước hết cần chọn rau ở người khỏe mạnh, không có tiền sử của bệnh truyền nhiễm (lao, giang mai v.v…) rau thai được chọn phải là cuống nhỏ, rau nhỏ, bề mặt rau trơn bóng, hồng nhuận. Sau đó phải qua một quá trình chế biến như chưng, đồ, sấy.
Tính vị: vị ngọt, mặn, tính ấm
Quy kinh: vào 2 kinh can, thận
Công năng chủ trị:
- Bổ khí, dưỡng huyết, dùng trong các trường hợp thiếu máu, cơ thể suy nhược, gầy yếu, mất ngủ, hay quên, công năng của não suy giảm.
- Ích thận, cố tinh, dùng trong bệnh do tinh ở thận hao tổn, các chứng di tinh, liệt dương, không có khả năng sinh dục, phụ nữ kinh nguyệt không đều, các bệnh của tử cung, sau khi đẻ thiếu sữa.
- Bổ phế, dùng trong bệnh lao phổi, bênh hen suyễn.
Liều dùng: 4-12g
Kiêng kỵ: những người có thực tà thì không dùng
Chú ý:
- Tác dụng dược lý: thuốc có tác dụng làm cho trứng phát dục, tuyến vú phân tiết, tăng cường sức đề kháng cơ thể.
- Khi dùng cần qua kiểm nghiệm chặt chẽ vi trùng, siêu vi trùng.
LONG NHÃN
Arillus longan
Là áo hạt (qua chế biến) của quả cây nhãn Dimocarpus longan Lour. Họ Bồ hòn Sapindaceae. Nhãn dược trồng ở nhiều vùng trong nước ta. Dùng chế biến long nhãn người ta thường chọn nhãn nước, nhãn lồng, nhãn quả to, cùi dày, mọng và ngọt.
Tính vị: vị ngọt, tính bình
Quy kinh: vào 2 kinh tâm, tỳ
Công năng chủ trị:
- Bổ huyết dùng trong các trường hợp thiếu máu, cơ thể suy nhược, yếu mệt, thể trạng ngày càng giảm, đoản hơi. phối hợp với đương quy, hoàng kỳ, thục địa.
- An thần, ích trí dùng trong trường hợp mất ngủ, trí nhớ suy giảm hay quên, lo nghĩ quá nhiều mà dẫn đến tâm hồi hộp, tim loạn nhịp, tim đập dồn dập (tâm quý), người choáng váng, chóng mặt, phối hợp với câu đằng, toan táo nhân, thục địa.
- Bổ tỳ, kiện, vị, dùng trong trường hợp tỳ hư, ăn uống tiêu hóa kém, phối hợp với bạch truật, hoài sơn, ý dĩ, liên nhục, phục thần, cam thảo.
Liều dùng: 4-12g
Chú ý:
- Hạt nhãn được dùng trong các trường hợp mụn nhọt chốc lở, đặc biệt ngứa ở kẽ chân hoặc trẻ con chốc đầu. Lấy hạt nhãn bỏ vỏ đen, thái mỏng, tán bột rắc vào chỗ sang lở; có thể dùng riêng hoặc phối hợp với bột bàng xa bằng lượng; cũng có thể dùng bột than của hạt nhãn rắc vào các mụn lở ở trẻ em, sau khi đã gột sạch nhớt.
- Tác dụng kháng khuẩn: nước sắc long nhãn có tác dụng ức chế đối với trực khuẩn lỵ.