Kính thưa Quốc hội,
Về kết quả tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo, việc thu hồi diện tích lớn đất đai canh tác và sinh sống truyền thống của bà con, phục vụ cho các công trình, dự án kinh tễ - xã hội phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đô thị hóa trong khi chưa quan tâm thích đáng đối với công tác tái định cư, tái định canh của đồng bào, đào tạo lại, thu nhận lao động tại chỗ hoặc nếu có làm thì làm qua loa, chiếu lệ, không phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán và các hình thức canh tác truyền thống của bà con đã làm gia tăng nguy cơ nghèo đói, bất bình đẳng và cách biệt giữa thành thị và nông thôn.
Tổng nguồn lực để thực hiện giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 là 881.000 tỷ đồng, trong đó từ ngân sách nhà nước là 864.050 tỷ đồng, tuy nhiên Báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo giám sát chưa đưa ra số liệu cụ thể, chi tiết đánh giá các khoản chi cho bộ máy quản lý các chương trình dự án giảm nghèo, chi thường xuyên, chi đầu tư, chi hỗ trợ trực tiếp cho người dân, chi hỗ trợ bằng vật dụng, lương thực và chi hỗ trợ bằng tiền mặt v.v... nên khó có thể phân tích, so sánh hiệu lực, hiệu quả của các hình thức hỗ trợ giảm nghèo. Nhiều ý kiến cho rằng chi phí cho bộ máy quản lý các chương trình, dự án, chi phí trung gian cao nên phần hỗ trợ trực tiếp của nhà nước cho bà con nghèo không được như mong muốn.
Phân cấp quản lý sử dụng các nguồn lực tài chính của các chương trình, dự án về các cơ quan chủ trì chương trình đã phần nào hạn chế tính chủ động của các địa phương, cộng với năng lực quản lý thực hiện dự án kém đã ảnh hưởng đến hiệu quả của một số chương trình, dự án.
Về phần kiến nghị, tôi kiến nghị Quốc hội, Chính phủ một là rà soát, sắp xếp lại các chính sách, chương trình, dự án theo hướng tập trung, lồng ghép, phối hợp chặt chẽ hơn, thay vì có nhiều chương trình, dự án như hiện nay tập hợp vào một chương trình giảm nghèo duy nhất của quốc gia gia đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2030 với các hợp phần về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, giáo dục, dạy nghề, việc làm, y tế, phòng, chống các dịch bệnh nguy hiểm, các tệ nạn xã hội, văn hóa,
thông tin; bảo đảm chủ động cân đối nguồn lực tài chính cho chương trình theo kế hoạch tài chính trung hạn như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư đã phát biểu sáng nay.
Hai, đặc biệt quan tâm đến chất lượng dân số, chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân để giảm thiểu tình trạng đột biến về gia cảnh do ốm đau, bệnh tật kéo dài; quan tâm đến chất lượng giáo dục, dạy nghề gắn với tạo việc làm ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa để bà con chủ động thoát nghèo.
Ba, giám sát chặt chẽ việc thu hồi đất nông nghiệp, đền bù tái định cư, tái định canh, đảm bảo điều kiện sản xuất ỏ nơi ở mới tốt hơn ở nơi cũ như quy định hiện hành.
Bốn, trong hoạch định chính sách giảm nghèo bền vững giai đoạn tiếp theo cần chú ý đến các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, mức nước biển dâng, các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, giông bão để phòng, tránh những tác động tiêu cực của thiên nhiên đến thu nhập và đời sống của đồng bào vùng đặc biệt khó khăn, vùng ven biển, hải đảo, vùng núi cao, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Xin cám ơn Quốc hội.