Việc quy định không sử dụng những lời khai thông qua việc tra tấn hoặc những hình thức bị cấm khác trong những quy trình tố tụng tư pháp được quy định tại Điều 15 Công ước: “Mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng bất kỳ phát ngôn nào được đưa ra như là kết quả của sự tra tấn sẽ không được sử dụng làm bằng chứng trong bất kỳ tiến trình tố tụng nào, trừ khi để làm bằng chứng chống lại một người bị cáo buộc là đã thực hiện hành động tra tấn để có lời khai đó”
Việc cấm sử dụng lời khai có được từ việc tra tấn là dựa vào bản chất không đáng tin cậy của thông tin có được thông qua việc sử dụng những phương pháp đó. Ủy ban Nhân quyền đã giải thích Điều 7 ICCPR rằng: “Việc luật phải cấm sử dụng những lời khai hay thú tội được thông qua tra tấn hoặc các hình thức đối xử bị cấm khác trong quá trình tố tụng là vấn đề quan trọng trong việc ngăn chặn việc vi phạm Điều 7”. Trong Bình luận chung về quyền được xét xử công bằng, Ủy ban Nhân quyền quốc tế đã nhấn mạnh rằng trong luật các quốc gia cần phải đảm bảo rằng những lời khai hoặc thú tội có được do vi phạm Điều 7 của Công ước “không được coi là bằng chứng, trừ khi nó được dùng để làm bằng chứng chứng tỏ việc tra tấn hoặc những hình thức bị đối xử bị cấm bởi điều này đã xảy ra và trong đó những lời khai đó được đưa ra là tự nguyện, là thuộc về nhà nước”
Tại pháp luật Việt Nam, BLTTHS 2015 quy định: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”. Tất cả mọi chứng cứ đều phải đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác định tình hợp pháp, xác thực. Do đó, nếu thông tin, tài liệu được thu thập không đúng theo quy định của BLTTHS sẽ không có giá trị chứng minh trong quá trình tố tụng. Những người tiến hành tố tụng phải tiến hành xác minh và đánh giá mọi chứng cứ với đầy đủ tinh thần trách nhiệm. Người tiến hành tố tụng không được dùng các biện pháp mớm cung, ép cung lấy lời khai, hỏi cung. Pháp luật nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình trong quá trình điều tra xét hỏi. Lời buộc tội của bị can chỉ có thể bị coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác trong vụ án. Tuyệt đối không sử dụng những lời khai nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội họ. Bị can, bị cáo không buộc phải chứng minh sự vô tội của mình. BLHS cũng quy định hành vi bức cung là tội phạm có hình phạt áp dụng đối với hành vi này.
KẾT LUẬN
Qua những phân tích trên, có thể thấy pháp luật Việt Nam và quy định về quyền về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ
nhục con người được ghi nhận tại CAT có nhiều nét tương đồng. Điều này khiến cho pháp luật Việt Nam ngày càng hoàn thiện và đáp ứng tốt hơn việc bảo vệ quyền con người, đồng thời cũng thể hiện xu hướng quốc tế hóa của pháp luật Việt Nam trong những năm gần đây.
Bên cạnh đó, cũng tồn tại một số những hạn chế trong các quy định về tra tấn, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác áp dụng và thi hành án trên thực tế tại Việt Nam.