Kết luận:
Từ những nghiên cứu lý luận và đánh giá thực trạng Quản lý nhà nước về đầu tư phát triển nhà ở khu đô thị, luận án đã thu được những kết luận như sau:
1. Quản lý nhà nước về đầu tư phát triển nhà ở khu đô thị trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu trong việc nâng cao chất lượng sống, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo lập nhà ở đáp ứng cho nhiều đối tượng trước áp lực về sự gia tăng dân số đô thị, góp phần cho an sinh xã hội,...Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều những hạn chế trong việc quản lý nhà nước về đầu tư phát triển nhà ở khu đô thị...
2. Để góp phần giải quyết các vấn đề trên, Luận án đã nghiên cứu và có một số đóng góp mới với nội dung chủ yếu như sau:
- Luận án xây dựng khung lý thuyết nhằm bổ sung cơ sở lý luận, làm rõ hơn các nội dung quản lý nhà nước về đầu tư phát triển nhà ở khu đô thị.
- Luận án đã hệ thống, sơ đồ hóa nội dung những vấn đề cơ bản của quản lý nhà nước về đầu tư phát triển nhà ở khu đô thị, đưa ra một số tiêu chí đánh giá, tổng hợp số liệu, từ khảo sát và báo cáo từ các cơ quan quản lý nhà nước thực trạng về đầu tư phát triển nhà ở khu đô thị thời gian qua, đánh giá những nhân tố ảnh hưởng, so sánh, phân tích đánh giá tình hình quản lý nhà nước nhằm tìm ra hạn chế và nguyên nhân cơ bản.
- Trên cơ sở phân tích đánh giá thực trạng, Luận án đã nghiên cứu đề xuất một số giải pháp về xây dựng kế hoạch, chiến lược, quy hoạch cũng như đưa ra giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng và hiệu lực hiệu quả của quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư phát triển nhà ở khu đô thị ở Việt Nam.
3. Quản lý nhà nước về đầu tư phát triển nhà ở khu đô thị được coi là một phạm trù rộng lớn và phức tạp, là một phần quan trọng của nội dung quản lý phát triển đô thị, bởi lẽ, nó có liên quan đến cơ chế, chính sách ở nhiều cấp, nhiều ngành, từ trung ương đến địa phương. Việc tiếp cận và khảo sát số liệu gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là số liệu chính xác về giao dịch nhà ở tại các khu đô thị, do có những số liệu mang tính bảo mật đối với các chủ đầu tư dự án, cũng như chưa được thẩm định bởi các cơ quan quản lý nhà nước. Nên luận án còn một số hạn chế về phân tích đánh giá thực trạng về giao dịch sản phẩm nhà ở khu đô thị, NCS hy vọng sẽ có những nghiên cứu đánh giá, phân tích dữ liệu chuyên sâu về nội dung này trong những nghiên cứu tiếp sau.
Kiến nghị:
Trên cơ sở các kết quả có được từ việc thực hiện nghiên cứu đề tài “ Quản lý nhà nước về đầu tư phát triển nhà ở khu đô thị ở Việt Nam”, Luận án có một số các kiến nghị sau đây:
1). Một số kiến nghị chung:
- Bộ, ngành, địa phương sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai đã được giao; theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Bộ, ngành, địa phương mình quản lý để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
- Xem xét, chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung quản lý trong các văn bản có liên quan theo đề xuất trong Luận án với mục tiêu nâng cao hiệu quả khi đầu tư các
dự án khu đô thị, dự án nhà ở trên cơ sở hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
- Kiến nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc trong việc tổ chức thi hành Luật Đất đai, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai tại địa phương; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, phản ánh kịp thời những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thi hành Luật Đất đai về Bộ Tài nguyên và Môi trường để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
2). Một số kiến nghị cụ thể đến các cơ quan quản lý nhà nước và phương hướng cho các nghiên cứu tiếp sau của luận án:
- Các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu xây dựng hệ thống dữ liệu quản lý chặt chẽ việc quản lý thị trường giao dịch sản phẩm nhà ở tại các dự án đầu tư phát triển nhà ở; các cơ quan quản lý về quy hoạch, kiến trúc phải có quy hoạch sử dụng đất đai lâu dài; phải công khai quy hoạch để chống đầu cơ đất đai, dự án treo.
- Nghiên cứu thí điểm việc một số mô hình quỹ nhà ở xây dựng mới hàng năm có giá phù hợp với khả năng chi trả cho người có thu nhập thấp, thông qua một số biện pháp như miễn giảm tiền sử dụng đất; ưu đãi về thuế đối với các dự án xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp; trích một tỷ lệ nhất định của nguồn thu từ tiền giao đất, cho thuê đất của dự án thương mại, tiền bán nhà và cho thuê nhà của nhà nước.
- Hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách theo hướng bảo đảm nguyên tắc đồng bộ, nhất quán, tôn trọng các quy luật thị trường; tăng tính cạnh tranh...