Trong mục 3 chương II của luật thương mại nước Cộng hòa Xã hội chủ
nghĩa Việt Nam năm 2005 được Quốc hội khóa XI tại kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005, đã có qui định về mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa và giao cho chính phủ quy định chi tiết về hoạt động này. Ngày 28 tháng 12 năm 2006 Chính phủ đã có nghị định số 158/2006/NĐ-CP quy định chi tiết luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa. Tuy có phần chậm trễ nhưng việc quy định rất chi tiết, rõ ràng và chặt chẽđã tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư, các nhà sản xuất và các nhà kinh doanh mà đặc biệt là các nhà xuất khẩu.
Đối với ngành cà phê thì cần đề xuất xây dựng hệ thống luật pháp, các chế
tài riêng cho thị trường hàng hóa giao sau đối với mặt hàng cà phê nhằm điều chỉnh hành vi mua bán có tính pháp lý vững vàng và mang tính cụ thể hơn. Có như vậy thì thị trường hàng hóa giao sau đối với mặt hàng cà phê ở Việt Nam mới phát triển mang tính bền vững và những người kinh doanh trên thị trường này mới hạn chế được rủi ro trong quá trình hoạt động và mới thu được hiệu quả cao. Điểm cần quan tâm là qui định pháp luật phải đồng bộ nghĩa là giữa luật và văn bản dưới luật phải thống nhất, không có sự mâu thuẫn với nhau.
Đối với cơ chế và nội dung hoạt động thì Chính phủ phải có định hướng nhằm xây dựng nhanh chóng, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và luật pháp cũng như thông lệ quốc tế. Để hoàn thiện và thực thi trong quá trình vận hành sau này thì
ở thời điểm chuẩn bị này cũng cần phải nghiên cứu, tham khảo cơ chế và nội dung hoạt động của các sở giao dịch hàng hóa như: London, New York và các sở giao dịch của các nước tiên tiến khác trên thế giới. Điều quan trọng là tránh sự rập khuôn, máy móc để mô hình hoạt động sau này phù hợp với cơ chế thị trường và hoàn cảnh của Việt Nam.