Tác giả Nguyễn Anh Tuấn [2] nghiên cứu xây dựng mô hình mã hóa CSDL nói chung. Tác giả dùng các thuật toán mật mã để mã hóa dữ liệu và dùng các bảng ảo, trigger của DBMS để giải mã dữ liệu trước khi truy vấn. Phương pháp này chống lại các tấn công đánh cắp dữ liệu do Adv không có khóa mã để giải mã dữ liệu. Tuy nhiên, khi số lượng bảng ảo tăng lên thì sẽ làm giảm khả năng xử lý của máy chủ. Ngoài ra, nghiên cứu này chưa quan tâm giải quyết bài toán xác thực dữ liệu, quản lý và thay đổi khoá.
Tác giả Phạm Thị Bạch Huệ [1] nghiên cứu và phát triển một số giải pháp bảo mật và bảo vệ tính riêng tư trong ODBS. Trong đó, tác giả tập trung vào các vấn đề liên quan đến tính riêng tư người dùng, tính riêng tư dữ liệu, xác thực người dùng và ghi nhật ký hệ thống. Tác giả giải quyết tính riêng tư người dùng bằng phương pháp truy vấn tạo nhiễu, sau đó loại bỏ các bản ghi dư thừa ở phía người dùng, điều này hạn chế việc máy chủ dữ liệu thống kê tần suất truy vấn của người dùng. Việc bảo vệ tính riêng tư dữ liệu được tác giả sử dụng cơ chế quản lý truy cập mức cột, có thể sử dụng trong CSDL ít biến động. Để bảo vệ tính riêng tư dữ liệu,tác giả dùng thuật toán mã hóa dữ liệu dựa trên định lý số dư Trung Hoa (Chinese remainder theorem - CRT), sử dụng hàm một chiều để dẫn xuất khóa, dùng cây nhị phân để quản lý. Tuy nhiên, tác giả chưa giải quyết bài toán xác thực dữ liệu trả về. Bài toán thay khoá được tác giả đưa ra trong hướng nghiên cứu tiếp theo, nhưng đến nay, bài toán này vẫn chưa được giải quyết